Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 00:12
Thứ tư, 13/09/2023 07:09
TMO - Bên cạnh những yếu tố thuận lợi trong xuất khẩu, thời gian qua, ngành hàng sầu riêng nước ta đang phải đối mặt với những nhiều thách thức do tăng trưởng nóng. Trong đó, hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết đang diễn ra ở các vùng trồng sầu riêng trong cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên.
Sầu riêng đang trở thành một trong những mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu của ngành Nông nghiệp nước ta. Đến nay, cả nước có hơn 112 nghìn ha sầu riêng, diện tích đã tăng nhanh trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm tăng gần 25%. Tổng sản lượng sầu riêng thu hoạch hiện nay khoảng 900 nghìn tấn/năm. Trong đó, sầu riêng tập trung ở một số vùng chính như: Tây Nguyên hơn 52 nghìn ha (khoảng 47%), Vùng Đồng bằng sông Cửu Long 33 nghìn ha (khoảng 30%), Vùng Đông Nam bộ 21 nghìn ha (khoảng 19%) và một số địa phương khác. Giá trị xuất khẩu sầu riêng Việt Nam liên tục tăng từ 29,2 triệu USD năm 2016 lên 420 triệu năm 2022 và 8 tháng năm 2023 đạt gần 1,2 tỷ USD (tăng gấp 3 lần so với cả năm 2022).
Riêng tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 23 nghìn ha, trong đó có khoảng 50% diện tích đã cho thu hoạch với sản lượng năm 2023 ước tính trên 200 nghìn tấn. Việc liên kết, thu mua sầu riêng tại địa phương này được thực hiện theo 3 hình thức. Thứ nhất, doanh nghiệp đặt cọc với người trồng cách thời điểm thu hoạch 1 - 2 tháng bằng hợp đồng mua bán; số tiền đặt cọc bằng khoảng 30% giá trị theo sản lượng bán xô ước tại vườn. Thứ hai, một số hộ tự chốt giá với doanh nghiệp tại thời điểm sầu riêng bắt đầu ra hoa. Thứ ba, một số đối tượng thương lái, “cò” vào tận vườn người dân để chốt giá ở mức 80.000 - 90.000 đồng/kg. Chính điều này đã gây ra nhiều thông tin nhiễu loạn thị trường.
Giá sầu riêng đã tăng cao từ sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Dự kiến, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả nước sẽ đạt trên 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Mặc dù đạt được kết quả nổi bật tuy nhiên liên kết tiêu thụ và xuất khẩu sầu riêng tại nước ta còn thiếu chặt chẽ.
Bên cạnh những kết quả trong xuất khẩu, ngành hàng này đang đối diện với thực trạng: Khi giá cả lên, một bộ phận người nông dân sẽ tăng sản lượng bằng mọi cách, lạm dụng các chất kích thích tăng trưởng, tự phát mở rộng vùng trồng. Thực tế đã cho thấy, do sự tăng nóng về giá đã gây ra hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết đang diễn ra ở các vùng trồng sầu riêng trong cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, dẫn đến vi phạm các quy định của Nhà nước về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn
Theo các doanh nghiệp , ngành hàng sầu riêng chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các hợp tác xã (HTX), nông dân và doanh nghiệp. Các liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ sẵn sàng bị "bẻ gãy" khi giá lên cao, gây mất ổn định ngành hàng và chất lượng sản phẩm tiêu thụ, xuất khẩu. Trong khi đó, các HTX chưa thực sự phát huy được vai trò, giá trị của mình tại vùng liên kết.
Ngoài ra, hiện nay việc thu mua là do thương lái nhỏ của công ty hay doanh nghiệp xuất khẩu đến tại vườn thương lượng giá bán và thu mua sản phẩm mang về bán lại cho doanh nghiệp hoặc công ty chịu trách nhiệm đóng gói và xuất khẩu. Vào thời điểm giá sầu riêng ở mức cao, một số thương lái muốn thu mua được nhiều sản phẩm mà không quan tâm đến chất lượng, sẵn sàng thu mua luôn những quả còn non chưa đạt độ chín thu hoạch.
Mặc khác, một bộ phận không nhỏ nhà vườn mong bán được giá cao và muốn cây có nhiều thời gian để phục hồi cho mùa vụ xử lý tiếp theo, nên đã đồng ý bán khi quả sầu riêng còn non. Nhà vườn và thương lái không quan tâm kiểm soát dịch hại, đặc biệt các đối tượng kiểm dịch thực vật như rệp sáp, hay không quan tâm đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản phẩm. Chính những lý do trên đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sầu riêng trong thời gian qua và sắp tới, những hệ lụy của vấn đề này rất lớn mà người bị ảnh hưởng trực tiếp chính là nông dân.
