Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 11:11
Thứ tư, 20/04/2022 21:04
TMO - Khó Chua La là hang động tự nhiên được hình thành từ những kiến tạo địa chất trong hàng triệu năm đã được phát hiện trên địa bàn huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.
Hang động Khó Chua La thuộc địa phận bản Pằng Dề A1, xã Xá Nhè, cách trung tâm thị trấn Tủa Chùa khoảng 15 km. Theo nghiên cứu, hang động Khó Chua La được hình thành cách ngày nay hàng triệu năm, được người dân địa phương phát hiện năm 2008.
Lối vào hang động Khó Chua La
Hang động mang vẻ đẹp nguyên sơ, nhiều khối nhũ đá lộng lẫy và hình thù kỳ lạ đã tạo thành một vẻ đẹp thiên nhiên hiếm có so với các hang động tại tỉnh Điện Biên.
Khó Chua La được gọi tên theo tiếng của người dân địa phương, dân tộc Mông (Khó có nghĩa là hang động, Chua có nghĩa là núi đá hoặc mỏm đá, La có nghĩa là khỉ, dịch sang tiếng phổ thông “Khó Chua La” có nghĩa là hang động khỉ). Hang nằm ở vị trí cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, có chiều sâu trên 800m, chia làm 3 khoang.
Những khối nhũ đá từ trên trần rủ xuống tạo nên vẻ độc đáo
Do địa hình núi đá vôi chia cắt cùng với quá trình karst hoà tan và ngưng đọng carbonat hình thành nên khá nhiều nhũ đá màu vàng, xám, xanh rêu hay các cột đá, măng đá, chuông đá. Cửa hang động ăn sâu xuống đất và hướng về phía Đông - Nam, để vào được bên trong hang động, du khách phải bám vào vách đá rồi tụt xuống một khe nhỏ rộng 2,5m, cao 3m.
Trong hang động nơi rộng nhất khoảng 15-18m, vòm cao trung bình từ 18-25m
Khoang thứ nhất có chiều dài trên 200m, nơi rộng nhất gần 15m, vòm cao 12 đến 25m, nền hang động thấp hơn cửa hang động khoảng 3m, dốc thoai thoải và bằng phẳng dần về phía trong. Hai bên vách hang động là các dải nhũ đá buông xuống màu vàng, ánh bạc, xanh xám đan xen nhau trông giống như bức màn gió, cụm lúa, đèn chùm to nhỏ khác nhau hay hình thù các loài vật tạo ra một cảnh đẹp huyền ảo, kỳ bí. Trần hang động là những nhũ đá hình các con vật như: Voi, hươu, rồng, phượng, rùa, các loại chim… đang ẩn mình trong thảm thực vật được tạo ra bởi những nhũ đá.
Khoang thứ hai nằm ở vị trí cao hơn khoang thứ nhất, có chiều dài 250m, nơi rộng nhất 15m, vòm cao trung bình 18 đến 25m. Nền hang động chủ yếu là đất đá lồi lõm, hai bên vách hang động có nhiều nhũ đá chen lẫn nhau với hình dạng cây sương rồng, cây đa, cây si cổ thụ có những bộ rễ dài rủ xuống hoặc đâm xuống nền hang động.
Những khối nhũ đá nhiều hình thù tạo ra nhiều tưởng tượng cho du khách
Khoang thứ ba ở vị trí thấp hơn so với 2 khoang trước. Trên trần và hai bên vách hang động chủ yếu là những khối nhũ đá màu vàng, trắng rủ xuống tựa hình thác nước, hình cụm lúa. Nền hang động một số chỗ nhũ đá trải dài, uốn lượn hình ruộng bậc thang và điều kỳ thú là ở cuối khoang thứ 3 có một mó nước trong mát được chảy ra từ vách hang động.
Không gian bao trùm hang động Khó Chua La
Với những tiềm năng và phong cảnh đẹp, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, khám phá địa chất và tham quan du lịch, ngày 9/12/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 4252/QĐ-BVHTTDL xếp hạng danh lam thắng cảnh hang Khó Chua La là di tích cấp quốc gia.
Minh Thư
Bình luận