Hotline: 0941068156

Thứ ba, 26/11/2024 19:11

Tin nóng

25 tác phẩm xuất sắc được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Hội nghị Ban Chấp hành 2024: Tiếp tục củng cố và phát triển bền vững tổ chức hội

Hoà Bình: 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Đa cổ thụ ở Phú Xuyên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Từ năm 2025 áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới nhập khẩu

25 giải sẽ được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Việt Nam chia sẻ 3 bài học trong xóa đói giảm nghèo tại G20

Ứng Hoà (Hà Nội): Hai cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị G20

COP29: ‘Tài chính khí hậu là an ninh toàn cầu, không phải đi làm từ thiện’

COP29: Việt Nam ủng hộ quan điểm cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 7,0-7,5%

Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể cao nhất khu vực ASEAN +3

Bão giật cấp 17 có thể suy yếu khi gần bờ

Theo dõi chặt chẽ, triển khai các biện pháp ứng phó bão Yinxing

Tiểu vùng Mekong mở rộng: Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột

Bão giật cấp 17 sắp vào Biển Đông

Trong 10 tháng, thiên tai gây thiệt hại trên 78 nghìn tỷ đồng

Việt Nam – UAE: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, văn hóa xã hội

Quảng Nam: Bão số 6 áp sát gây mưa lớn, gió giật cấp 10

Thứ ba, 26/11/2024

Kinh tế tuần hoàn: Mô hình kinh tế mới trong bảo vệ thiên nhiên và môi trường (Kỳ 2 – hết)

Thứ năm, 25/11/2021 11:11

TMO - Trong những năm gần đây kinh tế tuần hoàn (KTTH) được quan tâm phát triển. Sự quan tâm này ở cả tầm quốc tế, cả ở mỗi quốc gia và xuất phát từ 2 lý do: một là, đây là mô hình kinh tế mới với nội hàm có những khác biệt so với các mô hình kinh tế đang áp dụng phổ biến trước đó; và hai là, mô hình kinh tế này đem lại lời giải tốt hơn cho phát triển bền vững (PTBV), nhất là vấn đề tài nguyên thiên nhiên và môi trường đang nóng và cấp bách hiện nay.

Kinh tế tuần hoàn: Mô hình kinh tế mới trong bảo vệ thiên nhiên và môi trường (Kỳ 1)

Kỳ 2: Kinh tế tuần hoàn với bảo vệ thiên nhiên và môi trường

Nhiều nhà kinh tế học đã từ lâu và liên tục nêu ý tưởng và đặt nền tảng cả về nhận thức cũng như cơ sở lý luận cho tuần hoàn tài nguyên tự nhiên trong sử dụng, bắt nguồn từ mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa kinh tế và môi trường. Trong đó họ phê phán nhận thức và các lý thuyết kinh tế học hiện đại đã không chú ý tới môi trường, thậm chí coi thường, làm tổn hại tới môi trường như là nguồn cung cấp tài nguyên và nơi tiếp nhận chất thải từ các hoạt động kinh tế. Các lý thuyết kinh tế thị trường hiện đại được cáo buộc là quá coi trọng mục tiêu doanh thu, lợi nhuận mà lãng quên, bỏ qua mục tiêu gìn giữ, bảo vệ nguồn cung cấp tài nguyên và tiếp nhận chất thải cho tăng trưởng, phát triển kinh tế dài lâu. Sự cáo buộc này gói gọn ở phê phán mô hình kinh tế được gọi là tuyến tính (linear economic model) mà ở đó tài nguyên là đầu vào đi từ môi trường phục vụ cho kinh tế (sản xuất, tiêu dùng) rồi quay trở lại môi trường là chất thải (Hình 1). Mô hình kinh tế tuyến tính, như tên gọi của nó, có đặc trưng là mọi hoạt động kinh tế đều đi theo đường thẳng, từ “chiếc nôi” (khai thác tài nguyên tự nhiên) đi tới “nấm mồ” (thải bỏ trở lại tự nhiên). Mô hình kinh tế này vừa tăng ráo riết đầu vào (tài nguyên thiên nhiên) vừa thải ra ngày càng nhiều chất thải, tạo gánh nặng và gây tổn hại ngày càng lớn cho môi trường.