Theo đánh giá của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn: Dù chậm hay nhanh thì nền nông nghiệp hiện đại không thể là nền nông nghiệp tự cạnh tranh lẫn nhau mà phải được tổ chức theo chuỗi giá trị.Trong chuỗi giá trị, yếu tố giá rất khó quản trị, do đó, HTX doanh nghiệp, chính quyền địa phương nên hỗ trợ phúc lợi cho nông dân (hỗ trợ nông dân giảm giá thành sản xuất, thông tin thị trường, tiếp cận nguồn tín dụng…) sẽ tốt hơn so với việc ký hợp đồng đơn thuần.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang tích cực nghiên cứu để hoàn thiện Nghị định 98 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, đang thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Ngoài ra, Bộ cũng đang xây dựng kế hoạch về hệ thống logistics trong nông sản. Đây sẽ là hành lang pháp lý để các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất hoạt động hiệu quả. Các doanh nghiệp cần thay đổi phương thức quản trị từ sản xuất tới thu mua, không cắt đoạn giữa chừng để liên kết. Bên cạnh đó, tất cả các chủ thể cần đẩy mạnh công tác truyền thông, minh bạch thông tin, kiểm soát chặt chất lượng sầu riêng.
Trong năm 2023, Việt Nam đã xuất đi 10 thị trường đối với sầu riêng đông lạnh.
Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, sầu riêng Việt Nam không phải chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc, mà hiện nay sầu riêng tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đi 24 thị trường, gồm cả Trung Quốc. 8 tháng của năm 2023, lượng sầu riêng tươi xuất khẩu đạt hơn 300.000 tấn. Còn với sầu riêng đông lạnh cũng có tới 23 thị trường xuất khẩu. Trong năm 2023, Việt Nam đã xuất đi 10 thị trường đối với sầu riêng đông lạnh. Điều này chứng tỏ thị trường sầu riêng của Việt Nam tương đối đa dạng.
Ngoài Trung Quốc là thị trường chủ đạo khi chiếm đến 90% tổng lượng sầu riêng tươi xuất khẩu thì những thị trường khác vẫn còn dư địa để có thể tập trung phát triển. Với thị trường Trung Quốc, đây là thị trường lớn nhất và gần như cũng có quy định cụ thể và chặt chẽ nhất đối với sầu riêng. Nghị định thư về các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu sầu riêng tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký vào tháng 7/2022 và đến tháng 9/2022 đã xuất khẩu lô đầu tiên tại Đắk Lắk. Cho đến nay đã có 1 năm để triển khai.
Đến nay, cả nước có 422 mã số vùng trồng sầu riêng và 153 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu để xuất khẩu. Thời gian tới, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ tập trung các giải pháp nhằm minh bạch thông tin, cơ sở dữ liệu; hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật; hoàn thiện bộ tài liệu ngành hàng để có những tiêu chuẩn từ giống, phân bón, trồng trọt, nhận diện thương hiệu... đến kỹ thuật sản xuất cho bà con thuận tiện sử dụng.
Tại diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, giá sầu riêng đang ở mức cao, là cơ hội và cũng là thách thức lớn đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trồng sầu riêng, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương bên cạnh sự háo hức khi có cơ hội xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, cần lường trước những khó khăn, thách thức trong tương lai.
Trước đây, đã có nhiều ngành hàng nông sản có tiềm năng, được giá nên ban đầu rất háo hức phát triển, nhưng sau đó lại rơi vào bi kịch rớt giá. Chính vì vậy, khâu tổ chức sản xuất tiêu thụ cần phải gắn kết chặt chẽ. Chính quyền, doanh nghiệp và nông dân chịu trách nhiệm với hình ảnh nền nông nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp phải thẩm thấu được bên cạnh lợi nhuận trong mỗi ký hàng thì phải còn trách nhiệm với quốc gia. Các đơn vị phải mở rộng từ quan hệ mua bán trở thành hợp tác lâu dài, cùng nhau phát triển.
Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác - liên kết - thị trường”. Muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển, cần phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững; trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất (nông dân) và tiêu thụ (doanh nghiệp). Muốn ngành hàng phát triển hiệu quả phải bắt đầu từ sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp đến với người dân, đến tận vùng trồng ngay từ khi xuống giống để hướng dẫn, tạo niềm tin. Việt Nam cần kết hợp giữa việc siết chặt quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành ở địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia; chuyển từ quan hệ mua - bán sang quan hệ hợp tác bình thường, không chờ tới mùa vụ.
Bùi Khang
Bình luận