Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ ba, 16/07/2024 16:07
TMO - Tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ người dân đô thị được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đạt trên 90%...
HĐND tỉnh Kon Tum vừa ban hành Nghị quyết số 36/NQ-HĐND về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, HĐND tỉnh Kon Tum đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ người dân đô thị được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đạt trên 90%; diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt từ 6-8 m2; và tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt từ 11% đến 16%.
Giai đoạn đến năm 2030, HĐND tỉnh Kon Tum đặt chỉ tiêu phấn đấu: Tỷ lệ người dân đô thị sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn khoảng 95%, trong đó, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt trên 16%; diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 8-10 m2; và tỷ lệ xử lý nước thải ra môi trường lưu vực các sông tại các đô thị loại II đạt trên 50%.
Định hướng phát triển đô thị của tỉnh Kon Tum đến năm 2050, bao gồm các chỉ tiêu: Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Kon Tum thuộc nhóm trung bình của cả nước; hệ thống đô thị có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi trường; kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh; cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn.
Theo HĐND tỉnh Kon Tum, mục tiêu phát triển đô thị của tỉnh Kon Tum nhằm đảm bảo sự phát triển của đô thị đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, đảm bảo an sinh xã hội gắn với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng sống người dân đô thị, thông qua việc tập trung nguồn lực hợp lý để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hất thải rắn ở đô thị được thu gom đạt trên 90% (Ảnh: TN).
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cho biết, tính đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh mỗi ngày phát sinh khoảng 300 tấn chất thải rắn sinh hoạt trong đó có 122 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 158 tấn chất thải rắn sinh hoạt nông thôn. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý địa bàn tỉnh khoảng 86,8%. Tuy nhiên hình thức xử lý tại một số bãi chôn lấp chưa đảm bảo yêu cầu về môi trường; tỷ lệ chất thải xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường khoảng 60%.
Dự báo đến năm 2030, lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh sẽ tăng lên gấp 1,25 lần so với năm 2019. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố từng bước triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt; ưu tiên triển khai trước đối với những khu vực có đủ điều kiện về hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Xây dựng phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;
Quy định cụ thể hình thức thu gom và đề xuất UBND tỉnh ban hành mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Tổng hợp, đề xuất bố trí quỹ đất xây dựng mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển, khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp đề xuất bố trí quỹ đất xây dựng mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển, khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trên cơ sở đề nghị của UBND các huyện, thành phố; trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định pháp luật.../.
Đức Nam
Bình luận