Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ sáu, 11/11/2022 08:11
TMO - Hòn Cau là đảo nhỏ gần bờ thuộc địa phận xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Với những giá trị đặc trưng về địa chất, văn hóa, đa dạng sinh học... UBND tỉnh Bình Thuận vừa có quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với đảo Hòn Cau.
Đảo Hòn Cau nằm cách trung tâm thị trấn Liên Hương (huyện Tuy Phong) khoảng 9,5 km, cách TP.Phan Thiết khoảng 110 km. Hòn Cau có diện tích khoảng 1,4 km2 với nhiều mỏm đá cao, trong đó mỏm đá cao nhất có độ cao tới hơn 53,7 m. Trên đảo có hàng nghìn khối đá chủ yếu là đá granite với nhiều kích thước, màu sắc và hình thù độc đáo, là sản phẩm kiến tạo địa chất qua hàng triệu năm.
Địa hình đảo Hòn Cau đặc trưng bởi các mỏm đá nổi lên tạo nên những địa danh nổi tiếng trên đảo như Đỉnh Nhất (cao 53,7 m), Đỉnh Nhị (cao 34,6 m), Bãi Ba Hòn, Bãi Ăn Cướp, Bãi Lúa, Hòn Một, Hang Én, Đá Rùa... Bên cạnh đó, trên đảo còn giữ lại một số di tích như: Giếng Tiên (hay giếng Gia Long) theo truyền thuyết là nơi vua Gia Long từng ghé lại uống nước; đền thờ thần Nam Hải (Đền thờ cá Ông) là nơi ngư dân tại các xã ven biển của địa phương tổ chức Lễ hội Cầu Ngư hàng năm...Đảo có lăng ông Nam Hải (thờ cá voi) được lập từ thời vua Khải Định (1920).
Với địa chất độc đáo, đa dạng sinh học cũng như giá trị văn hóa đảo Hòn Cau vừa được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng di tích cấp tỉnh
Ngày 15/11/2010, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có Quyết định thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Cau, với tổng diện tích 12.500 ha, bao gồm diện tích mặt biển 12.360 ha và diện tích đảo Hòn Cau 140 ha; ban hành quy chế quản lý các hoạt động trong Khu này. Tỉnh này cũng đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Khu bảo tồn biển Hòn Cau có hệ động thực vật dưới nước rất phong phú và đa dạng với nhiều loài hải sản quý hiếm, đặc trưng bởi tính đa dạng sinh học và các rạn san hô có độ bao phủ cao, trong đó, có nhiều loài chỉ có ở vùng biển Hòn Cau. Hòn Cau còn nổi tiếng bởi đây là nơi sinh sống và là bãi sinh sản của nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm, có giá trị kinh tế và sinh thái quan trọng. Đặc biệt, đây là một trong 3 địa điểm có rùa biển về đẻ trứng và có loài trai tai tượng khổng lồ phân bố rộng khắp.
Với quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với đảo Hòn Cau, UBND tỉnh giao cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND huyện Tuy Phong thực hiện việc quản lý nhà nước đối với thắng cảnh Hòn Cau theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Thu Quỳnh
Bình luận