Hotline: 0941068156
Thứ hai, 28/04/2025 21:04
Thứ hai, 28/04/2025 14:04
TMO - Lực lượng kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi tăng cường ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Qua đó, phát hiện và cảnh báo sớm các thay đổi bất thường, cập nhật chính xác những biến động về rừng và đất lâm nghiệp...
Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 264.900 ha rừng, trong đó có hơn 106.700 ha rừng tự nhiên và hơn 158.100 ha rừng trồng. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, những năm trước mặc dù nhận được nhiều sự hỗ trợ, phối hợp của các cấp, ngành nhưng do địa hình rừng núi phức tạp, hiểm trở, đi lại khó khăn, trong khi lực lượng kiểm lâm tại các địa phương mỏng nên công tác, quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn.
Cùng với đó, trang thiết bị phục vụ quản lý, bảo vệ rừng, nhất là thiết bị công nghệ cao trong giám sát nhằm phát hiện sớm các vi phạm, các mối nguy hại ảnh hưởng đến tài nguyên rừng dù đã được trang bị nhưng số lượng rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học-công nghệ trong công tác dự báo, cảnh báo cháy rừng và các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng còn hạn chế.
Trước thực trạng trên, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi xác định, ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số vào quản lý, bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và phòng chống cháy rừng là giải pháp cốt lõi, góp phần giúp lực lượng kiểm lâm thực hiện tốt nhiệm vụ, đặc biệt nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Cụ thể, khi ứng dụng phần mềm theo dõi diễn biến rừng FRMS, các phần mềm Mapinfo, Microstation, QGIS, lực lượng kiểm lâm thông qua ứng dụng kết hợp giữa các phần mềm có thể sử dụng hình ảnh từ vệ tinh cung cấp, bước đầu xác định vị trí và tính toán diện tích bị biến động. Sau khi nắm được sự thay đổi hiện trạng rừng thông qua ảnh vệ tinh từ phần mềm, Chi cục Kiểm lâm sẽ chuyển tải ảnh cho các Hạt Kiểm lâm, chủ rừng và địa phương để kiểm tra biến động thực tế từ hiện trường. Qua đó, đã phát hiện kịp thời và ngăn chặn hàng chục vụ phá rừng trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng kiểm lâm tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, bảo vệ rừng (Ảnh minh họa).
Trước đây, khi chưa có thiết bị công nghệ cao như flycam, lực lượng kiểm lâm phải đi bộ băng rừng đến tận nơi, di chuyển qua nhiều điểm để kiểm tra bằng mắt thường cho nên mất rất nhiều thời gian, công sức, độ chính xác không bảo đảm. Từ khi ứng dụng ứng dụng thiết bị flycam, người kiểm tra có thể đứng cách xa điểm kiểm tra và điều khiển thiết bị thực hiện việc kiểm tra với tầm nhìn từ trên cao, dễ dàng bao quát được biến động tài nguyên rừng. Từ đó, xác nhận được hiện trạng rừng thực tế với thời gian ngắn nhất và diện tích bị biến động với độ chính xác cao để đưa ra những giải pháp phù hợp theo tình hình thực tế.
Đối với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, thông qua sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo cháy rừng sớm, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn, chủ rừng, chính quyền địa phương đã kịp thời kiểm tra, xác minh các điểm cháy. Tính từ năm 2021 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xác định và cung cấp hơn 2.200 điểm nghi ngờ cháy rừng để hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, xác minh, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây, trước đây, việc báo cáo diễn biến rừng trên địa bàn huyện được tổng hợp dưới hình thức báo cáo từ cơ sở, nên kết quả thường bị chậm, không đảm bảo độ chính xác, nhất là thiếu phần dữ liệu bản đồ cập nhật hiện trạng rừng. Từ khi ứng dụng các thiết bị và phần mềm chuyên ngành đã giúp cho đơn vị xác minh và thu thập thông tin chính xác về rừng, nâng cao khả năng tương tác, phát hiện và cảnh báo nguy cơ cháy rừng, các điểm nghi mất rừng, giúp việc tuần tra và bảo vệ rừng nhanh hơn.
Trong điều kiện thực tế lực lượng kiểm lâm mỏng như hiện nay, việc đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao năng lực giám sát tài nguyên rừng đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Thời gian tới, ngành kiểm lâm tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, theo dõi diễn biến rừng, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ chuyên môn, cập nhật kịp thời các phần mềm, công cụ mới... để nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ rừng, hạn chế các vụ xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, công nghệ GIS, ảnh viễn thám và thiết bị bay trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững là một trong những nhiệm vụ về lâm nghiệp được UBND tỉnh nhấn mạnh triển khai trong năm 2025./.
Hoàng Hải
Bình luận