Hotline: 0941068156
Thứ năm, 24/04/2025 06:04
Thứ ba, 22/04/2025 13:04
TMO - Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên địa bàn TP. Huế đạt được nhiều kết quả nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số.
Thực hiện Đề án Chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm) đã ứng dụng nhiều công nghệ số hiện đại, tạo bước đột phá trong quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa như: Hệ thống vé tham quan điện tử; ứng dụng di động phục vụ khách tham quan tại Đại Nội Huế (App Di tích Huế); định danh cổ vật và triển lãm số; ứng dụng công nghệ VR 360 một số địa điểm di tích; hệ thống quét mã QR tra cứu thông tin một số cổ vật, địa điểm đã được số hóa; hệ thống thuyết minh tự động (Audio Guide); số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản…
Từ tháng 11/2022, Trung tâm đã khai trương Hệ thống vé điện tử Quần thể Di tích Cố đô Huế nhằm hỗ trợ người dân và du khách mua vé điện tử một cách thuận thuận tiện và thanh toán không dùng tiền mặt. Hệ thống hoạt động 24/7 phục vụ công tác bán vé. Đến nay, ứng dụng việc bán vé điện tử trên tất cả các điểm tham quan thuộc Trung tâm quản lý.
Hệ thống vé điện tử thuận lợi cho du khách mua vé mọi lúc, mọi nơi, sử dụng một mã vé để tham quan nhiều điểm; dần dần giảm tải lượng khách ùn ứ tại các quầy bán vé truyền thống vào những dịp cao điểm. Hệ thống giúp tiết kiệm nguồn lực phục vụ công tác bán vé, kiểm đếm, thống kê vé truyền thống; giúp đơn vị quản lý cập nhật số liệu vé bán ra, doanh thu, lượt khách tham quan theo thời gian thực.
Đại Nội Huế với diện tích lên đến hơn 32.000 m2, là một quần thể rộng lớn bao gồm nhiều di tích, hệ thống các trục đường trong Hoàng cung Huế không có tên gọi. Điều này gây khó khăn cho du khách lần đầu tham quan, nếu không có hướng dẫn viên thì khó có thể đi hết các điểm cũng như định vị được vị trí của mình trên bản đồ giấy.
Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm đã triển khai ứng dụng Di tích Huế (App di tích Huế) với chức năng chính của ứng dụng này là hỗ trợ chỉ đường cho du khách trong phạm vi Hoàng Cung Huế. Qua ứng dụng này, du khách được trang bị một hành trang đầy đủ và tiện lợi để tham quan Hoàng Cung Huế. Đối với du khách nước ngoài có thể lựa chọn, chuyển đổi các ngôn ngữ trong quá trình sử dụng app chỉ đường tham quan, bao gồm: Anh, Nhật, Pháp, Trung Quốc.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai công nghệ trạm tương tác thông minh nhằm mang lại những trải nghiệm độc đáo cho du khách.
Khi muốn tìm hiểu các công trình lịch sử ở đây, du khách tham quan, nhất là khách lẻ quốc tế và khách sử dụng ngôn ngữ hiếm sẽ được hệ thống thuyết minh tự động (Audio Guide) cung cấp nguồn thông tin di sản một cách chuẩn xác với 12 thứ tiếng được phiên dịch. Hiện nay, các điểm tham quan trong khuôn viên Đại Nội có bố trí mã QR để khách tham quan có thể quét hoặc bấm số để nghe thuyết minh tại địa điểm đó. Ngoài ra, Audio guide còn được bố trí tại lăng Minh Mạng, lăng Khải Định, lăng Tự Đức.
Tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, 10 cổ vật Triều Nguyễn được gắn chip NFC và được định danh bằng công nghệ Nomion – Định danh số vạn vật, đảm bảo tính minh bạch, độc bản của sản phẩm cả trên không gian thực và số. Theo đó, những cổ vật đã được định danh số sẽ đồng thời được trưng bày trên không gian số.
Chỉ cần truy cập vào địa chỉ https://museehue.vn, bạn sẽ được tham quan, chiêm ngưỡng trọn vẹn 360 độ sắc nét của vật phẩm, tương tác đa chiều và trải nghiệm câu chuyện lịch sử hấp dẫn trong không gian lịch sử, văn hóa chân thực. Trong năm 2024, Trung tâm đã scan, số hóa 3D và định danh 207 cổ vật triều Nguyễn, thí điểm ứng dụng chip NFC và công nghệ blockchain để xác thực giá trị sở hữu số. Đây là bước đi tiên phong tại Việt Nam, gắn kết cổ vật vật lý với phiên bản số, giúp chống làm giả và tăng tính tương tác. Thông qua các sản phẩm blindbox arttoy, Trung tâm đã mở ra một hướng đi mới cho công nghiệp văn hóa dựa trên di sản.
Cũng trong năm 2024, Di tích Hải Vân Quan cũng được số hóa bản đồ du lịch 3D, mang đến hành trình khám phá mới lạ, kết hợp giữa lịch sử và công nghệ hiện đại tại thắng cảnh được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” này.
Du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để chạm vào bảng check-in gắn chip NFC tại các điểm tham quan, từ đó truy cập ngay thông tin về từng khu vực, sự kiện lịch sử và giá trị văn hóa của mỗi điểm tại Hải Vân Quan. Đây không chỉ là việc cung cấp thông tin mà còn là cách để người tham quan thực sự hòa mình vào dòng chảy lịch sử, cảm nhận rõ nét từng khoảnh khắc mà nơi đây đã trải qua và ghi dấu.
Bản đồ du lịch số 3D còn mở ra khả năng khám phá từ xa, cho phép người dùng tương tác với 9 điểm di tích quan trọng của Hải Vân Quan ở bất cứ đâu trên thế giới. Công nghệ số đã đưa di sản Huế vượt qua giới hạn về không gian và thời gian, đưa trải nghiệm di sản lên tầm cao mới.
Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản đã không dừng lại ở việc đơn giản là đưa dữ liệu lên internet, mà phải để di sản được tiếp cận dưới nhiều hình thức khác nhau trên môi trường số, tạo ra giá trị gia tăng từ di sản và cho di sản. Từ đây, du khách có cơ hội trải nghiệm, khám phá di tích, hiện vật theo cách này không chỉ được ngắm nhìn một cách chân thực, mà còn được sống trong di sản thông qua những tương tác thực tế, thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa từ quá khứ đến hiện đại.../.
Lê Hằng
Bình luận