Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ bảy, 18/03/2023 14:03
TMO - Lễ hội Phá Dua Tpeng (hay còn gọi là Lễ hội Phá Bàu) là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thể hiện các loại hình diễn xướng dân gian gắn liền với đời sống tinh thần của người Khmer, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Lễ hội này được cộng đồng người Khmer gọi là Dua Tpeng (nghĩa là xuống bàu, phá bàu). Họ cũng sẽ ấn định ngày cho cả cộng đồng cùng tổ chức lễ hội Dua Tpeng để khai thác thủy sản trong bàu.
Thông thường, họ sẽ tổ chức lễ hội vào cuối mùa nắng (khoảng tháng Ba Âm lịch), trước khi tổ chức Tết Chol Chnăl Thmây của người Khmer. Thời điểm này cũng phù hợp với điều kiện thời tiết (cuối mùa khô), khi nước trong bàu đã cạn và khi các loài thủy sản cũng đủ lớn có thể khai thác để phục vụ cho các hoạt động của lễ hội, cũng như làm thực phẩm cho các hộ gia đình.
Lễ hội Dua Tpeng là một hoạt động văn hóa đã có từ lâu đời và được lưu truyền qua các thế hệ, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Trước đây, Lễ hội Dua Tpeng được cộng đồng người Khmer duy trì ở nhiều nơi, riêng xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh cũng tổ chức lễ hội tại các bàu nước như: bàu K’Poot, bàu Sa Lét, bàu Cá lóc, bàu Sen…. Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức lễ hội chỉ còn được người Khmer duy trì hàng năm ở khu vực xã Lộc Khánh, các bàu nước trong xã bị chuyển đổi chức năng, người dân và chính quyền địa phương thống nhất chỉ giữ lại bàu Sen để cộng đồng thực hiện lễ hội Dua Tpeng. Lễ hội cơ bản vẫn được tổ chức theo truyền thống, không có nhiều thay đổi.
Thông qua lễ hội, người Khmer Lộc Khánh cầu xin thần linh cho đồng bào được bình an, khỏe mạnh, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở.
Khi thủy sản dưới bàu nước được thu hoạch hết cũng là lúc kết thúc lễ hội.
Không gian lễ hội ở hai địa điểm là miếu Ông Tà - nơi thực hiện nghi lễ xin bình an của người dân và bàu nước nơi thực hiện các nghi lễ chính, phần hội của lễ hội bắt tôm cá. Để thực hành nghi lễ cúng thần linh trong lễ hội, có 4 người am hiểu các phong tục, tập quán và có uy tín trong cộng đồng được lựa chọn, gồm: Già làng làm chủ lễ, một đại diện cho người lớn tuổi nhất trong sóc, một người sắp xếp lễ vật và một người phụ giúp.
Các lễ vật sẽ được chuẩn bị thành hai phần, một phần cúng tại miếu Ông Tà và một phần dùng để cúng thần linh tại bàu nước - nơi diễn ra lễ hội Dua Tpeng. Đặc biệt, lễ vật cúng thần linh có chiếc đầu của một con lợn do Già làng đã chọn từ trước, được một trong các gia đình của người Khmer trong cộng đồng nuôi bằng hình thức chăn thả, ăn các thức ăn từ tự nhiên. Để tham gia lễ hội, các gia đình cũng chuẩn bị các vật dụng cần thiết như: nơm, gùi, dụng cụ xúc cá, giỏ đựng,..; chuẩn bị một số đồ ăn: cơm ống, nước uống, trầu cau, canh thụt, cá nướng…
Sáng sớm ngày hội, những người lớn tuổi trong các sóc tập trung tại nhà Già làng chuẩn bị các lễ vật và làm cây bông bằng lá trầu để đi cúng thần linh. Sau đó, già làng cùng một số người phụ giúp mang phần lễ vật đến miếu Ông Tà cúng để xin phép được tiến hành lễ hội Dua Tpeng. Khi các nghi lễ cúng tại miếu Ông Tà kết thúc, các thành viên di chuyển về bàu nước để tiến hành các nghi lễ của lễ hội Dua Tpeng.
Tại bàu nước, lễ vật được đặt tại hướng Tây của bàu nước, già làng nhìn về hướng Đông để cúng. Già làng thông báo lý do của buổi lễ và thực hiện nghi lễ cúng xin thần linh cho phép bà con xuống bàu bắt cá.
Trong quá trình bắt cá, ai bắt được con cá to trước thì được xem là có phúc, họ sẽ dâng cho Già làng để thể hiện sự tôn kính và cảm ơn công lao những người lớn tuổi. Ngoài ra, các gia đình khi bắt được cá, đưa lên bờ cho thành viên trong gia đình chế biến để thưởng thức và làm thực phẩm giao lưu hoặc cất cẩn thận để đem về nhà dùng trong thời gian tới. Ở trên bờ, người dân tổ chức nướng cá cũng như chế biến các món ăn truyền thống, giao lưu với các điệu múa, bài hát truyền thống như hát Lâm vông, múa Lâm thôn… Khi thủy sản dưới bàu nước được thu hoạch hết cũng là lúc kết thúc lễ hội.
Với những giá trị tiêu biểu, Lễ hội Dua Tpeng (Phá Bàu) của người Khmer xã Lộc Khánh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Duy Anh
Bình luận