Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 16:11
Thứ tư, 21/08/2024 07:08
TMO - Tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cơ sở sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản, trong đó có sản phẩm OCOP.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 2019, Vĩnh Phúc bắt đầu thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, nhiều sản phẩm đã được chứng nhận và phát huy hiệu quả. Sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình OCOP đã và đang tạo luồng gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần khơi dậy tiềm năng, khẳng định thương hiệu cho nông sản địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh có 140 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, xếp hạng, trong đó có 34 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và 106 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Thông qua Chương trình OCOP, nhiều mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn được triển khai theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh khai thác lợi thế nông nghiệp trong phát triển các sản phẩm OCOP.
Là huyện miền núi, địa hình phức tạp, khó canh tác, song với sự năng động, thích ứng với thị trường, nông dân huyện Sông Lô đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, biến cái khó thành động lực tiến tới nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ. Nhờ đó, những sản phẩm OCOP đầu tay đã ra đời, đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con các xã.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành được nhiều vùng sản xuất, nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc trưng, trong đó, có 7 sản phẩm được công nhận, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm: Thanh long ruột đỏ Lộc Thúy Quỳnh; Thanh long ruột đỏ Tân Lập; nước uống đóng chai AQUA Thác Bay; ổi ở Đôn nhân; giò lụa Phương Khoan; cá thính trắm Cao Phong và mật ong Núi Thét.
Với mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn sẽ có từ 10 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, hướng tới mỗi xã có ít nhất 1 sản phẩm OCOP, huyện Sông Lô đang đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP; tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu dựa trên lợi thế và điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán của người dân, phát triển và chuẩn hóa các sản phẩm thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp hiện có; tăng cường xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện để các chủ thể OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm...
Tại huyện Tam Dương, trên địa bàn huyện đã hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc trưng; 7 sản phẩm được công nhận, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. hiện nay, huyện Lập Thạch có 11 sản phẩm của 8 chủ thể được công nhận, phân hạng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Năm 2024, huyện Lập Thạch tiếp tục quan tâm làm tốt các sản phẩm lợi thế hiện có và thực hiện công tác đánh giá, phân hạng 10 sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP. Hiện thực hóa mục tiêu này, huyện đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia. Đồng thời, tập trung hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý kinh doanh; nâng cấp và hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng, xây dựng thương hiệu, hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình...
Là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện Chương trình OCOP, những năm qua, các sản phẩm đặc trưng của huyện Tam Đảo không ngừng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Đến nay, toàn huyện có 25 sản phẩm OCOP được đánh giá đạt chất lượng 4 sao và 3 sao. Được gắn sao OCOP, các sản phẩm đều có thêm cơ hội xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm từ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu tại Trung tâm Giao dịch giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, làng nghề tỉnh Vĩnh Phúc, các gian hàng giới thiệu, cung cấp các sản phẩm OCOP, hội chợ triển lãm, hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh, việc phát triển các sản phẩm OCOP tại các địa phương còn nhiều khó khăn, hạn chế. Qua khảo sát thực tế ở các huyện miền núi của tỉnh cho thấy, khó khăn trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP chính là năng lực sản xuất, khả năng chuẩn hóa chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ nên việc tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cũng gặp khó khăn.
Nguyên nhân là do một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao nhưng khó mở rộng vùng nguyên liệu, quy mô sản xuất; chất lượng, quy cách mẫu mã sản phẩm hạn chế, thiếu sức cạnh tranh; hầu hết các chủ thể sản xuất chưa có sự chủ động, linh hoạt phù hợp với sản xuất quy mô lớn, quảng bá sản phẩm để đẩy mạnh khâu tiêu thụ. Các sản phẩm hiện đang duy trì ở quy mô cấp hộ gia đình, chưa có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ. Bên cạnh đó, công nghệ chế biến, bảo quản chưa đáp ứng được yêu cầu khiến các sản phẩm trên chủ yếu mang tính thời vụ, chưa thể đáp ứng được các đơn hàng lớn, liên tục...
