Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 02:01
Thứ sáu, 27/05/2022 12:05
TMO - Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, tuy nhiên chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản khu vực này chưa đáp ứng được yêu cầu và chi phí logistics của vùng đang cao nhất, chiếm tới 30% giá thành sản phẩm.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước.
ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, hoàn thiện dịch vụ logistics sẽ tạo đầu ra bền vững cho nông sản
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, hằng năm ĐBSCL có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn hàng hóa. Mặc dù có hệ thống kênh rạch dày đặc nhưng đặc trưng luồng lạch khác biệt dẫn tới vận tải thủy nội địa hạn chế phương tiện, không vận dụng được tối đa tải trọng cho phép.
Vùng còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng. Hệ thống kho và các cảng hệ thống cảng biển còn thiếu, nhất là các cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Do đó, hàng hóa nói chung, hàng nông sản nói riêng phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và đưa lên TP HCM để xuất đi nơi khác.
Trong đó, 70% lượng hàng hóa này phải truyền tải đến các cảng lớn ở TPHCM và cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu) khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 - 40%, tùy theo từng chuyến, ảnh hưởng rất lớn đến sự cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), 13 tỉnh Đồng bằng hiện chỉ có 1.461 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng 4.39% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước; trong đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp rất hạn chế, chủ yếu là các doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp tự cung cấp hạ tầng logistics cho sản phẩm của mình, điều này làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh của nông sản Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và nông sản Việt nói chung.
Thu hút đầu tư logistics vào vùng ĐBSCL nhằm kết nối hàng hóa từ nơi sản xuất đến tiêu thụ nhanh, giảm chi phí
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng để hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long, thời gian tới cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tập trung vào quy hoạch logistics toàn vùng, hoàn thiện thể chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư trong hoạt động logistics.
Hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ logistics; đẩy mạnh phát triển những trung tâm logistics phục vụ hàng nông sản với những dịch vụ chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng.
Ngoài ra, cần tăng cường liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng nông sản, giữa các công ty logistics như chia sẻ hàng hóa, qua đó cân đối luồng hàng vận chuyển 2 chiều nhằm nỗ lực tiết kiệm chi phí logistics cho khách hàng. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, chất lượng nguồn nhân lực logistics, hiện đại hóa hoạt động sản xuất, chế biến và hoạt động dịch vụ logistics.
Để phát triển logistics trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay cần phải xây dựng được các trung tâm logistics lớn, các doanh nghiệp logistics lớn đủ tiềm lực để khép kín hệ sinh thái logistics với giải pháp tích hợp đầu cuối từ vận tải quốc tế bằng đường biển sang logistics nội địa với hệ thống kho bãi, môi giới hải quan, công nghệ vận tải đường bộ, qua đó giúp tiết kiệm được chi phí nhờ quy mô.
Đức Minh
Bình luận