Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ ba, 05/09/2023 11:09
TMO – Sau 20 năm thực hiện kế hoạch di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra ngoại thành, đến nay, kế hoạch này vẫn đang gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Bài 1. Quyết định mang tính đột phá
Ngày 22/4/2003, Chính phủ ban hành Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2007 sẽ tập trung xử lý triệt để 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong tổng số 4.295 cơ sở gây ô nhiễm (được rà soát, thống kê đến năm 2002), gồm: 284 cơ sở sản xuất kinh doanh, 52 bãi rác, 84 bệnh viện, 15 kho thuốc bảo vệ thực vật, 03 khu tồn lưu chất độc hóa học và 01 kho bom do chiến tranh để lại, nhằm giải quyết ngay những điểm nóng, bức xúc nhất về ô nhiễm môi trường ở những khu đô thị, đông dân và những vùng bị ô nhiễm nặng nề, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, từng bước kiểm soát và hạn chế được tốc độ gia tăng các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong phạm vi cả nước.
Mục tiêu đến năm 2012 sẽ tiếp tục xử lý triệt để 3.856 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn lại và các cơ sở mới phát sinh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, tiến tới kiểm soát và hạn chế được tốc độ gia tăng các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong phạm vi cả nước, bảo đảm phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch trong phạm vi cả nước, các Bộ, ngành, địa phương và cơ sở có liên quan cần nghiên cứu xây dựng, ban hành mới hoặc bổ sung và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách có liên quan nhằm bảo đảm việc triển khai thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả cao; Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư để thực hiện Kế hoạch (vốn tự có, vốn ngân sách nhà nước, vốn vay từ các Quỹ và các nguồn khác); Chủ cơ sở chịu trách nhiệm chính trong việc đầu tư vốn để xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do mình gây ra; được phép sử dụng các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện; được xem xét vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo các quy định tại Quyết định 82/2002/QĐ-TTg ngày 26/6/2002 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Các Bộ, ngành và địa phương là cơ quan chủ quản các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bố trí kế hoạch hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện Kế hoạch (phần thuộc trách nhiệm của Bộ, ngành và địa phương mình).
(Ảnh minh họa)
Chủ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng triển khai thực hiện Kế hoạch được hưởng các chính sách miễn giảm thuế hoặc ưu đãi về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị tiên tiến, công nghệ sản xuất sạch và thân thiện với môi trường; được hưởng các chính sách ưu đãi hoặc miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất theo các quy định tại Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi); Khuyến khích đổi mới và nâng cấp công nghệ; đẩy mạnh áp dụng các công nghệ sạch và thân thiện với môi trường vào sản xuất của các doanh nghiệp; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt trong việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, đôn đốc thực hiện Kế hoạch và công tác thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo Tiêu chuẩn Môi trường Việt Nam. Nghiên cứu áp dụng dán nhãn môi trường cho các sản phẩm của doanh nghiệp, trước mắt áp dụng thử nghiệm trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Đẩy mạnh công tác giáo dục và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc triển khai thực hiện Kế hoạch. Động viên, khuyến khích mọi người dân và từng cộng đồng dân cư chủ động và tích cực tham gia vào việc phòng ngừa, xử lý ô nhiễm và khắc phục suy thoái môi trường; Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm khai thác các nguồn lực của các tổ chức và cá nhân nước ngoài để thực hiện Kế hoạch. Thực hiện các biện pháp cưỡng chế hành chính theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có hành vi dây dưa, chây ì, không tự giác thực hiện Kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày 17/6/2003, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định 74/2003 về việc di chuyển các cơ sở sản xuất không còn phù hợp với quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành. Đây được coi là bước đột phá nhằm giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong sản xuất kin doanh, góp phần tạo cảnh quan kiến trúc, văn minh đô thị, nâng cao chất lượng môi trường sống cho hàng triệu dân vùng nội thành Hà Nội.
Theo Quyết định 74/2003, đối tượng áp dụng là các cơ sở sản xuất hiện đang tồn tại trong các quận nội thành (thuộc Trung ương, địa phương, tập thể, tư nhân … có giấy tờ hợp pháp cũng như chưa có giấy tờ về đất đai), không phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị hoặc gây ô nhiễm môi trường, đều phải di chuyển đến địa điểm mới phù hợp với quy hoạch. Về nguyên tắc sử dụng diện tích đất sau khi di chuyển, Quyết định 74/2003 nêu rõ: Diện tích đấy của các đơn vị di chuyển đi được sử dụng trước hết để ưu tiên xây dựng các công trình công cộng: trường học, nhà để xe công cộng, vườn hoa cây xanh…; Phần diện tích đất còn lại được sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ hoặc các mục đích khác thì tổ chức lựa chọn chủ đầu tư theo phương thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc theo phương thức lựa chọn chủ đầu tư được quy định tại Quyết định 155/2002/QĐ-UB ngày 18/11/2002 của UBND TP Hà Nội, để xây dựng công trình mới theo quy họach.
