Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ năm, 13/06/2024 07:06
TMO - Với mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm nông sản đặc sản, TP.Hà Nội đang tập trung thực hiện cấp mã số vùng trồng nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm cây trồng.
Thực hiện Chỉ thị số 1838/CT-BNN-BVTV của Bộ NN&PTNT về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, TP.Hà Nội đã hỗ trợ các địa phương xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu của nông sản Thủ đô. Điển hình như: Gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), nhãn chín muộn Đại Thành (Quốc Oai)...
Xây dựng mã số vùng trồng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi khi tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu, mà còn có tác động, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững hơn. Xác định rõ tầm quan trọng và những lợi ích của mã số vùng trồng mang lại cho người sản xuất và người tiêu dùng, Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, hộ sản xuất, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện các tiêu chuẩn về điều kiện canh tác để được cấp mã số vùng trồng.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, năm 2023, Hà Nội có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích 794,4ha; trong đó cây lúa có 56 cơ sở, với tổng diện tích 447,5ha; cây rau 27 cơ sở, 86ha; cây ăn quả 34 cơ sở, 231,4ha và cây dược liệu, hoa cây cảnh có 7 cơ sở, tổng diện tích 29,5ha. Chi cục cũng đã tiến hành kiểm tra, giám sát 43 cơ sở được cấp mã số vùng trồng nội địa, kết quả có 38 cơ sở bảo đảm duy trì mã số vùng trồng theo quy định, 5 cơ sở ghi chép nhật ký truy xuất nguồn gốc chưa đầy đủ.
Vùng chuối Vân Nam (huyện Phúc Thọ) được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: AN.
Tính đến tháng 4/2024, Hà Nội đã cấp được 16 mã số vùng trồng xuất khẩu và 133 mã số vùng trồng trong lĩnh vực trồng trọt. Sau khi được cấp mã vùng trồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định đảm bảo điều kiện để tiếp tục duy trì mã số đã được cấp. Các vùng trồng đã được cấp mã duy trì các điều kiện đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, EU, Anh, Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…
Hiện nay, bưởi diễn tôm vàng cũng được đánh giá cao về chất lượng thơm ngon và hình thành vùng sản xuất tập trung ở huyện Đan Phượng. Trong đó, vùng bưởi an toàn sinh học của xã Hạ Mỗ đã được dán nhãn QRCode truy xuất nguồn gốc để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội và hướng tới xuất khẩu. Không chỉ bưởi diễn, Hà Nội đã hình thành các vùng trồng chuối chuyên canh, chất lượng cao đủ điều kiện xuất khẩu tới một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… Hiện tại, diện tích trồng chuối của Hà Nội đã lên tới gần 4.000ha, tập trung chủ yếu tại các huyện như Phúc Thọ, Gia Lâm, Ba Vì với hơn 70% diện tích trồng các giống chuối nuôi cấy mô.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, từ việc cấp mã số vùng trồng, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản đạt chuẩn xuất khẩu, trong năm 2023, các sản phẩm của ngành nông nghiệp của Hà Nội đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đạt trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, việc giám sát và sử dụng mã số vùng trồng còn khó khăn, do vùng sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, dẫn tới liên kết giữa đại diện vùng trồng với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu còn lỏng lẻo. Hệ thống các văn bản trong quản lý, sử dụng mã vùng trồng cũng như chế tài xử lý vi phạm chưa đầy đủ và vẫn còn hiện tượng sử dụng mã số chưa đúng...
Xây dựng mã số vùng trồng không chỉ giúp nâng cao giá trị của nhiều loại cây trồng, tạo điều kiện thuận lợi khi tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu, mà còn có tác động, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững hơn. Do đó, cần phải nâng cao nhận thức về mã số vùng trồng cho người dân, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt của các mặt hàng nông sản, vấn đề chất lượng, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh, an toàn thực phẩm ngày càng trở nên quan trọng. Do đó, việc đăng ký, quản lý mã số vùng trồng là cơ sở quan trọng để khẳng định về chất lượng nông sản Hà Nội trên thị trường.
TP.Hà Nội tiếp tục tăng cường kiểm soát các vùng trồng nông sản, nhất là các vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Ảnh: TT.
Thời gian tới, TP.Hà Nội cần phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mã số vùng trồng đối với nông sản chủ lực cho nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Cụ thể là hướng dẫn cấp mã số cho vùng trồng cây chủ lực; tập huấn, hướng dẫn thiết lập, quản lý mã số vùng trồng cho cán bộ quản lý nông nghiệp và các tổ chức, cá nhân tại các vùng sản xuất nông sản tập trung.
Cụ thể, các địa phương cần hướng dẫn quy trình thiết lập, cấp, quản lý, kiểm tra, giám sát các mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu lĩnh vực trồng trọt cho các tổ chức, cá nhân; rà soát, thống kê các vùng sản xuất tập trung và ưu tiên cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cần quan tâm, chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực cho cấp, quản lý và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra sau cấp mã số, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tái phạm nhiều lần; tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng không tuân thủ.
Ngoài ra, các địa phương cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp thông tin về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc. Cục Bảo vệ thực vật cần chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ địa phương về những quy định của các nước nhập khẩu, nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Hà Nội là một trong 3 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Hà Nội có tiềm năng rất lớn để xuất khẩu trong lĩnh vực trồng trọt, cây ăn quả và hoa cây cảnh. Vì vậy, Hà Nội sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh hàng năm.
Chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những khu vực có điều kiện sản xuất khó khăn về nguồn nước, những vùng trũng thấp khắc phục được tình trạng bỏ ruộng không canh tác của người dân trong đó đẩy mạnh sản xuất các loại cây trồng có chất lượng cao, sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm và môi trường. Chú trọng những sản phẩm cây trồng, dịch vụ, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với nhu cầu và phục vụ phát triển đô thị, phù hợp với tính chất, đặc điểm khu vực đô thị, khu vực ven đô, phát triển các mô hình trang trại nông nghiệp trong đô thị.
Trên cơ sở nền tảng phát triển thế mạnh nông nghiệp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang phối hợp với các địa phương tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ địa phương về các quy định của nước nhập khẩu. Tăng cường thanh tra, kiểm tra sau cấp mã số; chủ động quy hoạch, thiết lập vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện cấp mã số, thúc đẩy và kiểm soát chặt chẽ liên kết giữa người dân và đơn vị xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi cho các bên.
Minh Hải
Bình luận