Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 16:11
Thứ năm, 29/06/2023 07:06
TMO - Trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, sự suy giảm nguồn lợi và tài nguyên biển và tác động của biến đổi khí hậu, những năm qua, Việt Nam đã tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên.
Vùng bờ là vùng tương tác của đất và biển, chịu tác động của các quá trình sinh học và vật lý cả trên biển và đất liền, được xác định là khu vực quan trọng cho quản lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Nhiều ngành kinh tế sử dụng vùng bờ để phát triển. Đây cũng là nơi sinh sống của hàng triệu cư dân. Quản lý tổng hợp vùng bờ là phương thức quản lý nhằm tối ưu hóa lợi ích của tài nguyên này.
Vùng biển ven bờ Việt Nam có tổng trữ lượng hải sản ước tính khoảng 407 nghìn tấn, chiếm 10% tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản toàn vùng biển, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong nghề cá, là nơi có các bãi giống, bãi đẻ, bãi con non, bãi ươm dưỡng các loài thủy sản... Tiềm năng diện tích cho phát triển nuôi trồng thủy sản ven bờ khoảng 153.300 ha nuôi vùng bãi triều ven biển (nuôi cá biển, nhuyễn thể…); 79.790 ha diện tích tiềm năng nuôi tại vũng, vịnh, eo ngách và ven đảo; 67.000 ha tiềm năng nuôi trên các vùng biển ven bờ khác.
Dọc theo bờ biển nước ta có 114 cửa sông, 12 đầm phá, 50 vũng/vịnh, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhiều hệ sinh thái, sinh cảnh ven biển và ven bờ quan trọng như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và các vùng đất ngập nước khác. Đến nay, đã thống kê được hơn 200 điểm rạn san hô, với tổng diện tích khoảng 110.000 ha. Hệ sinh thái thảm cỏ biển có diện tích khá lớn (trên 20.000 ha theo ước tính vào năm 2010), tập trung nhiều ở một số cửa sông, đầm phá miền Trung. Rừng ngập mặn trải dài từ Quảng Ninh đến Kiên Giang và ở một số eo, vụng ven các đảo lớn, phân bố chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (81,23%), tiếp theo là vùng Đồng bằng Sông Hồng (17,71%).
Về đa dạng sinh học biển, có trên 11.000 loài sinh vật, trong đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy; 2.458 loài cá với trên 100 loài cá kinh tế; 653 loài rong biển; 657 loài động vật nổi; 537 loài thực vật nổi; 94 loài thực vật ngập mặn; 225 loài tôm biển; 14 loài cỏ biển; 15 loài rắn biển; 25 loài thú biển; 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước. Các đầm phá, vũng và vịnh của Việt Nam có mức độ đa dạng sinh học cao với trên 1.100 loài thủy sinh vật trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế, giá trị bảo tồn.
Về khoáng sản vùng ven biển và các đảo của Việt Nam, đã xác định được trên 300 mỏ và điểm quặng, điểm khoáng có hóa sắt, trên 59 mỏ điểm quặng titan. Trữ lượng titan - ilemenit (bao gồm cả zircon, monazite...) khoảng 600 triệu tấn, trữ lượng cát thủy tinh của 13 mỏ đã được thăm dò khoảng 144 triệu m3. Ngoài ra vùng ven biển cũng tập trung nhiều loại khoáng sản khác như than đá, đá vôi, xi măng, sét, đá ốp lát...
Đất ven biển vào khoảng 4.594.960 ha, được khai thác phù hợp cho các mục tiêu phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và sản xuất; đặc biệt các vùng đất phù sa được bồi đắp quanh năm góp phần tạo nên một hệ thống nông nghiệp trù phú vùng ven biển. Nước mặt phân bố tại 12 đầm phá và vịnh lớn, 112 cửa sông, hệ thống kênh đào phong phú và hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác dọc bờ biển, rất có giá trị đối với nuôi trồng thủy sản của Việt Nam.
Mạng lưới sông và hồ thủy lợi rộng lớn vùng ven biển, với diện tích khoảng 1,7 triệu ha, cũng có tiềm năng lớn cho nuôi trồng thủy sản. Nguồn nước dưới đất của Việt Nam cũng rất dồi dào, với trữ lượng tiềm năng khoảng 60 tỷ mét khối mỗi năm...Tất cả các giá trị tài nguyên, sinh thái nêu trên đã mang lại cho vùng bờ tiềm năng to lớn để phát triển các ngành kinh tế biển và kinh tế - xã hội ở vùng bờ, đồng thời là những đối tượng cần bảo tồn, bảo vệ.