Mô hình kinh tế tuyến tính

Sự cảnh báo mạnh mẽ khác cũng đến từ các nhà môi trường và các phong trào xã hội bảo vệ môi trường về sự suy giảm, cạn kiệt tài nguyên, sự suy thoái, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng và đòi hỏi, yêu cầu hành động thay đổi nhận thức và mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế sao cho đạt được cả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và cả mục tiêu gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Biến đổi khí hậu càng làm cho tính cấp bách của hành động trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Có thể nói chính những cảnh báo liên tục của các nhà môi trường các phong trào xã hội bảo vệ môi trường đã là những “cú thúc” mạnh mẽ buộc các hoạt động kinh tế và quản lý phát triển phải thay đổi nhận thức và hành động, dẫn tới sự đồng thuận, cam kết phát triển với trách nhiệm bảo toàn, bảo vệ nền tảng tự nhiên và cơ hội phát triển cho các thế hệ sau. Khái niệm PTBV ra đời với nội hàm cơ bản là hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường trở thành quan điểm, định hướng phát triển được đồng thuận của tất cả các quốc gia.

Nhiều mô hình về PTBV được đề xuất và áp dụng trong thực tế, như mô hình kinh tế xanh, mô hình kinh tế sinh thái và gần đây là mô hình kinh tế tuần hoàn. Điểm chung nhất trong các mô hình ấy là tăng trưởng, phát triển kinh tế thân thiện với môi trường trong khi đem lại các lợi ích kinh tế - xã hội lớn hơn. Mô hình KTTH rất đa dạng, bao quát từ các sản phẩm được sử dụng không đầy đủ đem chia sẻ với các cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu (thí dụ như grab taxi hay phòng khách sạn); kéo dài tuổi thọ, tái sử dụng sản phẩm cho tới tái chế các thứ thải bỏ (chất thải) làm nguyên vật liệu cho sản xuất của chính mình hay sản xuất khác. Thậm chí hiện nay nhiều doanh nghiệp còn phát triển mô hình KTTH xa hơn trên nền tảng một triết lý kinh doanh mới là coi “sản phẩm là dịch vụ” (“product as a service”). Điểm khác biệt của mô hình kinh doanh mới này là bên cạnh mô hình kinh doanh truyền thống “mua và sở hữu” (“buy and own”) áp dụng cả mô hình “mua và không sở hữu”, mà ở đó sản phẩm được sử dụng bởi một hay nhiều người thông qua hình thức cho thuê hay trả tiền khi sử dụng (a lease or pay-for-use arrangement). Thí dụ, Tập đoàn quốc tế Michelin (Pháp) chuyên sản xuất lốp xe hơi đang áp dụng mô hình kinh doanh “lốp xe là dịch vụ” (“tires as a service”), theo đó khách hàng trả tiền lốp xe theo km sử dụng thay vì trả tiền mua để sở hữu lốp xe. Nhờ vậy, khách hàng không phải lo lắng vì những rắc rối hay hư hỏng hoặc bảo dưỡng lốp xe. Khi nhận lại lốp xe từ khách hàng Tập đoàn sẽ bảo dưỡng, phục hồi thông qua các giải pháp kỹ thuật thích hợp cho các sử dụng tiếp theo. Các mô hình KTTH, như đã đề cập ở trên, là cách thức kéo 

dài giá trị sử dụng của sản phẩm trước khi thải bỏ ra môi trường. Do vậy, sự tuần hoàn thể hiện một cách nối tiếp liên tục trong tất cả các khâu trong vòng đời của sản phẩm (Hình 2). Ở Hình 2, khâu “Sử dụng và chia sẻ” có mũi tên xoay vòng thể hiện bên cạnh sự kết nối với các khâu trước và sau, còn thể hiện sự tuần hoàn nội bộ, bao hàm cả sự chia sẻ trong sử dụng sản phẩm nhằm mục đích kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm - yếu tố chính yếu nhất, quyết định nhất đối với thời gian tồn tại hữu dụng của sản phẩm. Thực ra các khâu khác ở Hình 2 cũng đều có thể có mũi tên như vậy.

