Hotline: 0941068156
Thứ năm, 13/02/2025 21:02
Thứ năm, 13/02/2025 13:02
TMO - Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước.
Với vị trí địa lý thuận lợi, gần trung tâm Hà Nội, đồng thời gần kề các khu vực phát triển như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Ninh, giúp tỉnh Hưng Yên trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong những năm gần đây, tỉnh đã đưa vào khai thác một số dự án giao thông lớn, tiêu biểu như đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình, giúp tối ưu hóa kết nối giữa các vùng kinh tế trọng điểm. Dự án đường nối Hưng Yên - Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, rút ngắn thời gian hành trình và thúc đẩy giao thương.
Ngoài ra, các tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan đang triển khai xây dựng và đường Vành đai 4 vùng Thủ đô hứa hẹn sẽ mở rộng không gian phát triển cho tỉnh. Đặc biệt, dự án đường Kết nối di sản nhằm liên kết các điểm du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái, là một điểm nhấn quan trọng để Hưng Yên phát huy tiềm năng du lịch. Vị trí địa lý chiến lược cùng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại, Hưng Yên không chỉ là nơi giao thoa kinh tế mà còn có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp, thương mại và du lịch. Ðể phát huy tiềm năng, lợi thế, tỉnh tập trung nguồn lực cho công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, thu hút đầu tư.
Ban Quản lý các KCN tỉnh tăng cường đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Năm 2024, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên (Ban Quản lý) đã tâp trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện nhiệm vụ chính trị trên tất cả các lĩnh vực được phân cấp; đặc biệt tăng cường đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Xây dựng phát triển hạ tầng KCN xây dựng hạ tầng KCN được khoảng 629 ha, bằng 252% kế hoạch năm; thu phí, lệ phí: 268 triệu đồng, bằng 231% so với kế hoạch năm; tạo việc làm mới cho khoảng 4.000 lao động, bằng 160% kế hoạch năm.
Về thu hút đầu tư: Tổng vốn đầu tư thu hút vào các KCN năm 2024 (cấp mới và điều chỉnh) đạt 770 triệu USD và 11.579 tỷ đồng (tương đương 1.233 triệu USD), bằng 123,3 % so với kế hoạch đã đề ra. Trong đó: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho 1 dự án đầu tư hạ tầng KCN với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.095 tỷ đồng. Lũy kế đến hết năm 2024, trong các KCN có 635 dự án đầu tư thứ cấp còn hiệu lực (360 FDI và 275 DDI), với tổng vốn đầu tư vốn đăng ký 6.970 triệu USD và 44.896 tỷ đồng, tổng diện tích đất đã cho thuê lại 1.324 ha (tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,6%).
Về triển khai dự án: Trong năm 2024,các KCN của Tỉnh có thêm KCN số 03 (quy mô 159,71 ha) đi vào hoạt động, nâng tổng số các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đi vào hoạt động là 10 KCN, với tổng diện tích đất là 2.773,38 ha. Tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư trong các KCN năm 2024 ước đạt 460 triệu USD và 5.020 tỷ đồng; trong đó, các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN là 110 triệu USD và 1.620 tỷ đồng, các dự án đầu tư thứ cấp là 350 triệu USD và 3.400 tỷ đồng.
Công tác đầu tư hạ tầng KCN: Năm 2024 các KCN đã thực hiện xây dựng hạ tầng KCN được khoảng 629 ha, bằng 252% kế hoạch năm. Công tác quản lý môi trường: Năm 2024 các KCN của Tỉnh có thêm 4 KCN hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, bằng 133% kế hoạch năm. Cùng với đó, Ban Quản lý các KCN đã xây dựng kế hoach tổ chức giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 34 dự án; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chứ khảo sát công tác bảo vệ môi trương đối 06 dự án, đảm bảo mục tiêu kế hoạch.
Công tác quản lý đầu tư: Ban Quản lý đã xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát đầu tư hoàn thành giám sát đối với 60 dự án, đảm bảo kế hoạch đề ra. Đồng thời chủ trì phối hợp với các ngành tổ chức giám sát 04 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, đảm bảo đúng kế hoạch. Công tác quản lý quy hoạch: Hoàn thành xây dựng phương án Quy hoạch phát triển các KCN Tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào Quy hoạch Tỉnh theo quy định. Phương án Quy hoạch phát triển các KCN trong Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10/6/2024. Trong đó, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 35 KCN được quy hoạch phát triển, với diện tích 12.048,63 ha.
Lập, điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng đối với 9 KCN. Hiện đã có 5 KCN đã được UBND Tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và dự toán lập Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/200, trong đó có 2 KCN đã trình thẩm định, phê duyệt Đồ án quy hoạch; 3 KCN đang hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt. 4 KCN còn lại đang xác định ranh giới, và lập nhiệm vụ quy hoạch.
Sản xuất các mặt hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Kydo Việt Nam có vốn đầu tư Hàn Quốc (Khu công nghiệp Phố nối A, Hưng Yên). Ảnh: PK.
Theo Quyết định số 489/2024/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển khu công nghiệp đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050, tỉnh Hưng Yên có 35 khu công nghiệp, tổng diện tích hơn 12.000 ha. Hiện nay, tỉnh đã có 12 khu công nghiệp, quy mô diện tích hơn 3.123 ha; trong đó, 10 khu công nghiệp (khoảng 2.773 ha) đã đi vào hoạt động, tiếp nhận dự án đầu tư thứ cấp.
Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên sẽ tập trung mọi nguồn lực với mức độ ưu tiên cao nhất để lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh đi đôi với xây dựng xã hội ổn định, hài hòa và bảo vệ môi trường sinh thái; tập trung cao độ hơn nữa cho bổ sung, hoàn thiện, tháo gỡ vướng mắc trong hệ thống pháp luật, tạo đột phá phát triển của tỉnh trong tình hình mới. Cùng với đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các công trình, dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hệ thống giao thông, các công trình, dự án quy mô lớn, trọng điểm mang tính kết nối, có sức lan tỏa rộng, mở rộng không gian phát triển.
Đồng thời, phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao gắn với đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, hình thành các khu đô thị lớn, sinh thái, hiện đại và phát triển kinh tế đô thị, thương mại, dịch vụ. Song song đó, tĩnh cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh kỳ vọng xây dựng một môi trường kinh doanh không chỉ thuận lợi mà còn mang tính cạnh tranh cao so với các địa phương khác.
Đức Toàn
Bình luận