Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ tư, 29/05/2024 14:05
TMO - Trước sự gia tăng của các nguồn thải trên địa bàn, tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các sở, ngành chức năng cùng các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hiệu quả các nguồn thải, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa cho biết hiện nay, trên địa bàn tỉnh, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom khoảng 398.472 tấn/năm; tương đương hơn 1.135 tấn/ngày. Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị với tỷ lệ thu gom đạt 95%; ở khu vực nông thôn khoảng 80%. Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu vẫn là chôn lấp. Hiện nay, chỉ có các bãi chôn lấp Lương Hòa (TP.Nha Trang), Hòn Rọ (thị xã Ninh Hòa) và Cam Thịnh Đông (TP.Cam Ranh) áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh; các bãi chôn lấp còn lại ở các địa phương đều cơ bản chưa hợp vệ sinh, một số bãi chôn lấp tự phát, một số đang trong tình trạng quá tải...
Đối với nguồn thải này, tỉnh hoàn thiện và triển khai các quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà, phân cấp việc quản lý chất thải rắn cho các địa phương; thực hiện các nội dung trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chất thải rắn trên 8 địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 tại Quyết định số 2891/QĐ-UBND ngày 23/10/2020 của UBND tỉnh; thực hiện tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư khai thác, vận hành nhà máy xử lý rác thải đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 3778/QĐ-UBND ngày 27/10/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Xây dựng và nhân rộng mô hình quản lý chất thải rắn cho các địa phương theo hình thức xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển nhằm giảm áp lực cho đơn vị dịch vụ công ích, tăng tỉ lệ thu gom rác thải. Giảm tỷ lệ chôn lấp trực tiếp, tăng tỷ lệ xử lý, công nghệ xử lý tiên tiến bằng việc phát triển các cơ sở xử lý thất thải trung gian như lò đốt, cơ sở sấy khô sinh học với CTR sinh hoạt giúp giảm thiểu lượng chất thải cần chôn lấp tại các bãi chôn lấp. Triển khai các chương trình phân loại rác thải tại nguồn.
Địa phương này giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải trực tiếp, tăng tỷ lệ xử lý, công nghệ xử lý tiên tiến bằng việc phát triển các cơ sở xử lý thất thải trung gian như lò đốt...
Về quy hoạch các cơ sở xử lý CTR sinh hoạt: các huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện khánh Vĩnh và huyện Khánh Sơn) sẽ áp dụng các cơ sở xử lý trung gian như xử lý đốt, thu hồi năng lượng và xử lý bằng công nghệ tiên tiến để giảm thiểu chất thải chôn lấp trực tiếp tại bãi chôn lấp. Huyện Khánh Vĩnh và huyện Khánh Sơn sẽ tiếp tục áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Tăng cường quản lý rác thải sinh hoạt nông thôn, thu gom xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Việc xã hội hóa công tác đầu tư bảo vệ môi trường được quy định tại Quyết định số 3778/QĐ-UBND ngày 27/10/2021 của UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn Nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh với mục tiêu của Bộ tiêu chí là xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn cho 3 khu vực (phía Bắc, trung tâm và phía Nam tỉnh), giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thu hồi các thành phần có giá trị trong chất thải rắn.
Cụ thể, khu vực trung tâm (TP. Nha Trang) sẽ xây dựng nhà máy trên diện tích rộng 6,5 ha, quy mô công suất đến năm 2023 đạt 1.000 tấn/ngày; khu vực phía Bắc (thị xã Ninh Hòa) sẽ xây dựng nhà máy trên diện tích rộng 10 ha, công suất đến năm 2023 đạt 350 tấn/ngày; khu vực phía Nam (huyện Cam Lâm) sẽ xây dựng nhà máy trên diện tích rộng 50 ha, công suất đến năm 2023 đạt 250 tấn/ngày. Thời gian hoạt động của dự án không quá 30 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đối với nước thải tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN): đầu tư đồng bộ và duy trì hệ thống quan trắc môi trường tự động tại các hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN, CCN, rà soát việc đấu nối nước thải của các cơ sở, không để lẫn nước 3 thải vào hệ thống thoát nước mưa; lắp đặt camera theo dõi quá trình vận hành và xả thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Đối với các cơ sở bên ngoài KCN: Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các hệ thống xử lý nước thải đặc biệt trong các giai đoạn cải tạo hệ thống xửlý nước thải, bắt buộc phải xử lý đạt quy định trước khi xả thải ra môi trường. Các nhà máy có nguồn thải lớn bắt buộc phải lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động truyền dữ liệu liên tục về Sở TN&MT để Sở giám sát. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, giám sát các nguồn thải lớn theo quy định, kịp thời yêu cầu các nhà máy khắc phục khi phát hiện có dấu hiệu bất thường từ các nguồn thải để xử lý kịp thời.
Đối với nước thải sinh hoạt: Khu vực phía Nam thành phố Nha Trang: Quản lý, vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung của thành phố Nha Trang; Tiếp tục thực hiện đấu nối hệ thống thoát nước đối với phần còn lại của thành phố Nha Trang khi dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên hải – Tiểu dự án thành phố Nha Trang thuộc thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hoàn thiện hệ thống thoát nước thải khu vực phía Bắc.
Hoàn thiện mạng lưới thu gom nước thải cấp 3 khu vực trung tâm và phía Nam thu gom nước thải về hệ thống xử lý phía Nam thành phố Nha Trang với công suất 40.000 m3/ngày đêm đảm bảo chất lượng môi trường; Xây dựng nhà máy xử lý nước thải phía Bắc thành phố Nha Trang công suất 15.000 m3 /ngày đêm, nước thải sau xử lý đạt QCVN 14:2008/BTNMT (loại A) - Quy chuẩn lỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt. Các địa phương còn lại: cần rà soát, đánh giá và lập kế hoạch đầu tư các hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với hệ thống thu gom nước mưa; xem hạng mục thoát nước thải là hạng mục bắt buộc trong quá trình đầu tư hạ tầng, khu đô thị mới; qua đó từng bước kiểm soát nước thải sinh hoạt, đặc biệt tại các đầm, vịnh và các khu vực ven biển.
Đối với chất thải y tế: Đầu tư các phương tiện thu gom, lưu giữ theo đúng quy định về quản lý chất thải y tế tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Chất thải nguy hại: Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ sở có phát sinh thất thải nguy hại phải đăng ký Chủ nguồn thải CTNH theo quy định; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các dự án xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh. Hình thành các trung tâm tiếp nhận chất thải nguy hại ở đô thị.
Rác thải nhựa: Góp phần thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần và tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần.
Tuyên truyền trên các các phương tiện thông tin đại chúng nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon nhằm thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất; hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.
Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các chiến dịch ra quân thu gom rác thải nhựa trong đó có khu vực ven biển.
Đối với nguồn khí thải: Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các hệ thống xử lý khí thải đặc biệt trong các giai đoạn cải tạo hệ thống xử lý, bắt buộc phải xử lý đạt quy định trước khi xả thải ra môi trường. Các nhà máy có nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát.
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch số 4779 về việc triển khai hoạt động phân loại chất thải sinh hoạt từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Việc phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt ban hành kèm theo Công văn số 9368, ngày 2-11-2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cụ thể, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nhóm. Nhóm 1, chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế, gồm: Giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện, điện tử thải bỏ. Nhóm 2, chất thải thực phẩm, gồm: Thức ăn thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn, các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản... Nhóm 3, chất thải rắn sinh hoạt khác, gồm: Chất thải nguy hại, cồng kềnh, chất thải khác còn lại.
Chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại được chứa đựng trong các bao bì, thùng chứa với màu sắc khác nhau để dễ nhận dạng trong quá trình thu gom, vận chuyển. Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế chứa đựng trong các vật đựng, túi, bao bì thông thường do chủ nguồn thải quyết định (khuyến khích sử dụng màu trắng); lưu giữ trong khuôn viên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, đảm bảo không gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Chất thải thực phẩm chứa đựng trong các vật đựng, túi, bao bì thông thường do chủ nguồn thải quyết định; đảm bảo kín, không rò rỉ, ngăn ngừa mùi phát tán; được lưu giữ trong khuôn viên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cho đến khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Chất thải rắn sinh hoạt khác, chất thải nguy hại chứa đựng trong các vật đựng, túi, bao bì thông thường do chủ nguồn thải quyết định (khuyến khích sử dụng màu vàng đối với chất thải rắn sinh hoạt khác và màu đen đối với chất thải nguy hại); lưu giữ bên trong khuôn viên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo an toàn, tránh phát tán ra ngoài môi trường cho đến khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại. Chất thải rắn cồng kềnh lưu giữ trong khuôn viên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo không gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
UBND cấp huyện (hoặc UBND cấp xã được ủy quyền) căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương quyết định phương án thu gom phù hợp và có những giải pháp điều chỉnh kịp thời, đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại tại địa phương đạt hiệu quả, tiết kiệm và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đối với chất thải rắn cồng kềnh và chất thải nguy hại, UBND cấp huyện (hoặc UBND cấp xã nếu được ủy quyền) có thể lựa chọn phương án thu gom tại điểm cố định hoặc thu gom tại nhà.
UBND tỉnh yêu cầu việc thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn được xem là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó UBND các cấp, nhất là cấp xã và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò then chốt; đồng thời cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn lực trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Việc thực hiện kế hoạch phải được thực hiện đồng bộ, rộng khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh; ưu tiên tập trung thực hiện trước tại các khu vực đô thị, đông dân cư, khu chung cư, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, trường học, cơ quan, doanh nghiệp…, từng bước mở rộng đến các khu vực nông thôn, đảm bảo việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh chậm nhất đến ngày 31-12-2024.
Địa phương này đặt mục tiêu trong năm 2024, tất cả các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn đều ban hành chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, tập kết, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời, xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (sổ tay, clip, hướng dẫn kỹ thuật hoặc các hình thức khác phù hợp) và đội ngũ tuyên truyền viên cấp huyện, cấp xã để tuyên truyền đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư; quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Năm 2025 và các năm tiếp theo, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định; kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới và đội ngũ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ cấp huyện đến cấp xã. Đồng thời, phối hợp với các cơ sở thu gom, vận chuyển cải tạo nâng cấp phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu theo quy định và đảm bảo thu gom, vận chuyển các loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại; đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
Thanh Nga
Bình luận