Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 12:11
Thứ sáu, 21/07/2023 07:07
TMO - Để mở rộng thị trường tiêu thụ cho nhiều đặc sản địa phương, việc xây dựng, phát triển thương hiệu thông qua bảo hộ, chỉ dẫn địa lý là giải pháp quan trọng.
Nông sản Việt Nam hiện đang ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, cả trong nước và quốc tế. Một trong những giải pháp giúp nâng cao giá trị nông sản chính là việc bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Sau khi có được chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, một số địa phương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ. Điều này giúp ổn định và tăng thu nhập cho người sản xuất. Chỉ dẫn địa lý là một đối tượng đặc biệt bởi đó là một hình thức sở hữu trí tuệ tập thể của cộng đồng những người dân địa phương tại khu vực địa lý, gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa và phương thức sản xuất độc đáo trong việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài cho một số sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam giai đoạn 2022-2025. Trước mắt, sẽ lựa chọn ba sản phẩm là vải thiều của tỉnh Bắc Giang, xoài của tỉnh Ðồng Tháp, nhãn và long nhãn của tỉnh Sơn La để nghiên cứu thí điểm đánh giá xác định sản phẩm tiềm năng và thị trường trọng điểm để có hướng hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý ở các thị trường phù hợp.
Với việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong nước cũng như cấp văn bằng bảo hộ tại thị trường xuất khẩu, vải thiều Lục Ngạn ngày càng gia tăng giá trị.
Tại Bắc Giang, vải thiều Lục Ngạn là một sản phẩm nổi tiếng, đặc trưng của Bắc Giang đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong nước, cũng như đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ tại 8 quốc gia: Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia và Mỹ. Ngay năm đầu tiên được cấp chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản (4/2021), vải thiều Lục Ngạn trở thành thương hiệu mạnh, tiêu dùng trong nước thuận lợi, không phải giải cứu ngay cả khi Bắc Giang đang là tâm dịch của cả nước.
Từ khi vải thiều Lục Ngạn được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản đã có tác động mạnh mẽ đến sản xuất và xuất khẩu, đến nay toàn tỉnh đã có 32 mã vùng trồng vải thiều được phép xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản với tổng diện tích trên 100ha, đây là thành quả của một quá trình chuẩn bị từ khi nộp đơn đăng ký đến khi được cấp văn bản bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại Nhật Bản.
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Bình Thuận, chỉ dẫn địa lý có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển thanh long tại địa phương. Bình Thuận được biết đến là một trong những vùng trồng nhiều thanh long nhất cả nước, với diện tích gần 30.000ha. Đây là một trong những sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc (95%). Mới đây nhất, thanh long Bình Thuận đã được chính thức bảo hộ tại Nhật Bản - một trong những thị trường khó tính nhất hiện nay. Hiện, nhãn hiệu "Bình Thuận Dragon Fruit" đã được bảo hộ tại 14 quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ, Anh, Đức, Hàn Quốc...
Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận cho biết, việc việc xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý đã trở thành một chiến lược để bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống và tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, giúp phát huy tiềm năng các nguồn lực địa phương. Đồng thời, thúc đẩy việc chống lạm dụng và gian lận thương mại; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng giá trị lợi nhuận...
Chỉ dẫn địa lý là giải pháp quan trọng để ngành hàng nông sản mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu sẽ giúp các sản phẩm đặc sản địa phương nâng cao sức cạnh tranh, có chỗ đứng trên thị trường, gia tăng giá trị, tạo dựng uy tín, danh tiếng cho các sản phẩm đặc sản. Các thương hiệu đặc sản ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng được mở rộng thị trường tiêu thụ. Sản phẩm xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang) sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam đã xuất khẩu được sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada….Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) có giá bán tăng hơn khoảng 20% so với trước khi được cấp nhãn hiệu tập thể.
Các, tỉnh, thành phố ban hành nhiều văn bản liên quan đến quản lý tài sản trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, hỗ trợ đăng ký bảo hộ và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm chủ lực trong vùng như: bưởi da xanh Bến Tre, dừa xiêm xanh Bến Tre, xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp), tôm sú, cua Cà Mau, nước mắm Phú Quốc, gạo một bụi đỏ Hồng Dân ( Bạc Liêu), khóm Cầu Đúc (Hậu Giang)...
Cà Mau đã xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, phát triển thương hiệu đối với 26 sản phẩm phẩm đặc sản, đặc thù qua các chứng nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý. Trong số đó thể kể đến các đặc sản như mật ong U Minh Hạ, cá khô bổi U Minh, tôm khô Rạch Gốc, cua Năm Căn, mắm lóc Thới Bình, bồn bồn Cái Nước, cá thòi lòi Đất Mũi, tôm sú Cà Mau, cua Cà Mau...
Việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp, nhất là chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm đặc sản địa phương tiếp tục được duy trì, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các địa phương đã xác định danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, sản phẩm đặc sản của địa phương và tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tạo được giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tập trung chủ yếu vào sản phẩm nông nghiệp với hoa quả chiếm 35% tổng số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, thủy sản 14%, dược liệu 10%, sản phẩm từ cây công nghiệp 10%, gạo 9%… Quy mô sản xuất, kinh doanh của các sản phẩm được bảo hộ lại nhỏ, chủ yếu cấp xã, huyện (chiếm khoảng 65% chỉ dẫn địa lý được bảo hộ).
Để tiếp tục gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu nông sản của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong năm 2023 Bộ sẽ triển khai nhiều hoạt động về sở hữu trí tuệ được xác định là trọng tâm. Bên cạnh việc xác lập bảo hộ nhãn hiệu, sẽ tăng cường các chính sách khuyến khích khai thác phát triển tài sản trí tuệ, ban hành cơ chế chính sách phù hợp, chú trọng bảo vệ quyền đối với chỉ dẫn địa lý, nâng cao nhận thức người tiêu dùng... tháo gỡ khó khăn cho các chỉ dẫn địa lý vươn ra thế giới. Từ đó mở ra cơ hội tạo ra của cải vật chất từ tài sản trí tuệ, trở thành nguồn tài nguyên nội lực quốc gia.
Là quốc gia có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, trải qua hàng nghìn năm phát triển, Việt Nam đã tạo dựng được rất nhiều sản phẩm đặc sản, tiểu thủ công nghiệp mang đậm nét văn hóa, giá trị đặc thù. Đó là lợi thế cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, đồng thời đó cũng là một trong nhiều cơ hội của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam đã xây dựng Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia giúp nhà nhập khẩu và người tiêu dùng định vị được sản phẩm mang tính đại diện cho Việt Nam. Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia Việt Nam sẽ trở thành một dấu hiệu quan trọng để các cơ quan và tổ chức hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài, tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Đức Tuấn
Bình luận