Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ sáu, 19/04/2024 05:04
TMO - Bộ Công Thương đã hoàn thành xây dựng cơ chế mua bán điện khí để báo cáo Chính phủ nhằm triển khai thực hiện phát triển điện khí theo Quy hoạch điện VIII thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Công Thương cho biết, từ nay đến năm 2030 nhu cầu điện của đất nước cần khoảng 70.524 MW, gần gấp đôi công suất hiện nay. Về mặt cơ cấu, chúng ta phải chuyển rất mạnh từ nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu và điện khí) sang những loại nhiên liệu thân thiện hơn với môi trường để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Tuy nhiên để giữ được an ninh hệ thống điện, đòi hỏi nguồn điện nền khá lớn và ổn định với khoảng 70% tổng công suất khả dụng. Theo đó, việc phát triển sản xuất điện khí là nhiệm vụ quan trọng.
Bộ Công Thương cho biết đã hoàn thành dự thảo quy định về cơ chế mua bán điện khí để báo cáo Chính phủ trước khi lấy ý kiến rộng rãi. Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, tổng công suất đặt các nguồn điện đến 2030 là 150,489 GW (gần gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay, khoảng 80 GW). Trong đó tổng công suất các nguồn điện khí phải đầu tư xây dựng mới là 30.424 MW (khí trong nước 10 dự án với tổng công suất 7.900 MW và LNG có 13 dự án với tổng công suất 22.824 MW).
Bộ Công Thương đã hoàn thành xây dựng cơ chế mua bán điện khí để báo cáo Chính phủ nhằm triển khai thực hiện phát triển điện khí theo Quy hoạch điện VIII.
Triển khai Quyết định 500/QĐ-TTg, thời gian qua, Bộ Công Thương đã hoàn thiện xây dựng và trình Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Bộ Công Thương đã tổ chức họp nhiều lần để thảo luận lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành, địa phương, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức liên quan. Qua các cuộc họp, các ý kiến đều thống nhất rằng cần thiết phải xây dựng cơ chế phát triển điện khí để báo cáo Chính phủ nhằm giải quyết một số vướng mắc về phát triển loại hình nguồn điện này.
Căn cứ các Chỉ thị, Quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thực hiện chức năng quản lý nhà nước, thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực xây dựng dự thảo quy định về cơ chế mua bán điện khí. Đến thời điểm này, Bộ Công Thương đã hoàn thành dự thảo để báo cáo Chính phủ trước khi lấy ý kiến rộng rãi. Trong đó, đối tượng áp dụng bao gồm Đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện khí đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; Các đơn vị điện lực (Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Đơn vị điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện).
Cơ chế cũng quy định cho nhà máy điện khí sử dụng LNG nhập khẩu theo hướng các doanh nghiệp phải chủ động đàm phán, ký kết và chịu trách nhiệm về các hợp đồng, thỏa thuận thương mại; cơ quan có thẩm quyền đồng ý nguyên tắc cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện của các nhà máy điện. Việc quyết định tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn (Qc) ở mức phù hợp trong thời gian trả nợ của dự án LNG nhằm đảm bảo khả thi trong việc thu hút đầu tư dự án điện khí LNG, tránh tác động mạnh lên giá bán lẻ cũng như đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng với các loại hình nguồn điện khác trên thị trường điện.
Đối với cơ chế cho nhà máy điện khí sử dụng khí tự nhiên trong nước, cơ quan có thẩm quyền đồng ý nguyên tắc chuyển ngang giá khí sang giá điện của các nhà máy điện và giao các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn cơ chế tiêu thụ sản lượng khí thượng nguồn mỏ khí Cá Voi Xanh, khí Lô B. Việc mua bán điện vẫn phải thực hiện theo hợp đồng mẫu do Bộ Công Thương ban hành để tham gia Thị trường bán buôn điện cạnh tranh và bán điện năng của nhà máy điện lên thị trường điện giao ngay.
Chi phí mua điện của các nhà máy điện sử dụng khí tự nhiên khai thác trong nước, LNG nhập khẩu là các chi phí hợp lý, hợp lệ và được tính toán điều chỉnh trong giá bán lẻ điện. Ngoài ra, cơ chế cũng quy định chi tiết về ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng, phương thức thanh toán, giải quyết tranh chấp (nếu có), bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán…
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, theo Quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án), trong đó: tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước là 7.900 MW (10 dự án), tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng LNG là 22.524 MW (13 dự án).