Mô hình kinh tế tuần hoàn

Mô hình KTTH đã có từ lâu trong đời sống kinh tế - xã hội của con người, như sửa chữa để tái sử dụng công cụ sản xuất hay tận dụng một số loại chất thải hữu cơ trong nông nghiệp. Mô hình vườn - ao - chuồng trong nông nghiệp và nông thôn Việt Nam với sự kết nối liên tục giữa các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi ở vườn, ao, chuồng tại hộ gia đình đã tồn tại từ rất lâu cho đến nay. Mạng lưới thu gom đồ thải bỏ như là nguồn cung cấp đầu vào cho các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp tái chế tồn tại từ lâu ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam cũng là mô hình sơ khai của KTTH. Sản xuất sạch hơn mà các nước, trong đó có Việt Nam, đều cố gắng khuyến khích và tạo điều kiện áp dụng dựa trên sáng kiến đề xuất của Tổ chức Phát triển Công nghiệp (UNIDO) và Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) trong nhiều thập kỷ qua với mục tiêu chính là chủ động phòng ngừa phát sinh chất thải và ô nhiễm đối với môi trường do hoạt động công nghiệp, tập trung vào 8 nhóm giải pháp kỹ thuật, trong đó có 2 nhóm trực tiếp liên quan tới kinh tế tuần hoàn là Tuần hoàn tái sử dụng tại chỗ; và Tạo ra sản phẩm phụ hữu ích cũng là thực hiện tuần hoàn chất thải ở quy mô nội vi doanh nghiệp. Tuy vậy, KTTH chỉ trở thành mối quan tâm đặc biệt trong quản lý kinh tế, quản lý phát triển tầm quốc gia, quốc tế, trở thành một mô hình kinh doanh mới của doanh nghiệp, tập đoàn là do sự gia tăng khan hiếm, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm, suy giảm chất lượng môi trường sống và được thúc đẩy, hỗ trợ bởi công nghệ thông tin, nhất là internet kết nối vạn vật (IoT) cũng như những lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường lớn mà nó đem lại rõ rệt và trực tiếp.

Lẽ đương nhiên, xét về khía cạnh kinh tế thì, để trở thành mô hình phổ biến, KTTH phải đem lại lợi ích kinh tế cho các bên liên quan. Lợi ích kinh tế của mô hình KTTH nằm ở cả cơ hội về lợi nhuận hiện tại và ở cả tương lai. Theo tài liệu giới thiệu về KTTH của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự PTBV thế giới (World Business Council for Sustainable Development - WBCSD) thì các lợi ích chính đem lại cho các doanh nghiệp từ KTTH bao gồm: Tăng trưởng cao hơn; Sáng tạo hơn và mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh; Cắt giảm chi phí; Giảm tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải CO2; và Tăng cường chuỗi cung ứng và bảo tồn tài nguyên. Ở tầm nhìn 10 năm tới thì “KTTH có thể mở ra cơ hội thị trường khổng lồ trị giá ít nhất 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030, tạo ra hàng trăm triệu việc làm mới, mang đến những lợi thế cạnh tranh chưa từng có cho doanh nghiệp thông qua việc giảm bớt các rủi ro đến từ việc khan hiếm tài nguyên, biến động giá nguyên vật liệu và giúp doanh nghiệp đón đầu các chính sách mới của các cơ quan quản lý trong tương lai”. Trên thực tế các mô hình KTTH được áp dụng trong thực tế đem lại các lợi ích kinh tế rõ rệt, như Công ty liên doanh Mjunction (giữa Tập đoàn Tata Steel và Steel Authority của Ấn Độ) với mô hình KTTH trong lĩnh vực kinh doanh thép phế liệu đã có doanh số tăng từ 13,8 triệu USD năm 2002 lên 9,45 tỷ USD năm 2016. Nghiên cứu của Tổ chức Accenture Strategy (2014) ước tính khái quát rằng nếu áp dụng rộng rãi KTTH ở quy mô toàn cầu thì sau khoảng 1 thập kỷ rưỡi (đến năm 2030) có thể tạo ra giá trị gấp hơn 5 lần so với hiện nay trong khi giảm được áp lực khan hiếm tài nguyên đối với tăng trưởng, trong đó tài nguyên được tuần hoàn đóng góp 40%; kéo dài vòng đời sản phẩm đóng góp 30%; kết nối chuỗi giá trị đóng góp 20%; và thị trường kết nối trơn tru đóng góp 10%.

Về tư duy phát triển và quản lý phát triển, có thể thấy rằng dưới áp lực gia tăng về khan hiếm, cạn kiệt tài nguyên, năng lượng cho phát triển và biến đổi khí hậu đang có sự chuyển đổi cách thức, con đường phát triển tuyến tính với tư duy tuyến tính (hay có cách diễn đạt khác là phát triển nâu/tư duy nâu) sang con đường PTBV, xanh và nay là tuần hoàn với tư duy bền vững xanh và tuần hoàn. Hình 3 khái quát sự chuyển đổi này và tương ứng với đó là sự chuyển đổi về mô hình kinh tế. 