Đối với quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức sử dụng đất phải di chuyển, Quyết định 74/2003 nêu: Đối với các tổ chức đang sử dụng đất do nhà nước giao hoặc cho thuê, có diện tích đất từ 3.000 m2 trở lên (Phần diện tích đất sau khi di chuyển được sử dụng để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích công cộng, Thành phố thu hồi để xây dựng theo quy hoạch, đơn vị đang sử dụng đất được bồi thường theo quy định tại Nghị định 22/NĐ-CP; Phần diện tích đất sau khi di chuyển được giành để xây dựng công trình kinh doanh, dịch vụ, cho phép chuyển nhượng tài sản và quyền sử dụng đất theo phuơng thức quy định tại Điều 1 của Quyết định 74; đơn vị đang sử dụng đất được sử dụng 50% kinh phí thu được để đầu tư xây dựng "nhà xưởng, thiết bị, máy móc" ở nơi mới; trường hợp kinh phí còn thừa đơn vị đuợc sử dụng để đầu tư, phát triển sản xuất; trường hợp thiếu Thành phố sẽ cấp bù bằng vốn ngân sách (đối với các cơ quan Trung ương sẽ do các Bộ, ngành chủ quản cấp); Phần 50% còn lại nộp Ngân sách Thành phố để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng khác của Thành phố.
Đối với các tổ chức đang sử dụng đất do Nhà nước giao hoặc cho thuê có diện tích nhỏ hơn 3.000m2 sẽ ưu tiên các đơn vị đang sử dụng đất được chuyển mục đích sử dụng đất, lập Dự án xây dựng công trình theo quy hoạch. Đơn vị phải tự lo kinh phí di chuyển, thực hiện đầu tư xây dựng công trình theo dự án và quy hoạch được duyệt. Trường hợp tổ chức đang sử dụng đất được tiếp tục đầu tư theo quy hoạch, tiền sử dụng đất tính theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế tại khu vực, đơn vị được hưởng 50% và có trách nhiệm nộp phần 50% còn lại cho Ngân sách để đầu tư cho phường sở tại để xây dựng công trình phúc lợi, công cộng; Trường hợp đơn vị đang sử dụng đất không có khả năng hoặc từ chối việc lập dự án theo quy hoạch thì thực hiện theo Điều 1 của Quyết định 74. Nếu Thành phố tổ chức đấu giá theo quy định, số tiền thu được (sau khi trừ các chi phí tổ chức đấu giá) xử lý như sau: 50% còn lại được đơn vị đang sử dụng đất được hưởng để di chuyển cơ sở, 50% còn lại được đầu tư cho phường nơi có đất.
Theo Quyết định 74/2003, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Quy hoạch kiến trúc chủ trì, phối hợp kiểm tra rà soát, lập và trình UBND Thành phố danh sách các đơn vị đang sử dụng đất (kể cả cơ quan Trung uơng và địa phương) không phù hợp quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, phải di chuyển, đồng thời kiểm tra lại chức năng sử dụng đất của từng đơn vị theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt; báo cáo UBND thành phố để công bố công khai. Đồng thời xác định các khu công nghiệp phát triển tập trung cũng như phân tán để công bố cho các chủ đầu tư. Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì phối hợp với các ngành UBND các quận, huyện chuẩn bị cơ chế chính sách và kế hoạch đầu tư xây dựng các khu công nghiệp có đủ hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu di chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực nội thành. Hoàn thiện quy chế lựa chọn chủ đầu tư (trong đó bao gồm cả quy chế đấu giá quyền sử dụng đất) thực hiện dự án phù hợp quy hoạch đối với diện tích đất sau khi di chuyển, trình UBND Thành phố phê duyệt…Đây là một trong những cơ sở để Hà Nội xây dựng cơ chế chính sách, kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm, nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi vùng nội thành. Quyết định số 64/2003 của Chính phủ đã quy định rõ ràng về lộ trình, thời gian triển khai thực hiện, hoàn thành. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện vẫn không đạt như kỳ vọng.
Bài 2. Nhiều bất cập trong thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra ngoại thành
TÚ QUYÊN – PHẠM DUNG
Bình luận