Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ năm, 30/05/2024 14:05
TMO - Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các ngành cùng với các địa phương chủ động rà soát, đánh giá hiện trạng hạ tầng phòng chống thiên tai trên địa bàn để từ đó có phương án xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Lào Cai, phân tích chuỗi số liệu quan trắc về tình hình thiên tai 10 năm trở lại đây, kết hợp với nhận định diễn biến thời tiết năm 2024, Lào Cai có thể xảy ra 9 loại hình thiên tai trong năm gồm: Bão và áp thấp nhiệt đới; mưa lớn; lũ, ngập lụt; lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; nắng nóng; hạn hán; sương mù; lốc, sét, mưa đá; rét hại, sương muối. Trong năm 2024, cấp độ rủi ro thiên tai có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh Lào Cai cao nhất là cấp 3 đối với các loại hình thiên tai: Bão và áp thấp nhiệt đới; lũ, ngập lụt; lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; rét hại, sương muối…
Không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng tỉnh Lào Cai lại chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão gây mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; ngập úng ở vùng thấp trũng thấp. Số đợt áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến toàn tỉnh Lào Cai trung bình từ 5 - 7 đợt /năm; trong đó các khu vực vùng thấp như thành phố Lào Cai; các huyện: Bảo Yên, Bảo Thắng và một phần huyện Bát Xát, Văn Bàn thường chịu ảnh hưởng, thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra nhiều hơn so với các huyện, thị xã khác.
Loại hình thiên tai lũ, ngập lụt có phạm vi ảnh hưởng trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó tập trung nhiều nhất ở các huyện, thị xã: Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Văn Bàn, Bát Xát, Mường Khương, Bảo Yên. Số đợt xuất hiện trên địa bàn tỉnh trung bình từ 8 - 9 đợt/sông, suối/năm; lượng mưa trên 100 mm/đợt hoặc mưa cục bộ tạo dòng chảy lớn…Rủi ro thiên tai được phân thành 5 cấp, tăng dần về cấp độ rủi ro bao gồm: Cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3, cấp độ 4 và cấp độ 5 (Cấp độ 5: Tình trạng khẩn cấp về thiên tai). Tỉnh Lào Cai thường chịu ảnh hưởng của thiên tai cao nhất đến cấp độ 3.
Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 314 điểm sạt lở đất trên 50 m3 (93 điểm đã có biển cảnh báo, 222 điểm chưa có biển cảnh báo); 53 điểm có nguy cơ sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên 50 m3 (01 điểm đã có biển cảnh báo, 53 điểm chưa có biển cảnh báo)…Trước những dự báo về tình hình thiên tai trong thời gian tới, địa phương này khẩn trương hoàn thiện hạ tầng phòng chống thiên tai.
Mưa lũ là loại hình thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh trong những năm qua.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, toàn tỉnh hiện có 1.143 hệ thống công trình thuỷ lợi (tăng 723 công trình so với năm 1991; tăng 26 công trình so với năm 2010), có 107 đập, hồ chứa nước thủy lợi (có 02 đập, hồ chứa nước lớn; 09 đập, hồ chứa nước vừa; 66 đập, hồ chứa nước nhỏ và 30 đập, hồ chứa nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018); 1.034 hệ thống đập dâng kênh dẫn tự chảy, 01 hệ thống trạm bơm điện nhỏ phục vụ tưới cho 7ha lúa hai vụ và gần 1.000 tuyến kênh mương nhỏ lẻ nội đồng khác. Hệ thống kênh mương có 4.581,92 km các loại, trong đó có 3.354,43 km đã được kiên cố hóa đạt 73,21%, tăng 1.224,43 km kênh kiên cố so với năm 2010; đầu mối thủy lợi là 2.554 cái (kiên cố 1.800 cái, đạt 65%, tạm 754 đầu mối).
Công trình kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai trong những năm gần đây đã được tỉnh quan tâm đầu tư. Cụ thể, hệ thống kè chống sạt lở bờ sông, suối được kiên cố tại các điểm xung yếu với tổng số 76,226 km, trong đó có 34,246 km kè biên giới, 41,98km kè nội địa; 47 trạm đo mưa (trong đó có 34 trạm đo tự động Vinarain); 02 hệ thống cảnh báo sớm thiên tai; 01 hệ thống cảnh báo sớm lũ bùn đá kết hợp (năm 1991 hầu như chưa có công trình kè);
Hệ thống cơ sở hạ tầng đường giao thông, điện lưới, thông tin liên lạc, loa phát thanh đã cơ bản phủ kín, kết nối các trung tâm thôn xã với nhau; công trình trạm y tế xã đã đạt tỷ lệ 01 trạm/1 xã đảm bảo sơ ứng cứu bước ban đầu khi xảy ra thiên tai. Phát triển kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo đủ khả năng chống lũ trên các lưu vực sông của tỉnh với tần suất xuất hiện lũ 5% đến 10% (riêng đối với lưu vực sông Hồng, sông Chảy đảm bảo với tần suất xuất hiện lũ từ 2% đến 5%); đảm bảo an toàn đập, hồ chứa trước các tác động bất lợi do thiên tai gây ra; chủ động khắc phục, giảm thiểu tối đa thiệt hại về sản xuất khi mưa lũ, hạn hán xảy ra.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai, Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030, đảm bảo 100% các khu vực trọng điểm, xung yếu có mạng lưới theo dõi, kiểm soát rủi ro thiên tai; 100% các khu vực ngầm tràn thường xuyên bị ngập sâu được lắp đặt các thiết bị cảnh báo sớm; 100% số hộ dân nằm ở vị trí có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai và sự cố môi trường do thiên tai được di chuyển đến nơi an toàn; 100% cá nhân, hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai, sự cố môi trường do thiên tai được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định...