Giá trị tài nguyên, sinh thái của vùng bờ được thể hiện qua các lớp dữ liệu về khu bảo tồn, vườn quốc gia, di sản thiên nhiên, công viên địa chất, sinh thái biển, khu dự trữ sinh quyển, các sinh cảnh quan trọng như thảm cỏ biển, rạn san hô, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, đầm phá và các vùng đất ngập nước, các bãi tôm, cá, khu vực tập trung các loài hải sản, các vườn ươm, khu vực bảo vệ, tái tạo nguồn lợi hải sản và sinh vật thủy sinh, là đầu vào cho phân vùng và quy hoạch sử dụng vùng bờ.
Với tài nguyên vùng bờ phong phú, giá trị cao Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lực này.
Tuy nhiên, quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên cùng với tốc độ đô thị hóa cao và tác động kết hợp của biến đổi khí hậu dẫn đến sự biến động phức tạp về chất lượng môi trường vùng bờ. Nguồn lợi hải sản ở vùng ven bờ có dấu hiệu bị khai thác quá mức, do tăng nhanh số lượng tàu thuyền đánh cá nhỏ. Diện tích các rạn san hô giảm khoảng 15 - 20% trong 15 năm trở lại đây, một số rạn bị suy thoái nặng. Diện tích rừng ngập mặn giảm liên tục từ năm 1943 đến năm 2001; sau đó có xu hướng tăng, từ 51.791 ha năm 2001 lên khoảng 214.081 ha năm 2019, chủ yếu là diện tích các vùng trồng mới.
Do cấu trúc hoàn lưu ven biển, tương tác sông - biển thay đổi, các hệ sinh thái biển quan trọng đều bị suy thoái, thu hẹp diện tích, các quần đàn có xu hướng di chuyển ra xa bờ hơn, đa dạng sinh học giảm. Đã có khoảng 100 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 100 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Sự chuyển dịch lớn từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, từ đất trồng trọt sang đất nuôi trồng thủy sản làm gia tăng mức độ xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng. Biến đổi khí hậu, thay đổi thời tiết đã làm gia tăng diện tích đất bị mặn, khô hạn, hoang hóa, ngập úng, xói mòn, rửa trôi, sạt lở.
Kết quả quan trắc môi trường cho thấy vẫn tồn tại nguy cơ cao ô nhiễm cục bộ và theo thời điểm đối với nước biển ven bờ. Lượng nước và phù sa đổ vào Biển Đông hàng năm nhiều, lớn nhất là từ các hệ thống sông của Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, bổ sung nguồn dinh dưỡng cho biển, song cũng đưa vào biển không ít chất gây ô nhiễm trong đó có rác thải nhựa. Nước dưới đất tại các khu vực ven biển đang có xu hướng giảm về trữ lượng; mực nước hạ xuống ở mức đáng báo động tại nhiều tỉnh, thành phố ven biển. Ở một số khu vực miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long, nước dưới đất bị nhiễm mặn. Tại một số khu vực cửa sông, ven biển có dấu hiệu tích tụ hóa chất bảo vệ thực vật và kim loại nặng trong trầm tích biển ven bờ.
Trước những tác động trên, nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tài nguyên vùng bờ ở nước ta, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến mục tiêu đến năm 2030: Phát triển bền vững vùng bờ dựa trên sự nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác, sử dụng tài nguyên theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; cải thiện sinh kế và mức sống của cộng đồng dân cư ven biển gắn với bảo tồn và phát triển giá trị tự nhiên, sinh thái, văn hóa; giữ vững trật tự xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh.
Quản lý, bảo vệ hiệu quả các hệ sinh thái tự nhiên hiện hữu ở vùng bờ; phục hồi, tăng diện tích các khu bảo tồn trên các vùng đất ven biển và vùng biển ven bờ thuộc vùng bờ, để đóng góp vào mục tiêu đạt tối thiểu 6% diện tích các khu bảo tồn biển và ven biển. Hoàn thành việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; hoàn chỉnh hệ thống đê, kè và các hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng ven biển nhằm tăng khả năng chống chịu, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng bờ; quản lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền, ô nhiễm rác thải nhựa ở vùng bờ góp phần giảm 75% rác thải nhựa trên biển, 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa trong phạm vi vùng bờ, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa ở vùng bờ được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ở vùng bờ có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường.
Tầm nhìn đến năm 2050, vùng bờ Việt Nam được quản lý, khai thác hiệu quả, bền vững, bảo đảm môi trường trong lành, an toàn và các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử, sinh thái, cảnh quan được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo; đóng góp quan trọng cho nền kinh tế và đem lại phúc lợi cao cho cộng đồng dân cư ven biển; góp phần bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, chủ quyền của đất nước và đưa nước ta trở thành quốc gia thịnh vượng từ biển.
Phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ là giải pháp quan trọng nhằm khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên.
Để khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, dự thảo Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu bật nhiệm vụ phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ. Theo đó, phân vùng g khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ Việt Nam được xác định theo 4 vùng, phù hợp với định hướng phát triển các vùng kinh tế biển và ven biển đã xác định trong Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm: Vùng bờ phía Bắc (Quảng Ninh - Ninh Bình); Vùng bờ Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ (Thanh Hoá - Bình Thuận); Vùng bờ Đông Nam Bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh); Vùng bờ Tây Nam Bộ (Tiền Giang - Cà Mau - Kiên Giang).
Đối với vùng ven biển phía Bắc: Tiếp tục đầu tư mở rộng Khu bến cảng Lạch Huyện trở thành khu bến cảng container hiện đại, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của khu vực miền Bắc; Phát triển khu vực Hạ Long - Bãi Tử Long - Vân Đồn và Cát Bà - Đồ Sơn trở thành các khu du lịch biển cấp quốc gia gắn chặt với bảo tồn, bảo vệ các hệ sinh thái biển, di sản, giá trị tự nhiên thiên và văn hoá - lịch sử, đặc biệt là vịnh Hạ Long và Khu dự trữ sinh quyển vườn quốc gia Cát Bà. Xây dựng và phát triển kinh tế vùng ven biển của các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình đồng bộ theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao, trong đó chú trọng phát triển phát triển 4 nhóm ngành: công nghiệp ven biển; du lịch biển; kinh tế hàng hải; nuôi trồng và khai thác hải sản.
Đối với vùng ven biển Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ: Khuyến khích lấn biển tại một số vùng, khu vực thích hợp nhằm tăng không gian, quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố có biển, nhưng không làm suy thoái, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, tính đa dạng sinh học, giá trị của hệ sinh thái và giá trị văn hóa - lịch sử tại vùng bờ... Đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển Nghi Sơn và Hòn La để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Bắc Trung Bộ và nhu cầu bảo tồn các giá trị tự nhiên, sinh thái trong vùng; tạo sự kết nối với các nhà máy trong các khu công nghiệp, khu kinh tế và vận chuyển hàng hóa từ Lào, các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và các khu vực khác của Việt Nam về các cảng trong vùng. Xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển theo hướng tiếp cận mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển các ngành sửa chữa và đóng tàu, lọc hóa dầu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ phù hợp với năng lực chịu tải môi trường.
Đối với vùng bờ Đông Nam Bộ: Đầu tư phát triển khu du lịch Long Hải - Phước Hải, Hồ Tràm, Cần Giờ thành các khu du lịch quốc gia gắn kết với phát triển đô thị ven biển theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, đồng bộ về cơ sở hạ tầng, vận hành hiệu quả bằng công nghệ cao và hài hòa với môi trường trên cơ sở phát huy các lợi thế, tiềm năng của vùng và những nền tảng đã thiết lập. Phát triển đồng bộ về cơ sở hạ kết nối các khu bến thuộc cảng biển TP. Hồ Chí Minh...
Đối với vùng bờ Tây Nam Bộ: Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng đường giao thông ven biển tạo kết nối với các vùng trọng điểm kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, mặn - lợ tại các vùng nước ven biển và biển ven bờ của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn gắn với xây dựng đồng bộ các nhà máy, cơ sở chế biến, bảo quản các sản phẩm thủy sản.
Xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Định An, Năm Căn và các khu công nghiệp ven biển theo hướng tiếp cận mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ cao thân thiện với môi trường. Phát triển khu du lịch Năm Căn - Mũi Cà Mau (Cà Mau) và Hà Tiên (Kiên Giang) thành khu du lịch cấp vùng và quốc gia gắn với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử. Khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ven biển gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và ổn định bờ biển, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng...
Trần Hoàng
Bình luận