Sự chuyển đổi tư duy và mô hình phát triển

Tuy vậy, trên thực tế sự chuyển đổi này không thực sự suôn sẻ, trôi chảy một cách thuận lợi. Quá trình chuyển sang PTBV đã trải qua chặng đường 2 thập kỷ (tính từ khi các quốc gia trên thế giới đồng thuận và cam kết thực hiện 8 mục tiêu thiên niên kỷ PTBV (MDGs) bắt đầu từ năm 2001) thế nhưng tổng kết 15 năm thực hiện MDGs (2001 - 2015) cho thấy bên cạnh các mục tiêu được hoàn thành vẫn còn có những mục tiêu chưa đạt được, như về đói nghèo, môi trường, an ninh con người, ... Hiện nay các quốc gia trên thế giới đang cố gắng nỗ lực thực hiện các mục tiêu PTBV mới (SDGs) cho giai đoạn 15 năm tiếp theo (2016 - 2030) với số lượng mục tiêu, chỉ tiêu nhiều hơn (17 mục tiêu, 169 chỉ tiêu), trong đó tài nguyên và môi trường được chú trọng nhiều hơn. Phát triển, tăng trưởng xanh được đề xuất áp dụng từ thập niên đầu của thế kỷ 21, nhưng hiện nay (2021) sau gần 2 thập kỷ các mô hình xanh vẫn chưa thực sự được áp dụng rộng rãi, nhất là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Còn KTTH thì mới được khuyến khích áp dụng rộng rãi như là cách thức, mô hình mới thực hiện PTBV, xanh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các khó khăn, cản trở trong sự chuyển đổi này, trong đó nghiên cứu của A. Pheifer (2017) đã chỉ ra các cản trở chuyển đổi sang KHTH ở 2 cấp độ (vi mô và vĩ mô) như khái quát ở bảng dưới.

Các cản trở chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn

Các mô hình kinh tế tuần hoàn trong bảo vệ thiên nhiên và môi trường

Trong thực tế trước đây, có thể thấy có những hoạt động kinh tế theo hướng tuần hoàn, như trong sản xuất nông nghiệp có mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) hay sử dụng phân gia súc làm nguyên liệu sản xuất khí sinh học (biogas), ... Trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có mô hình sản xuất sạch hơn, 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế), khu công nghiệp sinh thái, ... Tuy vậy, xét theo bản chất và khái niệm KTTH thì đó chưa phải là những mô hình KTTH đích thực. Bởi lẽ chúng mới chỉ là những mô hình định hướng chủ yếu vào các thải bỏ (chất thải) - một khâu trong vòng đời sản phẩm - mà chưa hướng vào toàn bộ các khâu trong vòng đời sản phẩm. KTTH, như bản chất cốt lõi của nó nêu ở trên, là mô hình kinh tế mà ở đó giá trị của sản phẩm, vật liệu và tài nguyên được duy trì lâu nhất có thể và sự phát thải được giảm thiểu. Nghĩa là, khác với các mô hình kinh tế trước đó, mô hình KTTH không chỉ là chất thải mà điều quan trọng hơn là duy trì lâu nhất có thể giá trị của sản phẩm, vật liệu và tài nguyên trong suốt vòng đời của sản phẩm. Các hoạt động liên quan tới chất thải (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế hay thiêu đốt để thu hồi năng lượng) cũng chỉ là một trong những cách thức thực hiện việc duy trì nói trên. Đây cũng chính là điều được lưu ý trong tất cả các tài liệu quốc tế về KTTH. Tài liệu nghiên cứu quốc tế khái quát 5 dạng mô hình KTTH cơ bản sau:

1. Chuỗi cung ứng tuần hoàn (Circular Supply-chains): thay vì sử dụng tài nguyên với gánh nặng về môi trường, tập trung vào làm cho việc sử dụng này trở nên có thể tái tạo, tái chế và tái sử dụng trong suốt vòng đời sản phẩm nhằm giảm chi phí và tăng khả năng dự báo được.

2. Tái chế & Thu hồi năng lượng (Recovery & Recycling): đây là dạng mô hình mà ở đó tất cả vật liệu được tái sử dụng và mọi chất thải phải được sử dụng cho các mục đích khác.

3. Kéo dài vòng đời sản phẩm (Product Life-extension): các sản phẩm được sử dụng lâu dài nhất có thể về kinh tế thông qua bảo trì, sửa chữa, phục hồi. Muốn vậy, sản phẩm phải được thiết kế ngay từ ban đầu sao cho dễ lắp ráp, bảo trì, sửa chữa, phục hồi và dễ thu hồi, tái chế khi bị thải bỏ.

