Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 19/04/2025 14:04
Thứ năm, 17/04/2025 11:04
TMO - Nằm sâu trong lòng đất, hệ thống địa đạo Củ Chi (TP. HCM) không chỉ là một kỳ quan kiến trúc độc đáo mà còn là minh chứng sống động của một thời kỳ đấu tranh đầy cam go, khốc liệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Được xây dựng trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, địa đạo Củ Chi trở thành căn cứ vững chắc, nơi Nhân dân và bộ đội ta chiến đấu, sinh sống, và giành chiến thắng. Đến với Củ Chi, du khách không chỉ được khám phá một công trình kiến trúc ngầm ấn tượng mà còn có cơ hội hiểu sâu hơn về tinh thần bất khuất, lòng dũng cảm của người chiến sỹ trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Trải qua thời gian dài kháng chiến cứu nước, Khu di tích Địa đạo Củ Chi ngày nay không chỉ mang giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa mà còn là tài nguyên du lịch, điểm về nguồn thu hút du khách trong và ngoài nước.
Đông đảo du khách tham quan Địa đạo Củ Chi.
Cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km về hướng Tây Bắc, Địa đạo Củ Chi là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân, dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm. Chỉ bằng phương tiện, dụng cụ thô sơ, quân và dân Củ Chi đã tạo nên công trình địa đạo đồ sộ với hàng trăm km đường ngầm dọc ngang trong lòng đất, nối liền các xã, ấp với nhau.
Địa đạo Củ Chi với hệ thống đường hầm dài gần 250 km, là cứ địa vững chắc của Khu ủy Quân khu, Bộ tư lệnh Sài Gòn - Gia Định, góp phần không nhỏ vào công cuộc thống nhất đất nước.
Nhiều đoạn hầm tại Địa đạo Củ Chi rất hẹp.
Địa đạo Củ Chi có nhiều đoạn hầm rất hẹp, chỉ đủ chỗ cho một người bò hoặc phải cúi thấp, thậm chí sát mặt đất mới có thể di chuyển. Ngày nay, các đường hầm mở cho khách tham quan đã được lắp đèn chiếu sáng, nhưng không khuyến khích người mắc hội chứng sợ không gian kín hoặc có tiền sử hen suyễn, tim mạch.
Hệ thống địa đạo bắt đầu được đào từ năm 1946 và được mở rộng liên tục suốt hơn 20 năm sau đó. Toàn bộ công trình nằm trên vùng đất sét pha đá ong, có độ bền cao, ít bị sụt lở. Các đường hầm và căn cứ ngầm sâu từ 3 đến 12 m, gồm 3 tầng, có khả năng chịu được sức công phá của nhiều loại bom hạng nặng. Địa đạo tỏa rộng khiến du khách có cảm giác bước vào ma trận. Từ xương sống của địa đạo tỏa ra nhiều đường hầm dài ngắn khác nhau, có nhánh dẫn ra tận sông Sài Gòn.
Hệ thống đường hầm thể hiện sự khéo léo của Quân và dân ta.
Không khí được lấy vào địa đạo thông qua các lỗ thông hơi. Cứ khoảng 10 - 15 m dọc theo đường hầm đều được khoét lỗ, lấy gió từ mặt đất, miệng lỗ được ngụy trang giống như ụ mối đùn.
Căn hầm bí mật là một trong những công trình đặc biệt trong hệ thống địa đạo Củ Chi, được ngụy trang tinh vi ngay dưới lòng đất hoặc bên trong các căn nhà tranh đơn sơ. Từ bên ngoài, hầm hoàn toàn không để lộ dấu vết, nhưng bên trong có thể đủ chỗ cho nhiều người trú ẩn, họp bàn hoặc cất giấu tài liệu, vũ khí. Hệ thống đường hầm thể hiện sự khéo léo và sáng tạo của quân dân Củ Chi trong điều kiện chiến tranh ác liệt.
Hệ thống Địa đạo Củ Chi được vẽ lại.
Trong giai đoạn từ 1961 đến 1965, địa đạo được mở rộng và kết nối thành một mạng lưới các nhánh hầm thông suốt, cùng với những hố đinh, bãi mìn được bố trí trên mặt đất để bảo vệ công trình khỏi sự tấn công của đối phương. Sau chiến tranh, Địa đạo Củ Chi đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, trở thành một minh chứng sống động cho lòng kiên cường và sự sáng tạo của quân và dân ta trong những năm tháng gian khổ.
Hiện nay, di tích địa đạo Củ Chi được bảo tồn tại hai khu vực chính là Bến Dược, xã Phú Mỹ Hưng) và Bến Đình, xã Nhuận Đức, trở thành điểm đến thu hút du khách khi đến TP HCM. Theo đại diện Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, lượng khách tham quan trong tháng 4/2025 tăng 30% so với ngày thường, nhờ hiệu ứng từ chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Đơn vị dự báo lượng khách sẽ tiếp tục tăng cao trong dịp lễ 30/4 sắp tới.
Tuấn Bảo
Bình luận