Hotline: 0941068156
Thứ năm, 24/04/2025 06:04
Thứ tư, 23/04/2025 06:04
TMO - Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ các làng nghề, nông sản đặc trưng, góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao giá trị từng mặt hàng.
Tính chung đến nay, toàn tỉnh Nghệ An có 712 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên (bao gồm 665 sản phẩm đạt 3 sao, 45 sản phẩm đạt 4 sao, 2 sản phẩm đạt 5 sao) và có 1 sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt sản phẩm OCOP 5 sao. Để đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, tăng cường quảng bá, các chủ thể, đơn vị của tỉnh Nghệ An đã tích cực đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp, HTX, chủ thể OCOP tiếp cận người tiêu dùng (NTD) nhanh chóng, mà còn mở rộng thị trường, đa dạng hóa kênh tiêu thụ, thúc đẩy phát triển bền vững cho sản phẩm địa phương.
Tại thị xã Hoàng Mai, đến nay đã có 36 sản phẩm đạt sao OCOP. Trong đó, nhóm sản phẩm hải sản đông lạnh nổi bật với các sản phẩm: Cá nục làm sạch, cá nục một nắng, mực ống, chả cá dưa... được người dân ưa chuộng. Các chủ cơ sở không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như cải tiến mẫu mã, bao bì để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Huyện Diễn Châu với vùng biển rộng, chính là nơi cung cấp nguyên liệu cho sản xuất hàng chục loại sản phẩm OCOP là nước mắm, tôm nõn và các loại hải sản… đã được nhiều khách hàng trong nước tin dùng thường xuyên. Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", đến nay Diễn Châu đã có 42 sản phẩm OCOP.
Trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao OCOP, gồm: Lạc sen Sỹ Thắng và nước mắm Vạn. Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Diễn Châu cho biết, những năm qua, các địa phương đã chú trọng thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm.
Để kích cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương, hàng năm, huyện phối hợp với các sở, ngành, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh tổ chức hội thảo giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại cấp vùng, cấp quốc gia, các hội chợ tết, đồng thời xây dựng sàn thương mại điện tử; thành lập các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương. Nhờ đó, sản phẩm OCOP của Diễn Châu được người tiêu dùng biết đến ngày càng nhiều hơn.
Thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc cũng được khách du lịch biết đến với nhiều sản phẩm OCOP . Với phương châm nâng tầm chất lượng sản phẩm, những năm qua các địa phương đã xây dựng được hàng trăm sản phẩm OCOP, trong đó có những sản phẩm 5 sao. Huyện Nghi Lộc hiện đã có 49 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó có nhiều xã có 2 - 5 sản phẩm.
Điển hình như xã Nghi Văn có 5 sản phẩm đạt sao OCOP: Cam Đồi; Mật ong; Bưởi da xanh, dưa lưới và trứng gà ác... Nếu như trước đây, các sản phẩm OCOP chủ yếu là nước mắm, mắm tôm, tép chua, thì nay thành phố Vinh đã mở rộng sang nhiều sản phẩm mới thuộc các ngành nghề chế biến hải sản như cá thu nướng, chả mực, chả cá thu, ruốc bông, kẹo lạc, ngũ cốc dinh dưỡng.
Hầu hết những người làm nghề kinh doanh chế biến hải sản ở vùng ven biển đều đã có kinh nghiệm nhiều năm trong sản xuất, kinh doanh và có lượng khách hàng ổn định. Để những sản phẩm OCOP tính bản địa có lợi thế trên thị trường, nhiều năm qua, chính quyền các cấp và ngành chuyên môn đã tham mưu tổ chức nhiều đợt xúc tiến, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các siêu thị và hàng chục tỉnh, thành phố...
Quá trình sản xuất sản phẩm OCOP được các chủ thể chú trọng công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm. (Ảnh: BNA).
Chỉ tính năm 2024, thực hiện xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nghệ An đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, các sản phẩm OCOP xâm nhập thị trường trong và ngoài tỉnh, thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, trong năm 2024, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nghệ An đã hỗ trợ cho 100 lượt cơ sở tham gia 43 hội chợ, với trên 230 gian hàng; trên 200 loại sản phẩm được quảng bá, giới thiệu tại các tỉnh, thành trên cả nước;
Đồng thời tổ chức các chuyến đi kết nối, xúc tiến thương mại tại các tỉnh Lạng Sơn, Kon Tum, Đà Nẵng… Từ đó, nhiều đơn vị là chủ thể của các sản phẩm OCOP đã kết nối, chào bán và đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các thị trường này. Các ngành đã tổ chức 3 chuyến xúc tiến thương mại và hỗ trợ hơn 100 cơ sở tham gia 43 hội chợ trên cả nước; khai trương gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An tại Siêu thị Go!Vinh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận thị trường bán lẻ hiện đại.
Các sản phẩm OCOP của Nghệ An cũng đã được quảng bá trên sàn thương mại điện tử 37nghean.com, với hơn 470 doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia, tổng cộng 7.653 sản phẩm được giới thiệu và thu hút hơn 9,2 triệu lượt truy cập.
Tỉnh Nghệ An đã và đang chú trọng đẩy mạnh chương trình OCOP nhằm phát huy lợi thế địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Với đặc điểm là một tỉnh rộng lớn, có nhiều tiềm năng về nông nghiệp, lâm nghiệp, di sản văn hóa và làng nghề truyền thống, Nghệ An xác định chương trình OCOP là hướng đi quan trọng để tạo ra động lực phát triển cho các địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương.
Thành công của các sản phẩm OCOP ở Nghệ An không chỉ đến từ chất lượng nguyên liệu và bí quyết sản xuất truyền thống mà còn nhờ sự hỗ trợ thiết thực của chính quyền các cấp. Tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như: đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, tập huấn nâng cao năng lực quản lý và sản xuất cho các chủ thể OCOP, đặc biệt là HTX và hộ sản xuất kinh doanh.
Với hướng đi đúng đắn và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Nghệ An đang dần khẳng định vị thế là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong triển khai hiệu quả chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững và nâng cao đời sống người dân.
Hồng Mến
Bình luận