Hệ thống kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai và thủy lợi cơ bản ổn định, thích ứng với thiên tai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về thủy lợi và phòng, chống thiên tai cơ bản hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, khả thi; Nhà nước chủ động được nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai và thủy lợi.
Đối với hệ thống đo đạc khí tượng thủy văn, cảnh báo, dự báo, tỉnh Lào Cai có 10 trạm Trạm khí tượng thủy văn và 12 điểm đo mưa được lắp đặt trên địa bàn các huyện, thành phố. Thời gian tới, tiếp tục đầu tư xây dựng lắp đặt thêm các trạm quan trắc khí tượng thủy văn tự động để đáp ứng thông tin dự báo về diễn biến thời tiết, tình hình bão, áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ và các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm khác xảy ra ảnh hưởng tới địa phương, tới các cấp, các ngành và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ người dân phòng, tránh thiên tai.
Công tác diễn tập, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư, trang thiết bị... ứng phó với thiên tai được địa phương này đẩy mạnh triển khai. Ảnh: QK.
Hệ thống đường giao thông: Nâng cấp, xây dựng mới hệ thống giao thông theo quy hoạch. Xây dựng các phương án giao thông đi lại trong điều kiện thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất. Hệ thống đường giao thông hiện có và xây dựng mới sẽ đáp ứng được giao thông đi lại thông suốt, phục vụ đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có thiên tai xảy ra.
Hệ thống cung cấp nước sạch hiện có của tỉnh: Chuẩn bị vật tư kỹ thuật dự trữ phục vụ công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra: phương tiện đi lại, vận chuyển, dọn dẹp, vệ sinh môi trường, các loại hóa chất được lưu giữ tại các địa điểm an toàn, phù hợp với rủi ro thiên tai ở từng khu vực. Hệ thống điện lưới: Ngành điện tổ chức dự trữ vật tư kỹ thuật, nguồn tài chính sẵn sàng khắc phục, sửa chữa hạ tầng kỹ thuật điện, dây điện gặp sự cố, không đảm bảo an toàn do thiên tai. Từng bước ngầm hóa hệ thống đường dây điện, ưu tiên thực hiện ở khu vực đông dân cư.
Hệ thống cơ sở y tế: Xây dựng hệ thống y tế tỉnh Lào Cai từng bước hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn; chuẩn bị trang thiết bị y tế dự phòng tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các Trung tâm y tế huyện, thành phố đảm bảo đủ năng lực phát hiện, xác định nguyên nhân dịch bệnh tại cộng đồng khi thiên tai xảy ra, sẵn sàng cung ứng đủ thuốc có chất lượng để chữa bệnh và cứu nạn cho nhân dân khi xảy ra thiên tai. Luôn luôn duy trì từ 18-20 cơ số thuốc chữa bệnh và 2-3 tấn thuốc hóa chất khử trùng/năm để phòng, chống thiên tai.
Chuẩn bị các địa điểm tránh trú tạm thời cho dân cư trong tình huống khẩn cấp do thiên tai (bão, lũ lụt …) gây ra: Kiên cố hóa các trường học, bệnh viện, trạm y tế xã, nhà văn hóa nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Xác định nhóm các công trình công có thể được huy động là nơi tránh trú tạm thời cho người dân khi có thiên tai xảy ra, gồm: công trình nhà văn hóa, các trườ g học, bệnh viện, trạm y tế xã, phường và các công trình có thể tạm trú khác.
Hệ thống thông tin liên lạc: Thường xuyên duy tu, sửa chữa đường dây viễn thông không đảm bảo an toàn và từng bước ngầm hóa hệ thống đường dây viễn thông, nhất là ở khu vực đông dân cư. Xây dựng, nâng cấp phòng chống rủi ro thiên tai cho hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ các cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động thông suốt khi thiên tai xảy ra.
Phương tiện, vật tư, trang thiết bị và lương thực thực phẩm, nhiên liệu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai cần tiếp tục được trang bị để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Đối với, lương thực, thực phẩm, nhiên liệu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh hàng năm lập kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu như: gạo, muối ăn, nước uống, mỳ tôm, xăng, dầu, khí đốt..., đảm bảo khối lượng có thể huy động trong trường hợp ứng phó với thiên tai, trong đó khối lượng lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của mỗi năm như sau: Hàng năm, rà soát, đánh giá chất lượng, số lượng trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hiện có, đề xuất nhu cầu trang cấp mới nhằm đảm bảo đáp ứng công tác ứng phó với sự cố, thiên tai xảy ra.
Tập trung đầu tư xây dựng mới, tu bổ, nâng cấp, sửa chữa các công trình hạ tầng phòng chống thiên tai, nâng cao sức chống chịu trước thiên tai; lồng ghép và sử dụng đồng bộ các nguồn vốn để sửa chữa, khắc phục kịp thời các công trình hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai, nhất là hệ thống kè bờ sông, suối, hồ chứa nước thủy lợi; kiểm soát an toàn hồ đập thủy điện; nâng cao khả năng tiêu thoát nước, hạn chế việc san lấp sông, suối; triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án chống ngập úng, nhất là ngập úng các khu đô thị; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với phòng ngừa thiên tai và bảo vệ môi trường.
Xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các hồ chứa: hàng năm, 63 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đều được các đơn vị quản lý khai thác và địa phương xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và được các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt theo thẩm quyền. Bảo đảm an toàn cho các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa nước lớn, các hồ chứa có khu dân cư đông đúc hoặc cơ sở chính trị, kinh tế, văn hóa, công trình quốc phòng, an ninh quan trọng, yêu cầu các chủ đập cam kết, xây dựng theo đúng hướng dẫn, được phê duyệt và đang triển khai thực hiện.../
Vũ Lan
Bình luận