Về tình hình triển khai, đến thời điểm tháng 4 năm 2023 đã có một nhà máy đã đưa vào vận hành, cụ thể là Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Ô Môn I (660 MW) đã đưa vào vận hành năm 2015, hiện tại sử dụng nhiên liệu dầu và dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng nhiên liệu khí sau khi có khí từ mỏ khí Lô B.
Một dự án đang xây dựng là Dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, công suất 1.624 MW, tiến độ đạt 85%. Dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 sử dụng LNG từ Kho cảng LNG Thị Vải. Hiện tại, dự án Kho cảng LNG Thị Vải đã hoàn thành thi công và đưa vào sử dụng, sẵn sàng cấp LNG cho Dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4. Có 18 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng (tổng công suất 23.640 MW), và ba dự án đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng công suất 4.500 MW gồm các dự án Cà Ná, Nghi Sơn, Quỳnh Lập.
Nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ để đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu về phát triển điện khí theo Quy hoạch điện VIII.
Theo các địa phương có dự án, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị liên quan thuộc Bộ, vướng mắc chủ yếu trong quá trình thực hiện các dự án điện khí liên quan đến việc đàm phán ký kết các hợp đồng; tiến độ giải phóng mặt bằng tại các địa phương; một số địa phương chưa thể đàm phán, ký kết Thoả thuận đấu nối cho dự án do chưa xác định được chủ đầu tư các dự án đường dây truyền tải để giải toả công suất; các đề xuất ưu đãi, đảm bảo đầu tư của nhà đầu tư chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành…
Để thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VIII, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và một số đơn vị có liên quan của Bộ khẩn trương thực hiện một số nội dung quan trọng sau: Đối với các địa phương chưa lựa chọn nhà đầu tư gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Thuận, đề nghị không được chậm trễ, cố gắng hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, đủ tài chính, đủ kinh nghiệm trước ngày 15/7/2024 theo đúng Luật đầu tư và các quy định có liên quan. Đặc biệt, ngay khi lựa chọn nhà đầu tư, các địa phương cần lên tiến độ và có cam kết thực hiện tiến độ đối với nhà đầu tư đó.
Đối với các địa phương đã có chủ đầu tư, cần khẩn trương rà soát những vướng mắc của chủ đầu tư phản ánh để chủ động xử lý theo thẩm quyền (rà soát điều chỉnh Quy hoạch tỉnh, Kế hoạch sử dụng đất, vấn đề mặt bằng, điều chỉnh chủ trương đầu tư…). Đề nghị các địa phương báo cáo Bộ Công Thương, Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng về tiến độ tổng thể của các dự án đang triển khai. Các tiến độ này phải có cam kết của chủ đầu tư và có xác nhận của chính quyền địa phương.
Cùng với đó, các địa phương đôn đốc các các chủ đầu tư trình phê duyệt Hợp đồng FS, ký các hợp đồng mua bán điện với EVN dựa vào quy định của luật pháp hiện hành và Thông tư 31/2022/TT-BCT sửa đổi Thông tư 57/2014/TT-BCT quy định phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện và Thông tư 57/2020/TT-BCT quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện.
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành và Thông tư 57 sửa đổi phải khẩn trương, có trách nhiệm hướng dẫn chủ đầu tư trong quá trình đàm phán PPA, báo cáo Bộ công Thương các vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời giải quyết. Khẩn trương hoàn thành đàm phán, ký kết hợp đồng PPA với chủ đầu tư, nhất là dự án Nhơn Trạch 3 và 4 và các dự án thuộc Chuỗi khí Lô B trong Quý II/2024.
Khẩn trương đề xuất cấp có thẩm quyền được giao làm chủ đầu tư các đường dây truyền tải để giải tỏa công suất cho các nhà máy điện khí này. Đồng thời, đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án đường dây truyền tải trong hệ sinh thái điện khí đã được cấp có thẩm quyền giao làm chủ đầu tư. Các dự án truyền tải chưa rõ chủ đầu tư cần đề xuất chủ đầu tư trong tháng 4/2024. Các dự án đã lựa chọn chủ đầu tư cần lên tiến độ như các nhà máy điện khí. Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cần khẩn trương triển khai thực hiện Chuỗi dự án khí điện Lô B và các dự án điện Ô Môn III, Ô Môn IV; hoàn thiện, ký kết hợp đồng bán khí cho các dự án điện sử dụng khí Lô B; triển khai thực hiện các dự án điện, khí đã được giao làm chủ đầu tư để sớm đưa vào vận dụng...
Hồng Ngát
Bình luận