Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 12:01
Thứ năm, 20/06/2024 14:06
TMO - Theo đánh giá của các chuyên gia, với diện tích trồng dừa lớn, hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh có thể kiếm thêm hàng triệu USD từ việc bán tín chỉ carbon.
Tỉnh Bến Tre hiện có diện tích trồng dừa lớn nhất nước với khoảng 78.000 ha. Theo các nhà nghiên cứu, với diện tích này, Bến Tre có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn CO2 (chưa kể cây trồng dưới tán dừa). Bến Tre có lượng nước ngọt từ ba con sông lớn cung cấp nguồn nước ngọt để nuôi dưỡng rừng dừa xanh tốt, kết hợp nắng gió dồi dào tạo điều kiện để hấp thụ carbon tốt nhất.
Các chuyên gia tại trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu khả năng hấp thụ CO2 của cây dừa qua sinh khối tại huyện Giồng Trôm cho thấy, cây dừa ở Bến Tre có khả năng hấp thụ một lượng CO2 đáng kể. Cụ thể, với 1 ha dừa ở độ 4-10 năm tuổi có khả năng hấp thụ 24,52 – 75,24 tấn CO2 (giống dừa cao) và 20,45 - 69,91 tấn CO2 (đối với giống dừa thấp). Ngoài ra, nếu dưới tán dừa, nông dân có trồng thêm một số cây trồng khác như ca cao, rau màu... có thể gia tăng khả năng hấp thu carbon.
Với khoảng 78.000 ha trồng dừa, Bến Tre có tiềm năng rất lớn tham gia thị trường tín chỉ carbon.
Ngoài 78.000 ha vườn dừa, Bến Tre còn có khoảng 25.000 ha vườn cây ăn quả và gần 7.000 ha rừng ngập mặn có tiềm năng về nguồn cung ứng tín chỉ carbon. Nhận định ngành nông nghiệp rất có tiềm năng tham gia thị trường tín chỉ carbon, cũng như hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã, đang tập trung để tiếp tục phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có để giảm phát thải, khoanh nuôi phục hồi rừng để nâng cao chất lượng và trữ lượng carbon; chủ động phối hợp với các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu tiềm năng, giá trị của thị trường carbon đối với ngành nông nghiệp, nhất là đối với cây dừa và cây lâu năm…
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre sẽ tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ về mặt kỹ thuật, chính sách để thúc đẩy ngành dừa phát triển và giữ vững vị thế, xứng đáng là cây công nghiệp chủ lực của quốc gia. Đồng thời, mở rộng và đẩy mạnh hình thành vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, gắn với chứng nhận mã số vùng trồng để duy trì diện tích sinh khối và tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ đánh giá tiềm năng của tỉnh tham gia thị trường carbon tập trung cho đối tượng cây dừa, cây ăn trái, rừng ngập mặn ven biển, chăn nuôi nhằm xác định tiềm năng tín chỉ carbon, chuẩn bị cơ sở, điều kiện cho tỉnh tham gia thị trường carbon.
Tỉnh Trà Vinh cũng đang xem xét để xét duyệt nhiệm vụ "Xây dựng bản đồ phân bố không gian, ước lượng carbon và khả năng hấp thụ CO2 trên sinh khối cây dừa tỉnh".
Tại tỉnh Trà Vinh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh đang xét duyệt để triển khai nhiệm vụ khoa học-công nghệ về "Xây dựng bản đồ phân bố không gian, ước lượng carbon và khả năng hấp thụ CO2 trên sinh khối cây dừa tỉnh Trà Vinh," từng bước hướng đến tham gia vào thị trường carbon của ngành hàng này. Trong giai đoạn 2022-2025, quá trình nâng cấp chuỗi giá trị ngành hàng dừa, tỉnh xác định việc thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo liên kết để phát triển bền vững các chuỗi sản phẩm dừa trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích trồng dừa đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre. Toàn tỉnh trồng 27.390ha dừa, với sản lượng hàng năm khoảng 444 triệu quả. Địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển liên kết giữa các doanh nghiệp với các hộ trồng dừa nhằm sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển bền vững các chuỗi sản phẩm dừa; khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có thị trường tiêu thụ tốt (trong nước và xuất khẩu), xây dựng nhà máy chế biến và phát triển liên kết với người sản xuất, các cơ sở, hợp tác xã thực hiện thu gom và sơ chế.
Tỉnh thúc đẩy liên kết theo 2 hướng: phát triển vùng nguyên liệu theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và tiêu thụ sản phẩm theo hướng khép kín, lâu dài. Đồng thời cũng khuyến khích liên kết tiêu thụ nguyên liệu hoặc sản phẩm sơ chế, không trực tiếp tham gia phát triển và quản lý vùng nguyên liệu. Hiện nay, tỉnh Trà Vinh đang từng bước khai thác tiềm năng thị trường tín chỉ carbon từ cây lúa. Tỉnh đang thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Trong xu thế phát triển bền vững và giảm lượng khí thải carbon hiện nay, thị trường tín chỉ carbon đang hấp dẫn ngành nông nghiệp nói chung và các vùng chuyên canh dừa ở Việt Nam nói riêng. Ở nước ta, dừa là một trong những cây công nghiệp chủ lực. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn cầu với diện tích khoảng 188.000 ha, chủ yếu tập trung tại Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu ngành dừa đạt 900 triệu USD, năm 2024 kim ngạch xuất khẩu dừa có thể đạt 1 tỷ USD. Từ cây dừa có thể làm thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ… Đáng chú ý, trong bối cảnh Việt Nam cam kết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (net zero) vào năm 2050, giá trị kinh tế của cây dừa sẽ tiếp tục được nâng lên thông qua việc bán tín chỉ carbon. Bởi, 1ha dừa mỗi năm có hấp thụ được 70-75 tấn CO2.
Đức Thiện
Bình luận