Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ tư, 17/05/2023 12:05
TMO - Mặc dù có tính ứng dụng cao nhưng N2O cũng là một trong những khí nhà kính gây cạn kiệt và tác động tiêu cực đến tầng ozone. Việc giảm phát thải và thắt chặt quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh N2O đang được Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới hướng đến.
Gây nên hiệu ứng nhà kính, tác nhân khiến Trái Đất nóng lên
Khí N2O có tên gọi hóa học là Đinitơ monoxit (hay Nitrous Oxide) là hợp chất cấu thành từ 2 nguyên tử Nitơ và một nguyên tử Oxy. Ở điều kiện bình thường, N2O có dạng khí và tồn tại trong khí quyển Trái Đất, không màu, không mùi và nặng hơn không khí 1,5 lần. Ở nhiệt độ phòng, nó có tính oxi hóa, thúc đẩy các chất khác sản sinh ra phản ứng cháy.
Theo PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), giống như Carbon dioxide (CO2) và Metan (CH4), khí N2O cũng là tác nhân gây nên hiệu ứng nhà kính, nóng lên toàn cầu. Trong đó, lượng khí N2O phát thải vào bầu khí quyển nhiều hơn chúng ta nghĩ nhưng vẫn chưa được đánh giá đúng mực. Nếu 1 tấn khí CH4 tương đương khoảng 24 tấn CO2 thì 1 tấn N2O quy ra gần bằng 298 tấn CO2. Như vậy, nói về tác hại biến đổi khí hậu của N2O so với CO2 thì cao hơn gấp 30 lần.
(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Khí N2O được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống, có liên quan chặt chẽ đến hoạt động công nghiệp, nông nghiệp của con người. Điển hình như chế biến, bảo quản thực phẩm; dùng trong y tế làm chất gây mê, gây tê; dùng trong môi trường để phân tích nguyên tử, phân tích một số chất gây ô nhiễm; dùng trong điện tử nhằm bảo quản các linh kiện điện tử,… Nhờ đó, hóa chất này được sử dụng rộng rãi trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, việc giải phóng N2O vào không khí xung quanh gây nên tình trạng thất thoát, ảnh hưởng đến bầu khí quyển.
Theo một báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Môi trường và Năng lượng (Environmental and Energy Study Institute, viết tắt: EESI) vào năm 2022, không chỉ làm nóng gấp gần 300 lần so với CO2, khí N2O còn tồn tại trong khí quyển trung bình gần 114 năm. Như vậy, giống như bẫy nhiệt, khí N2O làm cạn kiệt tầng ozone trong tầng bình lưu.
Cũng theo nghiên cứu trên, trong khi khoảng 60% lượng khí thải N2O toàn cầu xảy ra một cách tự nhiên, 40% còn lại là do các hoạt động khác của con người, bao gồm sản xuất công nghiệp. Đồng thời, mức tăng phát thải N2O toàn cầu từ năm 2020 đến năm 2021 cũng cao hơn tốc độ tăng trung bình hàng năm trong suốt 10 năm qua. Việc gia tăng phát thải N2O đang đi ngược lại với xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững, canh tác hữu cơ, cuộc cách mạng công nghiệp xanh mà Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đề ra.
Tác động xấu đến sức khoẻ con người và hệ sinh thái
Cũng theo PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, tùy quy mô từng quốc gia, các doanh nghiệp, nhà sản xuất kinh doanh mà thế giới có những quy định, giải pháp khác nhau để giảm phát thải khí nhà kính nói chung hay những khí tương đương CO2 (N2O, NH4) nói riêng. Điển hình như Nghị định thư Kyoto - thỏa thuận khí hậu toàn cầu về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (có hiệu lực từ 2005).
Việt Nam không nằm trong các quốc gia bắt buộc theo Nghị định trên nhưng với tư cách là một thành viên có trách nhiệm, Việt Nam cũng có những cam kết cụ thể liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính. Đầu tiên, giảm phát thải nhà kính 9% đến năm 2030 nếu không có tài trợ quốc tế và 47% trong trường hợp có tài trợ quốc tế. Cam kết thứ hai, đến 2030 giảm 30% phát thải khí CH4. Thứ ba, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, nghĩa là lượng phát ra và hấp thu vào bằng nhau. Sau khi cam kết, Việt Nam đã có nhiều giải pháp hướng đến giảm phát thải khí nhà kính toàn diện trong nhiều lĩnh vực thông qua 6 nhóm đối tượng. Bao gồm năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; các quá trình công nghiệp; nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất và xử lý chất thải.
Thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện và xử lý nhiều đối tượng sử dụng "bóng cười" trái phép trong các cơ sở vui chơi giải trí.
Tuy nhiên, hiện nay khí N2O được sử dụng phổ biến trong việc phục vụ cho mục đích vui chơi giải trí khiến dư luận đặt câu hỏi về việc các doanh nghiệp nhập khẩu, mua bán, sử dụng khí N2O có đúng với quy định hay không và có hay không tình trạng biến tướng sang hình thức “bóng cười” (khí cười) (?)
Đáng nói là quá trình san chiết khí N2O vào các bình chứa phục vụ cho mục đích giải trí cũng gây thất thoát, rò rỉ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người và hệ sinh thái. “Bất cứ nguồn N2O nào thải ra môi trường đều tác động đến sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu,” - PGS.TS. Phùng Chí Sỹ cho biết.
Việc giảm phát thải khí nhà kính nói chung cũng như N2O nói riêng đang là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết. Cần nhìn nhận thực tế rằng những năm qua, tình trạng nóng lên toàn cầu khiến những hiện tượng thời tiết cực đoan (nắng nóng gay gắt, bão lớn, nước biển dâng cao,…) xảy ra với tần suất ngày càng nhiều, đe đọa đến sự tồn vong của nhân loại. Trong đó, phát thải N2O tuy ảnh hưởng nhiều đến quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu (hơn cả CO2) nhưng vẫn bị đánh giá thấp.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) trong năm 2022, Trái Đất hiện đã nóng lên khoảng 1,1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, gia tăng nguy cơ gây ra những tác động lan rộng đối với hệ sinh thái. Bên cạnh đó, việc sử dụng trực tiếp khí cười còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người nhưng vẫn chưa đánh giá đúng mực; nhiều cá nhân, tổ chức cũng cho thấy dấu hiệu lợi dụng việc nhập khí N2O để kinh doanh trái phép, sử dụng sai mục đích.
(Còn nữa…)
Nhóm PV
Bình luận