Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 09/05/2025 18:05
Thứ năm, 17/04/2025 13:04
TMO - Các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh triển khai công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Tuy nhiên, việc thu gom và xử lý loại rác thải nguy hại này vẫn còn nhiều hạn chế.
Lâm Đồng là địa phương có diện tích canh tác nông nghiệp lớn với tổng diện tích gieo trồng năm 2024 đạt gần 412.000 ha, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Đặc biệt, diện tích nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chí mới đạt 69.600 ha năm 2024, chiếm 21,2% diện tích canh tác, tăng 2.764 ha so với năm 2023. Với diện tích trên, lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sử dụng trung bình hằng năm tại Lâm Đồng lên khoảng 4.200 - 4.600 tấn. Theo ước tính, tỷ lệ bao bì trên khối lượng thuốc BVTV đối với chai nhựa khoảng 10%, gói và các loại khác khoảng 5%.
Nhằm hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, hộ nông dân trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp sau khi sử dụng thuốc BVTV phải thu gom đúng quy định thông qua các hình thức như: đài truyền thanh của xã, thị trấn; lồng ghép trong các buổi họp thôn, tổ dân phố, chương trình tập huấn xây dựng nông thôn mới...
Từ năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 3.117 bể chứa, tăng 279 bể so với năm 2023, cùng với 22 khu vực lưu chứa. Số lượng bao bì thuốc BVTV thu gom được đã đạt 103,570 tấn, tăng 21,694 tấn so với năm trước, và 101,756 tấn đã được xử lý, tăng 25,064 tấn so với năm 2023. Số bao bì thuốc BVTV tồn đọng còn lại là 1,814 tấn, giảm 3,370 tấn so với năm 2023.
Lượng thuốc BVTV sử dụng trung bình hằng năm tại Lâm Đồng lên khoảng 4.200 - 4.600 tấn.
Đáng chú ý, trong năm 2024, huyện Di Linh đã lắp đặt thêm 150 bể chứa, thu gom và xử lý được 2,240 tấn bao gói thuốc BVTV, tăng 2,014 tấn so với năm 2023. Tại TP.Đà Lạt, trong năm 2024 chương trình “Đổi bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng” do Hội Nông dân thành phố tổ chức đã thu gom được hơn 52 tấn rác thải nguy hại. Tính từ khi chương trình bắt đầu vào tháng 9/2022, tổng khối lượng rác thải thu gom lên đến 98,3 tấn. Nông dân đã dần hình thành thói quen thu gom, phân loại và xử lý rác thải, đặc biệt là bao bì thuốc BVTV, thay vì vứt bừa bãi như trước. Nhiều người còn chủ động thu lượm vỏ bao bì rơi vãi ở các con suối, mương, lòng hồ để đem đổi quà.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức của người dân về tác hại của bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và việc tổ chức thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng vẫn còn hạn chế. Tại một số địa phương vẫn còn tình trạng rác thải sinh hoạt thu gom trong bể chứa bao gói thuốc BVTV.
Công tác quản lý, thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV tại một số địa phương như Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đức Trọng… chưa được quan tâm đúng mức. Một số địa phương đã lắp đặt hệ thống bể chứa nhưng chưa duy trì thường xuyên việc thu gom bao gói thuốc BVTV nên tỷ lệ bao gói được thu gom, xử lý đúng quy định còn thấp; tập trung tại các huyện: Đức Trọng, Bảo Lâm và TP.Bảo Lộc. Một bộ phận người dân chưa có thói quen bỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng vào thùng chứa, bỏ không đúng nơi quy định, còn vứt ra ngoài đồng, sông, suối hoặc đốt trực tiếp tại đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cảnh quan.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại theo quy định. Trong khi đó, kinh phí tiêu hủy bao gói thuốc BVTV ở mức cao, từ 25.000 - 30.000 đồng/kg bao gói thuốc BVTV, do phải vận chuyển ra ngoài tỉnh để xử lý...
TP.Đà Lạt triển khai hiệu quả chương trình “Đổi bao bì thuốc BVTV sau sử dụng".
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, đồng thời nâng cao hiệu quả việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh, hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, thân thiện với môi trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan, các địa phương trong tỉnh đề nghị tiếp tục tăng cường thực hiện có hiệu quả việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng trong tỉnh, đặc biệt là tại 3 địa phương gồm: Huyện Bảo Lâm, Đức Trọng và TP Bảo Lộc.
Ngành chức năng tỉnh cho biết sẽ tiếp tục xây dựng lộ trình việc thu gom, xử lý bao bì hóa chất BVTV, xác định vị trí lắp đặt bể chứa; đầu tư xây dựng kho chứa chất thải nguy hại để lưu trữ tạm thời chất thải nguy hại khi các bể chứa đầy nhằm nâng cao hiệu quả việc thu gom bao bì hóa chất BVTV đã qua sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Sở cũng lưu ý không được để lượng rác thải bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng đã thu gom trên quá tải trong các bể chứa và các khu vực lưu trữ và cần tập trung ưu tiên thu gom, xử lý tại các khu vực đầu nguồn nước, lưu vực các hồ chứa nước sau đó triển khai diện rộng.
Đồng thời đề nghị các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh việc vận động các hộ gia đình, cá nhân tích cực thu gom rác thải là bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng bỏ vào các bể chứa theo quy định, không vứt bừa bãi ra đất sản xuất, ao, hồ, sông, suối…; ký các hợp đồng với các đơn vị chức năng để vận chuyển về nhà máy xử lý chất thải nguy hại đồng thời tiếp tục hoàn thiện mạng lưới thu gom, xử lý bao gói hóa chất BVTV sau sử dụng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cũng đề nghị các đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên các cấp phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên và người dân tham gia cũng như tổ chức ra quân thu gom bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng định kỳ.../.
Nguyễn Nam
Bình luận