Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 15:01
Thứ tư, 10/04/2024 15:04
TMO - Thành phố Hà Nội đang tập trung nhiều nguồn vốn để hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp và dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, Hà Nội là điểm sáng về nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Cụ thể, thành phố thu hút 53,88 triệu USD vốn FDI, với 20 dự án mới có tổng vốn đầu tư đạt 33,41 triệu USD; 14 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 12,49 triệu USD và 12 lượt góp vốn với số góp vốn đạt 7,98 triệu USD. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, thành phố Hà Nội thu hút 953,2 triệu USD vốn FDI (tăng 500% so với cùng kỳ năm 2023) với 46 dự án mới có tổng vốn đầu tư đạt 903,9 triệu USD; 31 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 21,57 triệu USD và 33 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 27,77 triệu USD.
Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348ha, vốn đầu tư hạ tầng trong khu công nghiệp 139 triệu USD và trên 6.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt gần 100%. Năm 2023, các KCN đã thu hút được 10 dự án mới; 20 dự án mở rộng. Lũy kế đến nay, các khu công nghiệp đã thu hút được 709 dự án, trong đó có 300 dự án đầu tư nước ngoài vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD; 409 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 26.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thành phố còn có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động phân bố tại 17 quận, huyện, thị xã, thu hút khoảng 3.864 chủ đầu tư doanh nghiệp thứ phát, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 60.000 lao động, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm. Hiện, đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 44 cụm công nghiệp và tổ chức thẩm định thành lập 25 cụm công nghiệp với diện tích 288ha.
Thành phố Hà Nội đang tập trung nhiều nguồn vốn để hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo động lực thu hút đầu tư.
Việc hình thành các cụm công nghiệp đã giúp di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư của hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề; qua đó hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, hạn chế việc sản xuất phân tán không theo quy hoạch; giải quyết được mặt bằng cho các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh, khuyến khích thu hút các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố.
Đặc biệt, việc đầu tư các khu, cụm công nghiệp đã thu hút nhiều doanh nghiệp FDI lớn của 27 quốc gia, vùng lãnh thổ và các doanh nghiệp trong nước vào đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp góp phần tăng tỷ trọng cao về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hà Nội với cả nước và đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương và Thành phố, nâng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo lên 24% trong ngành công nghiệp tại các khu công nghiệp… đóng góp vào chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7-7,5% trong giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng thành phố, trong quá trình quản lý, đầu tư, phát triển và hoạt động của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn vẫn có phát sinh các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách phát triển công nghiệp và phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; trong lĩnh vực đất đai; về giải phóng mặt bằng; về cấp phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận ký quỹ; điều chỉnh tiến độ dự án nhiều lần, khó khăn về vốn; thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao...
Để phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố thời gian tới, UBND TP.Hà Nội định hướng phát triển các khu, cụm công nghiệp đến năm 2030. Theo đó, bổ sung 9 khu công nghiệp với diện tích 2.911 ha triển khai trong giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo phương án phát triển cụm công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã gửi xin ý kiến Bộ Công Thương, giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội dự kiến có 174 cụm công nghiệp, tổng diện tích 5.824 ha.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; tiếp tục đôn đốc chỉ đạo khởi công các cụm công nghiệp còn lại trên địa bàn hoàn thành trong năm 2024, chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng đưa các cụm công nghiệp mới vào hoạt động; cây dựng Đề án chuyển đổi công tác quản lý, kinh doanh, khai thác hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện sang doanh nghiệp...
Thành phố bổ sung 9 khu công nghiệp với diện tích 2.911 ha triển khai trong giai đoạn 2025-2030, đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 để Thành phố triển khai thành lập/mở rộng các cụm công nghiệp trên địa bàn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phù hợp với nội dung báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp đã được phê duyệt không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 32/2024/NĐ-CP và hướng dẫn thực hiện khi Nghị định có hiệu lực.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các quy định mới liên quan đến đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Luật Đất đai năm 2024; Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể điều kiện để được cấp Giấy phép xây dựng tại các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố bảo đảm tính thống nhất.
Hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp đã đóng góp tích cực cho quá trình phát triển của đất nước. Các khu công nghiệp thu hút khoảng 40% trong tổng vốn FDI tăng thêm mỗi năm, khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, hệ thống khu công nghiệp có đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, tạo việc cho người lao động...
Qua đó góp phần đẩy mạnh các ngành công nghiệp phát triển, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, mở rộng thị trường quốc tế và chuyển đổi không gian phát triển. Tính đến năm 2023, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 4,15 triệu lao động trực tiếp, trong đó tập trung chủ yếu tại các vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng, chiếm lần lượt 41,3% và 30,3% số lao động làm việc trong khu công nghiệp trên cả nước. Trung bình 1 ha đất đã cho thuê trong khu công nghiệp tạo việc làm cho khoảng 82 lao động. Hệ thống khu công nghiệp còn góp phần thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tác kinh tế...
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới, đòi hỏi phải đổi mới toàn diện và mạnh mẽ để trở thành một đất nước phát triển và hiện đại, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực. Điều này đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách và điều chỉnh mục tiêu, định hướng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế để thích ứng với bối cảnh mới, góp phần thực hiện chiến lược phát triển đất nước.
Nguyễn Nga
Bình luận