Hotline: 0941068156
Thứ năm, 22/05/2025 04:05
Thứ tư, 21/05/2025 06:05
TMO - Với điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng…thời gian qua, nông sản của tỉnh Kon Tum đã có vị thế nhất định trên thị trường. Hiện địa phương đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật và xây dựng chuỗi liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm.
Nhằm tạo sinh kế ổn định với nguồn thu nhập khá cho bà con, các ngành chức năng tỉnh Kon Tum tích cực hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Nhiều nông sản đặc trưng như sâm Ngọc Linh, cà phê xứ lạnh, rau củ quả vùng cao... được chú trọng phát triển theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Kon Tum cũng tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm qua các hội chợ, sàn giao dịch điện tử, giúp sản phẩm vươn xa hơn.
Nhờ đó, giá trị nông sản ngày càng được nâng lên, đời sống người dân từng bước cải thiện. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Kon Tum cho biết, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU (ngày 25/11/2021) của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch, vận động, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất theo hướng hiện đại, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn.
Trong đó, việc xây dựng mã số vùng trồng được xác định là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, giá trị, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, giúp nông sản thuận lợi xuất khẩu theo đường chính ngạch và vào các kênh bán hàng hiện đại trong nước. Đến nay, tỉnh đã cấp 30 mã số vùng trồng, bao gồm 18 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 325,39 ha, 12 mã số tiêu thụ nội địa với diện tích 104,64 ha và 2 mã số cơ sở đóng gói gồm 1 cơ sở đóng gói chuối 969m2 và 1 cơ sở đóng gói chanh leo.
Hiện tại, các cơ quan chuyên môn đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đàm phán với các nước được phép nhập khẩu phê duyệt 20 mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc, thu hái nông sản của nông dân được khuyến khích ghi chép tỉ mỉ, đầy đủ các thông tin như việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thời gian sử dụng, lượng sử dụng cho đến thông tin về thời gian thu hoạch, khối lượng thu hoạch.
Tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 có ít nhất 35 vùng trồng cây ăn quả được cấp mã số, 5-10 cơ sở đóng gói được cấp mã số. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu, mới đây (ngày 8/5), UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1582/UBND-KTN về việc tiếp tục tăng cường công tác thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Sâm Ngọc Linh - 1 trong những nông sản chủ lực của Kon Tum. (Ảnh: LA).
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông sản có nhu cầu xuất khẩu; khuyến cáo người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “nguyên tắc 4 đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng lúc, đúng cách) sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp trên địa bàn; chủ động kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tổ chức liên kết tiêu thụ nông sản đã được cấp mã số vùng trồng. Song song với việc xây dựng mã số vùng trồng, để tăng sức cạnh tranh cho nông sản, tỉnh chú trọng xây dựng thương hiệu và bảo vệ quyền lợi cho sản phẩm đặc trưng.
Đến nay, tỉnh đã đăng ký bảo hộ thành công hai chỉ dẫn địa lý là “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ và “Đăk Hà” cho các sản phẩm cà phê Đăk Hà. Ngoài ra, nhiều sản phẩm nông sản đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận như cà phê xứ lạnh Kon Tum, sâm Ngọc Linh Kon Tum, đẳng sâm Kon Tum, ngũ vị tử Kon Tum, dệt thổ cẩm Kon Tum, gạo thơm Đăk Hà và yến sào Kon Tum... Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm được tăng cường thông qua các hội chợ, chương trình kết nối cung cầu và các sàn thương mại điện tử.
Tỉnh Kon Tum đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao giá trị nông sản địa phương, hướng đến phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại và hiệu quả. Với điều kiện tự nhiên đặc thù, địa phương này sở hữu nhiều lợi thế để phát triển các loại nông sản đặc trưng … Tuy nhiên, để những sản phẩm này vươn xa, khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước, việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và mở rộng chuỗi tiêu thụ là yêu cầu cấp thiết.
Chú trọng nâng cao giá trị nông sản không chỉ góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Với định hướng đúng đắn và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, nông sản Kon Tum đang ngày càng khẳng định chỗ đứng, hướng tới nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.
Hải An
Bình luận