Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 06:01
Thứ sáu, 28/10/2022 13:10
TMO - Phát huy những lợi thế của địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đang tập trung phát triển các sản phẩm thủy sản chủ lực như tôm, cua...trên nền tảng liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng. Qua đó, hướng tới mục tiêu thuỷ sản tiếp tục giữ vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, qua đó nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Theo kế hoạch, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) của tỉnh Cà Mau tiếp tục đạt trên 1 tỷ USD. Để duy trì lợi thế cạnh tranh, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc tập trung phát triển mô hình lúa-tôm, nuôi tôm - rừng sinh thái, chất lượng cao. Toàn tỉnh hiện có hơn 300.000 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 280.000 ha nuôi tôm nước lợ.
Trong số đó, vùng lúa-tôm của tỉnh khoảng hơn 40.000 ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Thới Bình, một phần của huyện Trần Văn Thời, U Minh, Cái Nước và thành phố Cà Mau. Ở những vùng chuyên canh nêu trên, vào mùa hạn (mùa nắng), người dân nuôi tôm kết hợp thuỷ sản khác, còn vào mùa mưa nông dân rửa mặn đồng lúa để gieo trồng lúa kết hợp nuôi tôm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, mới đây tại huyện Thới Bình, Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union) đã trao chứng nhận đạt chuẩn ASC Group cho gần 565ha tôm sú được nuôi xen canh trên đất trồng lúa tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình. Đây không chỉ là diện tích tôm sú được nuôi trên đất lúa đạt chứng nhận ASC Group đầu tiên tại Việt Nam mà còn là đầu tiên của thế giới.
Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản của địa phương
Việc đạt được chứng nhận ASC Group là bước khởi đầu, tạo tiền đề cho tỉnh Cà Mau trong việc đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có hơn 40.000ha lúa - tôm đạt được một trong các chứng nhận quốc tế về ASC Group và một số chứng nhận về hữu cơ khác. Đồng thời, góp phần đưa sản phẩm tôm sú Cà Mau đến được hầu hết thị trường khó tính trên thế giới, góp phần nâng cao giá trị không chỉ với con tôm sú địa phương mà còn nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân.
Đối với mô hình nuôi tôm - rừng sinh thái, chất lượng cao. Hiện đã có hơn 19.000 ha nuôi tôm sinh thái được các tổ chức chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế như: Naturland, EU Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP… Sản phẩm được nhiều thị trường cao cấp ưa chuộng và đánh giá cao.
Ngành tôm Cà Mau chiếm 80% trong tổng giá trị sản xuất, và chiếm 49% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh này. Toàn tỉnh hiện có 30 doanh nghiệp với 32 nhà máy chế biến xuất khẩu tôm, được đầu tư công nghệ và các thiết bị hiện đại, công suất đạt hơn 250.000 tấn tôm nguyên liệu/năm. Hầu hết các nhà máy đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế như: SA-8000, ISO 26000, ISO-9001, BRC, B.A.P,... Nhờ đó, tôm Cà Mau được xuất khẩu qua hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều mặt hàng đã được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận về ASC, B.A.P, GlobalGAP, EU...
Cùng với tôm, cua biển là một trong những sản phẩm chủ lực cấp tỉnh được ngành nông nghiệp Cà Mau chú trọng phát triển. Diện tích thả cua hàng năm trên địa bàn tỉnh Cà Mau khoảng trên 250.000 ha, sản lượng thu hoạch ước khoảng trên 25.000 tấn. Hình thức nuôi cua chủ yếu kết hợp trong vuông nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi tôm - rừng, tôm - lúa với khoảng 248.000 ha; loại hình nuôi chuyên cua khoảng 2.000 ha, sản lượng cua năm 2021 trên địa bàn tỉnh đạt 25.057 tấn. Hiện nay, Cà Mau có khoảng 70 trại chuyên sản xuất cua giống, 600 trại sản xuất luân phiên giống tôm sú và cua; có 7 tổ hợp tác và HTX ươm, 300 cơ sở ươm nhỏ lẻ.
Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh, nhiều khả năng Cà Mau liên tiếp trong 3 năm liền giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD
Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, 9 tháng của năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) của tỉnh Cà Mau đạt 898,9 triệu USD, bằng 84% kế hoạch, tăng 26,1% so với cùng kỳ tại các nhà máy chế biến. Ngoài ra, xuất nhập khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện nay các đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết với các đối tác nước ngoài đến tháng 12/2022 và đang tiếp tục đàm phán, thỏa thuận ký kết cho các giai đoạn tiếp theo. Giá tôm trong thời gian tới ổn định, ít biến động. Khả năng đây là năm thứ 3 liên tiếp Cà Mau đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 1 tỷ USD.
Đối với mục tiêu về xuất khẩu, Cà Mau phấn đấu nâng cao kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 1,3 tỷ USD/năm; phát triển nuôi tôm siêu thâm canh đạt 5.000 ha, xây dựng chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế cho 30.000 ha tôm - rừng; sản xuất lúa - tôm đạt 45.000 ha; diện tích rừng sản xuất nuôi tôm thâm canh đạt 25.000 ha... Đến năm 2030, giá trị GRDP ngành nông nghiệp đạt gấp 1,5 lần so với năm 2025; củng cố, duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về ngành tôm.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án “Phát triển thuỷ sản bền vững tỉnh Cà Mau”. Theo đó, hướng mục tiêu theo 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm vào phát triển ngành thuỷ sản bền vững, trong đó tập trung cho hội nhập quốc tế sâu rộng, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường thông qua xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng; đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực quản lý và tổ chức sản xuất; phát triển liên kết chuỗi giá trị, tổ chức sản xuất khai thác, nuôi trồng, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu chủ lực…
Dự án ưu tiên tập trung vào 2 hợp phần chính, gồm phát triển kết cấu hạ tầng khai thác hải sản và nuôi trồng thuỷ sản; nâng cao năng lực quản lý, nâng cao giá trị sản phẩm thuỷ sản và được triển khai trên vùng thuộc các huyện: Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển và Trần Văn Thời trong giai đoạn 2022-2025.
Trần Lâm
Bình luận