Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 09:11
Chủ nhật, 21/07/2024 06:07
TMO - Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ nguồn nước, đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời đảm bảo thực hiện mục tiêu khai thác nước bền vững trên địa bàn.
Toàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 40 con sông dài từ 10 km trở lên, tạo thành một mạng lưới sông phân bố khá dày, mật độ 0,6 - 1 km/km2. Khánh Hòa có 3 hệ thống sông lớn là sông Cái Nha Trang, sông Cái Ninh Hoà, sông Tô Hạp và hàng chục sông suối nhỏ độc lập. Ngoài ra, Khánh Hòa còn có các sông nhỏ độc lập như: Sông Tân Phước, Sông Đồng Điền (sông Bình Trung), Sông Hiền Lương, Sông Tam Ích, Sông Lư Cẩm, Sông Đồng Bò, Sông Lạch Cầu, Sông Cạn,... Mạng lưới sông ngòi đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt là sông Cái Nha Trang và sông Cái Ninh Hoà (sông Dinh).
Để giảm thiểu và xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng nguồn nước, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 1691/QĐ-UBND về việc phê duyệt Danh mục và Bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng liền kề với khu vực bị nhiễm mặn có hàm lượng tổng chất rắn hòa tan từ 1.500 mg/l trở lên có tổng diện tích 160,2km2 với 78 vùng hạn chế được phân bố tại 5 huyện, thị, thành phố. Theo đó, Các vùng bị hạn chế khoan giếng, khai thác nước ngầm nêu trên thuộc 78 xã, phường, thị trấn của 2 TP.Nha Trang, Cam Ranh và các huyện Vạn Ninh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa.
Vùng bị hạn chế khai thác nước ngầm có phạm vi rộng nhất là ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, bao gồm toàn bộ các thôn từ chân đèo Cù Hin đến hết phía nam của xã với tổng diện tích 18,47km2. Còn vùng có phạm vi hạn chế hẹp nhất có diện tích 0,027km2 ở khu vực phía tây bắc phường Phương Sài, TP Nha Trang.
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, các biện pháp hạn chế khai thác nước ngầm tại các vùng như; không chấp thuận đăng ký, cấp các giấy phép thăm dò, khai thác nước ngầm để xây dựng thêm các công trình khai thác nước dưới đất mới. Trừ trường hợp khoan thay thế giếng thuộc công trình đã được cấp giấy phép theo quy định. Những công trình có giấy phép khai thác, sử dụng nước ngầm hoặc giấy phép khai thác nước dưới đất được tiếp tục khai thác đến hết thời hạn hiệu lực của giấy phép đã được cấp và được xem xét cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép nhưng không được vượt quá lưu lượng nước khai thác đã được cấp phép trước đó.
Trường hợp công trình đã đăng ký thì tiếp tục khai thác nhưng không được tăng lưu lượng khai thác đã được cấp phép. Công trình đang khai thác nước dưới đất để cấp nước cho mục đích sinh hoạt thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác nước dưới đất hoặc đăng ký nhưng chưa có giấy phép, hoặc chưa đăng ký thì được xem xét cấp giấy phép khai thác hoặc đăng ký nếu đủ điều kiện cấp phép, đăng ký theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
Tỉnh Khánh Hòa triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, địa phương này tăng cường năng lực cho các đơn vị cấp tỉnh và huyện trong công tác bảo vệ nguồn nước nói chung và phòng chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước nói riêng.
Đối với UBND tỉnh: Tổ chức xây dựng chính sách, cơ chế quản lý, vận hành, điều hoà phân phối nguồn nước các hồ chứa lớn đa mục tiêu trên địa bàn tỉnh để tạo một nguồn cung cấp an toàn và hiệu quả cao nhất phục vụ các nhu cầu khai thác, sử dụng của các ngành, địa phương trong mùa cạn kết hợp với phòng chống lũ, bảo đảm duy trì chế độ dòng chảy tối thiểu trên các sông chính trong vùng. Ban hành các quy định về dòng chảy môi trường, dòng chảy tối thiểu. Xây dựng chính sách quy định thứ tự ưu tiên chia sẻ nguồn nước theo đối tượng sử dụng nhằm bảo đảm lợi ích chung (sinh hoạt, chăn nuôi, thuỷ sản, nông nghiệp, công nghiệp...) và theo mức độ hạn hán thiếu nước. Tăng cường phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, đặc biệt cán bộ chuyên môn cấp huyện, xã.
Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, tư vấn cho UBND tỉnh để hoàn thiện thể chế và hệ thống các văn bản pháp luật nhằm cụ thể hóa các công tác quản lý về tài nguyên nước bao gồm việc thực hiện Luật Tài nguyên nước sửa đổi, ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan quản lý địa phương thi hành chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các cơ sở gây ô nhiễm, các nguồn xả thải, chú trọng kiểm tra, thanh tra xử lý các tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước gây ô nhiễm môi trường, hành nghề khoan nước dưới đất. Thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, trước hết là thực hiện tốt việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước.
Các đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh nguồn nước cho các địa phương.
Phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước, các hành vi xả thải gây ô nhiễm nguồn nước. Trước mắt, cần kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh Nghị định về xử lý vi phạm hành chính, chế tài trong lĩnh vực tài nguyên nước theo hướng tăng nặng để đủ mức răn đe. Tham mưu, tư vấn cho UBND tỉnh hình thành cơ chế khuyến khích các biện pháp/dự án phòng và chống nguy cơ ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt các nguồn nước trên lãnh thổ tỉnh Khánh Hòa. Xây dựng cơ chế, bộ máy làm công tác quản lý thiếu nước nói riêng và quản lý thiên tai hạn hán nói chung.
Xây dựng quy hoạch chi tiết về sử dụng tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông, vùng trọng điểm làm căn cứ để các ngành, địa phương lập kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước trên phạm vi của mình; Việc xây dựng, nâng cấp các công trình khai thác, sử dụng nước phải bảo đảm nguyên tắc sử dụng tổng hợp, tuân theo quy hoạch khung của toàn lưu vực và của từng tiểu lưu vực để bảo đảm công bằng và nâng cao hiệu quả trong sử dụng nước, góp phần phát triển bền vững tài nguyên nước trên lưu vực sông.
Quy hoạch phát triển nguồn nước, bao gồm các biện pháp công trình và phi công trình; gắn với việc bảo vệ, phát triển rừng và khả năng tái tạo nguồn nước. Việc xây dựng công trình tích trữ, điều hoà phân phối hợp lý các nguồn nước sử dụng đa mục tiêu khi kết hợp chống lũ và cấp nước cần hướng tới bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, phát triển rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn... như là những giải pháp ưu tiên. Gắn kết chặt chẽ việc phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm an ninh về nước, đồng bộ với phát triển nguồn nước.
Đối với một số các khu vực gặp khó khăn về tài nguyên nước như Nam Vạn Ninh, Nam Ninh Hòa cần xây dựng mục tiêu sử dụng nước tiết kiệm trong tất cả các đối tượng sử dụng nước nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, dịch vụ... có hiệu quả hơn, trong đó chú trọng đến: Xây dựng các quy trình vận hành hồ chứa/liên hồ chứa (các hồ chứa trên thượng nguồn sông Cái Ninh Hòa như Ea Krông Rou, Suối Trầu, Suối Sim,... các hồ trên sông Bộ đội, Cẩm Xe...) nhằm tận dụng các nguồn nước hồi quy sau tưới, nước sau nhà máy thủy điện,... đáp ứng tính đa mục tiêu của các công trình hồ chứa hiện có và trong tương lai, nâng cao hiệu quả công trình. Đối với các hoạt động sản xuất nông nghiệp (chiếm trên 60% tổng nhu cầu sử dụng nước tại Nam Vạn Ninh và Nam Ninh Hòa), cần ứng dụng công nghệ mới trong quản lý và vận hành hệ thống tưới.
Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn nhằm bảo vệ nguồn nước mặt và nước dưới đất. Trong đó chú trọng đến phát triển rừng tại các khu vực Vạn Long, Vạn Phước, Ninh Tây. Cần triển khai việc tăng diện tích các loại rừng có khả năng sinh thủy và giữ nước trong mùa khô thông qua các chương trình, dự án đồng thời cần xây dựng các cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích trồng các loại rừng có khả năng giữ nước ở khu vực đầu nguồn, đặc biệt là thượng nguồn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện hiện có như Ea Krong Rou, SuốiTrầu, Đồng Điền,...
Đối với khu vực có điều kiện địa hình thuận lợi như thượng lưu khu vực Nam Ninh Hòa, thượng lưu sông Đồng Điền cần xây dựng các hồ chứa thượng lưu để điều tiết nguồn nước và vận hành theo quy trình hợp lý đồng thời duy trì dòng chảy môi trường/dòng chảy tối thiểu. Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất cho các vùng có nguy cơ hạn hán thiếu nước ở mức cao để khai thác nước dưới đất làm phương án dự phòng cấp nước, đảm bảo an ninh về nước trong thời kỳ hạn hán thiếu nước. Nghiên cứu và xây dựng các công trình khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt và công nghiệp ở các khu đô thị và khu công nghiệp căn cứ trên các Quy hoạch về khai thác và bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên nước dưới đất.../.
Thu Hương
Bình luận