Để mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp căn cơ, mang tính định hướng lâu dài. Trong đó, tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP có mặt tại các gian hàng trưng bày tại các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, quảng bá, kinh doanh sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, tập trung công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các chủ thể; xây dựng, đề nghị ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ về quảng bá sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu sản phẩm; hợp tác với các tỉnh, thành trong nước và các nước triển khai Chương trình OCOP để trao đổi kinh nghiệm và quảng bá, bán, xuất khẩu các sản phẩm OCOP đến các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài.
Đáng chú ý, cuối tháng 12/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 51 về “Hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đến năm 2025” với mức hỗ trợ chi phí xây dựng và đăng ký nhãn hiệu tối đa 35 triệu đồng/nhãn hiệu và hỗ trợ 1 lần chi phí in ấn tem nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm đối với các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình OCOP có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên. Việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình hỗ trợ sản phẩm OCOP đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần nâng cao sức cạnh tranh, giúp các sản phẩm OCOP có sức hấp dẫn hơn với người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn.
Việc mở rộng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản tại các địa phương.
Để khơi dậy tiềm năng và thúc đẩy phát triển nông sản địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia tiếp thị giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh cũng như thông qua hoạt động thương mại điện tử, các điểm giới thiệu sản phẩm, liên kết với khu du lịch trên địa bàn.
Các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được mở rộng, giúp cho người dân và du khách thuận tiện hơn trong mua sắm sản phẩm OCOP, các sản phẩm nông sản chất lượng cao của tỉnh; đặc biệt, các chủ thể OCOP sẽ không còn phải tìm kiếm khách hàng riêng lẻ, thay vào đó là có một ngôi nhà chung - là kênh giới thiệu sản phẩm hữu hiệu.
Việc nhân rộng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh sẽ là kênh giới thiệu và quảng bá những sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến với đông đảo người dân cũng như khách du lịch, tăng thêm niềm tin cho người tiêu dùng, qua đó, sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của địa phương từng bước được người tiêu dùng nhận diện, lựa chọn sử dụng.
Ðể tiếp tục phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP một cách hiệu quả, Sở Công Thương Vĩnh Phúc nhấn mạnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đầu tư công nghệ hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mở thêm nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, Sở Công Thương sẽ là đầu mối kết nối các sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, hệ thống thương mại trên địa bàn giúp các sản phẩm OCOP đến gần với người dân hơn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết 4/2024 cả nước hiện có hơn 13.000 sản phẩm OCOP, trong đó gần 74% sản phẩm đạt 3 sao, gần 25% sản phẩm đạt 4 sao, 0,3% sản phẩm đạt 5 sao và còn lại là sản phẩm có tiềm năng 5 sao.
Chương trình OCOP đã thu hút hơn 7.400 chủ thể tham gia, bao gồm hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và tổ hợp tác. Riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 2.000 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Để tạo được thành tích này đều nhờ vào sự nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất của người dân Đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất theo yêu cầu của người tiêu dùng, cải tiến mẫu mã, bao bì song song với cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt là gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch của các địa phương. Khi các khu vực nông thôn phát triển và khởi sắc, đó là minh cho sự tiến bộ trong việc thay đổi tư duy sản xuất, mới đạt được kết quả hiện nay.
Có thể thấy, Chương trình OCOP đã góp phần quan trọng trong chuyển đổi tư duy từ sản suất nông nghiệp thủ công, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ. Các chủ thể OCOP đẩy mạnh việc đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đầu tư mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm. nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, tiếp cận thị trường xuất khẩu hướng đến cả những thị trường khó tính, có giá trị cao.
Các khu vực nông thôn đã và đang hình thành nhiều vùng du lịch OCOP cùng với phát triển nhiều loại sản phẩm hàng hóa góp phần phục vụ phát triển du lịch của các địa phương như ẩm thực, chữa bệnh, làm đẹp, hàng tiêu dùng, quà lưu niệm… Sản phẩm OCOP cũng đã bước đầu khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, đặc biệt là dịch vụ du lịch nông thôn. Sản phẩm OCOP có ảnh hưởng ngày một lớn, có sức tiêu thụ tốt, nên được nhiều doanh nghiệp thương mại, siêu thị lớn đặt hàng đưa vào hệ thống phân phối ổn định.
Thanh Nga
Bình luận