Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Chủ nhật, 27/03/2022 19:03
TMO - Được công nhận là khu Ramsar thứ 2.228 của thế giới và thứ 8 của Việt Nam, khu dự trữ sinh quyển thế giới Vườn quốc gia U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.
U Minh Thượng từng là một khu vực căn cứ cách mạng ổn định trải qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ của tỉnh Kiên Giang với 31 di tích lịch sử và văn hóa, trở thành một khu di tích lịch sử đặc biệt của tỉnh. Vườn Quốc gia U Minh Thượng thành lập theo Quyết định số 11/QĐ-TTg ngày 14/1/2002 của Thủ tướng Chính phủ.
Vườn Quốc gia U Minh Thượng được bao bọc bởi hệ thống đê bao khép kín có chiều dài 60km, với khoảng 21.122ha thuộc diện tích tại các xã như An Minh, Minh Thuận Bắc (huyện U Minh Thượng), bao gồm 8.053ha vùng lõi (trong đó 7838ha là khu bảo vệ nghiêm ngặt, 200ha là khu vực kết hợp phục hồi sinh thái và bảo tồn di tích lịch sử, 15ha là phân khu hành chính) và 13.069ha vùng đệm.
Vườn quốc gia U Minh Thượng sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái
Vào ngày 27/10/2006, trong phiên họp thứ 19 được tổ chức tại Paris, UNESCO đã công nhận Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang bao gồm ranh giới biển và đảo là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Trong hệ sinh thái rừng úng phèn của Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ còn duy nhất hệ thực vật rừng của vùng lõi thuộc Vườn Quốc gia U Minh Thượng có những đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh. Đó là các ưu hợp rừng tràm hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn, với diện tích gần 3.000ha.
Hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn trở thành một hệ sinh thái có tầm quan trọng đặc biệt, là nơi nuôi dưỡng, trú ngụ của hàng trăm loài động vật hoang dã, bao gồm cả chim, thú, bò sát, lưỡng cư, cá, côn trùng và nhiều loài thủy sinh vật phân bố ở các độ sâu khác nhau trong hệ sinh thái.
U Minh Thượng sở hữu đa dạng sinh học nhất về các loài thực vật ở đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh sự phát triển của cây tràm, còn có hơn 254 loài thuộc 84 họ, với nhiều loài đặc hữu như phong lan đất, bèo nhọn, cây dương xỉ…
Theo dữ liệu khảo sát từ kiểm kê rừng năm 1995, Khu bảo tồn sinh học U Minh Thượng sở hữu tới 8.053ha rừng nguyên sinh, trong đó có 3.000ha rừng nguyên sinh được hình thành từ khoảng 6.000 năm trước với độ dày từ 0,3-1,5m.
Hệ động vật cũng rất phong phú với 32 loài thuộc 10 họ, 7 chi trong đó có 7 loài dơi, 10 loài được liệt kê trong Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới; 188 loài chim thuộc 39 họ và 12 chi chiếm 16,6% so với 828 loài được ghi nhận ở Việt Nam, trong đó có 12 loài có giá trị bảo tồn, 8 loài đang bị đe dọa trên toàn cầu; 54 loài bò sát lưỡng cư, trong đó có 8 loài được liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam; 34 loài cá, trong đó, hai loài được gọi là: cá trê trắng và cá thác lác được liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam.
Năm 2012, Công viên quốc gia U Minh Thượng đã được công nhận là Công viên di sản ASEAN đầu tiên trên vùng đất than bùn của khu vực Đông Nam Á và là Vườn Quốc gia thứ 5 của Việt Nam được công nhận là Vườn Di sản ASEAN. Năm 2015, Vườn Quốc gia U Minh Thượng được công nhận là khu Ramsar thứ 2.228 của thế giới và thứ 8 của Việt Nam.
Du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia U Minh Thượng được triển khai với nhiều hình thức du lịch, chú trọng đến sự khám phá của du khách
Với những giá trị trên, Ban Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng đã triển khai kế hoạch lồng ghép du lịch sinh thái tại khu vực này. Trong năm 2021, Vườn đón tiếp và phục vụ trên 26.000 lượt du khách đến tham quan du lịch sinh thái. Đến ngày 20/1/2022, Vườn Quốc gia U Minh Thượng chính thức mở cửa đón khách trở lại. Sau 45 ngày mở cửa, trên 11.000 lượt khách đến tham quan.
Thông tin từ Vườn quốc gia U Minh Thượng cho biết, hiện tại Vườn tập trung vào các loại hình du lịch, như du lịch khám phá hệ cảnh quan thiên nhiên rừng tràm trên đất ngập nước úng phèn; khám phá rừng tràm; du lịch vui chơi, giải trí; du lịch tham quan di tích lịch sử kết hợp tham quan cộng đồng cư dân địa phương; du lịch kết hợp với nghiên cứu, giáo dục…
Để từng bước thực hiện phát triển du lịch theo định hướng của Ủy ban Nhân dân tỉnh tỉnh Kiên Giang, Vườn Quốc gia U Minh Thượng tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; đầu tư các hạng mục về cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc tại các tuyến, điểm du lịch trong Vườn.
Bên cạnh đó, Vườn duy trì và tăng cường công tác quản lý về bảo vệ cảnh quan, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải tại các tuyến; xây dựng khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Thượng trở thành điểm du lịch thân thiện, mến khách.
Nga Huyền
Bình luận