Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 23:11
Thứ năm, 31/10/2024 06:10
TMO - Làng nghề làm nón lá Đào Khê, xã Nghĩa Châu (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) được coi là “gốc gác” của nghề làm nón có lịch sử hàng trăm năm. Cho đến ngày nay, mặc dù xã hội luôn phát triển, nhiều loại mũ nón khác ra đời với đa dạng chủng loại, thế nhưng nghề làm nón lá Đào Khê vẫn trường tồn với thời gian.
Được biết, làng nghề làm nón lá Đào Khê hiện nay đã chia thành hai làng là Đào Khê Thượng và Đào Khê Hạ. Từ ngôi làng với hàng trăm năm tuổi nghề này, mỗi năm, hàng vạn chiếc nón đã ra đời dưới bàn tay khéo léo của người thợ, tỏa đi khắp các vùng miền trong nước và ngoài nước, tạo việc làm và thu nhập cho người dân nông thôn, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống.
Theo chia sẻ của những người cao niên trong làng, họ cũng không nhớ chính xác nghề làm nón lá có từ khi nào, chỉ biết nghề này đã được trao truyền, phát triển qua nhiều thế hệ và đến nay vẫn được duy trì, phát triển mạnh với hàng trăm hộ dân.
Các thế hệ người làng Đào Khê (xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) được “truyền nghề” ngay từ nhỏ. (Ảnh minh hoạ).
Nghề làm nón lá ở Đào Khê khi xưa phát triển mạnh, bởi với mỗi người nông dân, chiếc nón là vật dụng không thể thiếu trong đời sống. Từ làng Đào Khê, nghề làm nón lá được người dân nhân rộng ra cả xã Nghĩa Châu nhằm tạo thêm nguồn thu nhập cho nhân dân.
Trong trí nhớ của những bà, những mẹ, những người chuyên nghề khâu nón lá ở xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng), làng Đào Khê được coi là nơi phát tích của nghề làm nón có lịch sử mấy trăm năm của xã. Ngày nông nhàn, chị em phụ nữ trải chiếu túm tụm lại với nhau ở một điểm và ngồi khâu nón. Trong câu chuyện trò, đổi trao những chuyện làng trên xóm dưới trong khi tay, mắt vẫn không ngừng thoăn thoắt khâu và đưa lên đưa xuống trên những khuôn nón.
Theo người dân làng nghề, làm nón lá có nhiều công đoạn và công đoạn nào cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ vì để hoàn thiện một chiếc nón lá khá tốn thời gian, công sức. Người làm nón ngoài tay nghề cao, có kinh nghiệm còn phải tâm huyết với nghề và có tính nhẫn nại mới có thể tạo ra một chiếc nón đẹp.
Để làm nón, từ sáng sớm, các bà, các chị trong xóm đã tới chợ Đào Khê lựa lá cọ, chọn những thanh tre không non, không già về vót vành nón. Lá làm nón có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra chiếc nón bền, đẹp. Do đó, người dân Đào Khê thường chọn lá cọ Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Lá mua về được phơi vài nắng, sau đó vuốt cho thẳng mới có thể dùng làm nón.
Công đoạn làm khung nón được coi là khó nhất.
Một trong những công đoạn để tạo ra một chiếc nón đẹp là làm khung nón. Vành nón được làm từ cật tre và được vót thủ công bằng tay, cố định hai đầu bằng sợi chỉ cước, công đoạn này đòi hỏi người thợ phải làm ra được khung đẹp, đều, tròn vành và chắc chắn. Làm vành nón được nhiều người xem là khâu khó hơn cả bởi phải vót thanh tre sao cho tròn, đều, uốn vành thật cân, hài hòa. Mỗi chiếc nón có 16 vành. Ngoài ra, công đoạn khâu nón cũng đòi hỏi kinh nghiệm, tay nghề cao...
Những chiếc nón lá hoàn chỉnh dưới bàn tay khâu khéo léo của người thợ làm nón.
Trung bình mỗi người làm được từ 1 - 2 chiếc nón/ngày. Giá bán mỗi chiếc nón lá dao động từ 50.000 - 100.000 đồng. Chiếc nón lá ngoài việc che nắng, che mưa còn tôn lên vẻ đẹp, nét duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người làng nghề làm nón lá Đào Khê đã tạo thêm nhiều mẫu mã mới, bắt mắt theo nhu cầu của khách hàng.
Ðể làm ra một chiếc nón lá hoàn hảo, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn và phải thật tỉ mỉ trong từng khâu từ mua nguyên vật liệu, phơi lá, ủi lá, làm vành đến khâu nón. Đối với người dân làng nghề Đào Khê, nghề làm nón này không chỉ là nghề để kiếm sống mà còn là niềm yêu thích và sự tự hào vì đây là nghề truyền thống của quê hương.
Thanh Hải
Bình luận