4. Nền tảng chia sẻ (Sharing Platform): tạo nền tảng hợp tác giữa những người sử dụng sản phẩm và chia sẻ sản phẩm không sử dụng hết hay còn thiếu. Doanh nghiệp có sản phẩm và tài sản sử dụng không đầy đủ có thể tìm kiếm lợi ích khi chia sẻ chúng cho khách hàng bên ngoài.

5. Sản phẩm là dịch vụ (Product as a service): là cách thức người tiêu dùng thuê thay vì mua. Trường hợp mô hình Tập đoàn quốc tế Michelin (Pháp) chuyên sản xuất lốp xe hơi áp dụng mô hình kinh doanh “lốp xe là dịch vụ” (“tires as a service”) nêu ở trên là ví dụ, theo đó khách hàng trả tiền lốp xe theo km sử dụng thay vì trả tiền mua để sở hữu lốp xe.

Các hình thức thể hiện mô hình KTTH là đa dạng, phong phú cả trong sản xuất và cả trong tiêu dùng. Tuy vậy, KTTH trong sản xuất có bước tiến rõ rệt nhiều năm qua thông qua áp dụng các nguyên lý sản xuất sạch hơn, sản xuất xanh nhưng lại ít có tiến bộ trong lĩnh vực tiêu dùng. Công nghiệp hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế, bên cạnh đem lại những lợi ích phát triển, nhưng cũng thúc đẩy lối sống, cách thức tiêu dùng không/ít thân thiện với tự nhiên và môi trường với hệ quả tất yếu là lượng chất thải thải ra môi trường ngày càng lớn đến mức làm tổn thương, thậm chí tàn phá sức sống của tự nhiên. Các mô hình KTTH với bản chất cốt lõi là kéo dài thời gian, gia tăng tính hữu ích, giá trị sử dụng của sản phẩm cũng có nghĩa là làm cho không những thời gian phục vụ, giá trị của tài nguyên thiên nhiên kết tinh trong sản phẩm dài lâu hơn mà còn qua đó giảm áp lực gia tăng khai thác tự nhiên cũng như thải bỏ chất thải ra môi trường tự nhiên.

Bên cạnh các mô hình KTTH thông qua tiết giảm, tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng, ... (các T theo tiếng Việt hay các R theo tiếng Anh) trên thế giới hiện nay đang phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ (KTCS). Mô hình KTCS là loại mô hình mới xuất hiện gắn với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ số. Ở mô hình KTCS tài sản, dịch vụ ở trạng thái dư thừa, nhàn rỗi được trao đổi/giao dịch/đồng sử dụng giữa các bên với sự hỗ trợ, kết nối của nền tảng số. Thực tế dư thừa, nhàn rỗi trong sử dụng sản phẩm là rất phổ biến nhiều thế kỷ qua bởi thuộc sở hữu cá nhân và không/ít được thông tin hay kết nối với nhau để có thể tạo thành cung, cầu chia sẻ. Sự phát triển của công nghệ số đã tạo nền tảng công nghệ cho sự thông tin, kết nối như vậy. Mô hình dùng đến đâu trả đến đó (pay-as-you-go model) đang dần trở nên phổ biến, tạo nên phân khúc cung, cầu và dư địa cho phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ của KTTH. Tạo hệ sinh thái thuận lợi cho các mô hình KTTH phát triển đang là xu thế chung hiện nay ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

Ở nước ta, như đã nói ở trên, chủ trương “khuyến khích thực hiện KTTH phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước” (Điều 142, Luật BVMT) hiện đang được cụ thể hóa trong nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ” trong các lĩnh vực, trong đó có tài nguyên và môi trường (Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019). Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai nghiên cứu để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định chính sách và các biện pháp cụ thể về sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải trong các lĩnh vực có liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ. Các quy định này khi ban hành,  đưa vào thực hiện sẽ tạo nên hệ sinh thái thuận lợi cho các mô hình KTTH phát triển.

Phát triển KTTH là tất yếu, là xu hướng chung và là cách thức mới để bảo vệ thiên nhiên và môi trường trong bối cảnh hiện nay. Các mô hình KTTH đang được khuyến khích áp dụng và phát triển nhân rộng. KTTH được xã hội quan tâm không chỉ bởi cách thức mới trong bảo vệ thiên nhiên và môi trường cho PTBV mà quan trọng hơn là triển vọng đem lại những lợi ích nhiều mặt (kinh tế, xã hội, môi trường) cho tất cả các bên liên quan./.

 

PGS. TS Nguyễn Danh Sơn (VACNE)

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline