Hotline: 0941068156
Thứ ba, 07/01/2025 09:01
Thứ năm, 02/01/2025 06:01
TMO - Năm 2025, ngành Thủy sản tỉnh Khánh Hoà đặt mục tiêu phấn đấu diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 2.350ha, tổng sản lượng tôm nước lợ thương phẩm đạt 5.310 tấn. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này, cần có sự phối hợp chặt chẽ của ngành nông nghiệp, đặc biệt là người dân trong quá trình nuôi tôm. Người dân cần tuyệt đối tuân thủ thời vụ thả giống đúng lịch để có vụ nuôi an toàn, năng suất cao.
Để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi tôm mới, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của thời tiết, dịch bệnh đến nuôi tôm nước lợ, ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hoà đã ban hành khung lịch thời vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2025 trên địa bàn tỉnh và khuyến cáo người dân tăng cường quản lý các yếu tố đầu vào. Trong năm 2024, do sự bất lợi của thời tiết, người dân toàn tỉnh Khánh Hoà chỉ thả nuôi 2.210ha tôm nước lợ, đạt 80% kế hoạch, trong đó có 1.815ha tôm thẻ chân trắng và 395ha tôm sú.
Tuy nhiên, nhờ người nuôi đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả đã được áp dụng, nhân rộng nên sản lượng tôm nước lợ thương phẩm vẫn đạt cao, với gần 5.280 tấn, vượt 55% kế hoạch năm 2024. Trong quá trình nuôi, người dân cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm nuôi, môi trường ao nuôi. Theo Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo trong năm 2025, với biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết sẽ tiếp tục có nhiều bất thường, trong khi đó điều kiện môi trường tại các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu ô nhiễm, bệnh trên thủy sản nuôi có nguy cơ xuất hiện ở hầu hết các vùng nuôi trọng điểm của tỉnh.
Ngoài ra, giá vật tư đầu vào cho nuôi tôm nước lợ còn ở mức cao, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất và hiệu quả kinh tế của người nuôi. Do đó, dự báo tình hình nuôi trồng thủy sản trong năm 2025 sẽ gặp nhiều khó khăn.
Để chủ động về mùa vụ nuôi tôm, hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và đảm bảo kế hoạch sản xuất năm 2025, người nuôi tôm nước lợ cần tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất và phải tuân thủ lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn. Cụ thể, đối với nuôi tôm sú, hộ nuôi thâm canh, bán thâm canh có thể thả giống từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2025 (sớm hơn 1 tháng so với các năm trước).
Người nuôi tôm Khánh Hoà cần lựa chọn nơi cung cấp giống tôm uy tín để đảm bảo vụ nuôi đạt năng suất cao, ít dịch bệnh. (Ảnh minh hoạ).
Đối với hộ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến (nuôi kết hợp đa dạng sinh học giữa tôm sú với cá dìa, cá măng, cá đối mục hoặc cá rô phi, hải sâm, rong câu…) nên thả giống từ tháng 2 đến tháng 8; ở vùng có điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn nước đảm bảo có thể thả giống đến hết tháng 9-2025.
Đối với tôm thẻ chân trắng, các hộ có thể thả giống từ tháng 1 đến tháng 9-2025; những vùng nuôi ít chịu ảnh hưởng của lũ lụt, điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn nước đảm bảo có thể thả giống quanh năm.
Người nuôi cũng cần lưu ý, đối với các mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh chỉ nên nuôi 1 vụ/năm; nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh và tôm sú quảng canh cải tiến chuyên tôm thì có thể nuôi 2 vụ/năm nhưng cần có thời gian ngắt vụ hoặc thả nuôi đối tượng khác, tối thiểu là 1 tháng đối với những ao nuôi hiệu quả, 2 tháng đối với ao nuôi bị thiệt hại nhằm diệt mầm bệnh, cải tạo môi trường.
Đối với những cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, chủ động kiểm soát được các yếu tố môi trường, dịch bệnh thì người dân có thể thả giống nuôi quanh năm. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Khánh Hoà khuyến cáo người dân, để thực hiện lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ, các địa phương cần phổ biến kỹ để người dân nắm bắt những lưu ý trong quá trình thả giống nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Trước khi thả tôm 5 - 10 ngày, các hộ nuôi cần theo dõi diễn biến thời tiết, nếu bất lợi thì tạm ngưng việc thả giống hoặc lấy ý kiến tư vấn của cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Người nuôi nên thực hiện quy trình nuôi tôm nước lợ nhiều giai đoạn và thả giống cỡ lớn để nuôi thương phẩm.
Trong quá trình nuôi cần thực hiện tốt khâu chuẩn bị, vệ sinh ao nuôi để loại bỏ mầm bệnh; cần thường xuyên quản lý điều kiện môi trường của ao nuôi và sức khỏe của tôm nuôi. Các hộ nuôi trong khu vực có chung hệ thống cấp, thoát nước cần tổ chức nạo vét kênh mương để tăng khả năng cấp, thoát nước trong khu vực nuôi; cần thả giống đồng loạt ở những vùng nuôi tập trung.
Hộ dân nên sử dụng giống của các cơ sở sản xuất có uy tín để thả nuôi. Trong quá trình nuôi, không dùng các loại hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng theo quy định...Theo Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hộ nuôi tôm thương phẩm cần đặc biệt lưu ý việc nuôi theo quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất, nuôi trồng thủy sản của chính quyền địa phương; nghiêm túc thực hiện lịch thời vụ, thả tôm với mật độ phù hợp theo hình thức nuôi; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quá trình sản xuất để nuôi tôm đạt hiệu quả cao.
Người nuôi tôm nước lợ cần thực hiện đăng ký đối tượng nuôi chủ lực, đăng ký kê khai ban đầu, thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương; ghi chép nhật ký và lưu trữ hồ sơ đối với mỗi đợt sản xuất; thông báo cho cơ quan quản lý thủy sản khi phát hiện diễn biến môi trường hoặc tôm nuôi có dấu hiệu bất thường để có giải pháp xử lý kịp thời.
Tuyệt đối không được xả xác tôm chết, nước nuôi chưa qua xử lý ra môi trường… Để hỗ trợ người nuôi tôm đạt hiệu quả cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Chi cục Thủy sản thực hiện quan trắc cảnh báo môi trường, cập nhật thông tin, kịp thời thông báo đến từng vùng nuôi, người nuôi để chủ động ứng phó; giám sát chặt chẽ tình hình nuôi trồng thủy sản tại các vùng trọng điểm; thực hiện cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ để phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Người dân thu hoạch tôm nuôi. (Ảnh minh hoạ: Internet).
Bên cạnh đó, chi cục sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương trong tỉnh tăng cường kiểm tra điều kiện của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, vật tư thủy sản; thực hiện các chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh… Bên cạnh đó, các địa phương ven biển trong tỉnh có hướng dẫn cho chính quyền cơ sở xây dựng lịch thời vụ sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế để hướng dẫn người nuôi.
Phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh hướng dẫn người nuôi đăng ký kê khai ban đầu, giám sát vùng nuôi; xử lý đối với các trường hợp thả tôm không đúng lịch thời vụ…
Năm 2025, ngành Thủy sản tỉnh Khánh Hoà đặt mục tiêu phấn đấu diện tích nuôi tôm sú 400ha, sản lượng tôm sú đạt 410 tấn và diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 1.950ha, sản lượng 4.900 tấn. Trước đó, để thúc đẩy đảm bảo mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng nuôi trồng thủy sản, phát triển sản xuất ổn định, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến, xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trong đó có Khánh Hoà chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Hướng dẫn tiếp tục xuống giống thủy sản những diện tích chủ động kiểm soát điều kiện nuôi; tập trung quản lý, chăm sóc tốt đối tượng nuôi chủ lực (tôm nước lợ, cá tra).
Khuyến khích phát triển sản xuất các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao (cá biển, nhuyễn thể, rong biển, cá rô phi, cá nước lạnh...) và các loài thủy sản nuôi bản địa, đặc hữu để phát huy tiềm năng lợi thế tự nhiên đối với tất cả các loại hình nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ, nước lạnh, trên biển, hồ chứa... để bù đắp thiệt hại do bão số 3 và hoàn thành kế hoạch sản xuất cả năm 2024.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm, khuyến cáo kịp thời đến người nuôi để ứng phó hiệu quả với điều kiện môi trường nuôi có diễn biến bất lợi… Nghiêm túc thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đặc biệt vào các tháng cuối năm, dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân.../.
Mai Ly
Bình luận