Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ tư, 06/09/2023 11:09
TMO – Nhiều cơ sở trong danh mục 17 ngành nghề sản xuất kinh doanh nằm trong khu vực nội thành Hà Nội phải thực hiện xử lý triệt để về môi trường và di dời ra khỏi vùng nội đô. Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thực hiện di dời, đến nay kết quả không như kỳ vọng.
Theo rà soát của các sở, ngành liên quan, tại 12 quận nội thành Hà Nội có khoảng trên 90 cơ sở sản xuất thuộc 17 ngành nghề (Hóa chất; tái chế, mua bán chất phế thải; tẩy, nhuộm, hồ, in trên các sản phẩm vải sợi, dệt, may, đan; luyện cán cao su; thuộc da; xi măng mạ điện; gia công cơ khí; in, tráng bao bì kim loại; sản xuất bột giấy; sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gốm sứ, thủy tinh; chế biến gỗ; chế biến thực phẩm tươi sống, nước chấm các loại, muối, dầu ăn; sản xuất bánh mứt kẹo, cồn, rượu, bia, nước giải khát (trừ nước uống tinh khiết); sản xuất thuốc lá; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy trình công nghiệp; giết mổ gia súc; chế biến than) nằm trong diện phải đảm bảo tốt về môi trường hoặc di dời do không còn phù hợp với quy hoạch và gây ô nhiễm môi theo Quyết định 64/2003 của Chính phủ.
Năm 2010, UBND TP Hà Nội ban hành thông báo kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu vực dân cư trên địa bàn thành phố. Theo kế hoạch này, đến năm 2015, Hà Nội sẽ hoàn thành việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Lộ trình cụ thể: Đến cuối năm 2010 phải hoàn thành việc xây dựng cơ chế, chính sách, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể có tính khả thi cao, phù hợp với nguồn lực, khả năng thực tế trong việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Đến hết quý II/2011, sẽ tiến hành rà soát, tổng hợp danh sách các đơn vị đang sử dụng đất gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch cần phải di dời. Trước năm 2012 sẽ phải di dời các cơ sở có diện tích sử dụng đất lớn hoặc các cơ sở đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc không phù hợp với quy hoạch tại 10 quận (Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai và Hà Đông). Các trường hợp còn lại sẽ phải xử lý môi trường hoặc hoàn thành di dời trong năm 2015. Để hoàn thành mục tiêu theo lộ trình đề ra, UBND TP Hà Nội yêu cầu kiểm tra, đôn đốc và kiên quyết xử lý các trường hợp không thực hiện kế hoạch di dời bằng biện pháp cưỡng chế buộc ngừng sản xuất hoặc thu hồi đất. Ngược lại, đối với các đơn vị di dời sớm, đúng kế hoạch sẽ được đề xuất hỗ trợ.
Di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội đô.
Trong giai đoạn từ (2003-2012), qua rà soát, đánh giá, Hà Nội có 25 cơ sở thuộc danh sách phải thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Đến nay 25/25 cơ sở đều đã hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường và được Bộ Tài nguyên và Môi trường chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để. Bên cạnh việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Hà Nội đã chủ động hướng dẫn di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị. Trong đó, 67 cơ sở công nghiệp thuộc đối tượng di dời do không phù hợp quy hoạch đã có Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật đất dịch vụ thương mại với diện tích 102,07ha; 27 cơ sở công nghiệp thuộc đối tượng di dời do không phù hợp quy hoạch đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, với tổng diện tích 38,6017ha. Như vậy, kết quả thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch còn hạn chế, chậm so với mục tiêu, lộ trình đặt ra.
Nguyên nhân nào?
Giai đoạn đầu triển khai thực hiện chưa có các cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích được doanh nghiệp tích cực chuyển đổi ngành nghề, chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch hoặc tự nguyện di dời. Sự phối hợp giữa các sở, ngành và các quận, huyện trong triển khai thực hiện dù đã tích cực hơn song có nơi, có lúc còn chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả. Các đơn vị sau khi di dời nhưng vẫn khai thác cơ sở cũ dẫn đến việc đề xuất sử dụng quỹ đất sau di dời bổ sung công trình công cộng, hạ tầng như mục tiêu quy hoạch chưa thực hiện được. Nguồn vốn thực hiện cho công tác di dời lớn, đồng thời thiếu cơ chế chính sách sử dụng quỹ đất trụ sở sau khi di dời. Việc hạn chế công trình cao tầng khu vực nội đô đang được triển khai cũng có ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chủ trương di dời.
Nhiều bất cập khiến công tác di dời chưa đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập trong việc xác định đối tượng áp dụng và thẩm quyền phê duyệt danh mục đề xuất di dời, cụ thể như việc xác định đối tượng di dời (Quyết định 130 thì không phân biệt doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước; Nghị định 167 và Nghị định 67 quy định doanh nghiệp do nhà nước chiếm từ 50% vốn điều lệ; thẩm quyền phê duyệt danh mục theo QĐ 130 là Thủ tướng Chính phủ; thẩm quyền phê duyệt danh mục theo Nghị định 167 là Thủ tướng Chính phủ đối với di dời do ô nhiễm môi trường; UBND cấp tỉnh sau khi có ý kiến của HĐND cùng cấp đối với di dời theo quy hoạch). Ngoài ra, hiện nay cơ chế, chính sách áp dụng có nhiều thay đổi, chưa có chính sách cho tổ chức kinh tế chuyển mục đích sử dụng theo quy hoạch đất hoặc doanh nghiệp di dời được lựa chọn làm nhà đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án theo quy hoạch (trước đây chính sách tại Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010, có quy định: Doanh nghiệp phải di dời tự làm chủ đầu tư hoặc liên doanh với nhà đầu tư khác hình thành pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch nay đã hết hiệu lực thi hành).
Mới đây, trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nội về thực trạng chậm di dời các nhà máy, xí nghiệp sản xuất… từ khu vực nội đô ra ngoài, Bộ Xây dựng cho biết, nguyên nhân của sự chậm trễ là do sự thay đổi về chủ trương, chính sách pháp luật liên quan, ảnh hưởng tới tiến độ lập quy hoạch, đề án di dời. Quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực, bố trí nguồn vốn thực hiện, trong khi công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn. Sự chủ động, phối hợp thực hiện của các cơ quan có liên quan chưa cao...
Phải khẳng định rằng, việc di dời nhà máy, xí nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm khu vực nội đô không chỉ vì một Hà Nội văn minh hiện đại, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn là cơ hội để doanh nghiệp sớm có phương án sắp xếp lại sản xuất, sử dụng đất hiệu quả, đúng mục đích… Nhưng rõ ràng, với những kết quả “khiêm tốn”, chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị đang là thách thức không nhỏ với Hà Nội.
Bài tiếp: Giải pháp đẩy nhanh di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô (Bài 3)
TÚ QUYÊN – PHẠM DUNG
Bình luận