Hotline: 0941068156
Thứ năm, 13/02/2025 22:02
Thứ bảy, 08/02/2025 09:02
TMO - Khai thác hiệu quả lợi thế trong nuôi trồng thủy sản, thời gian qua nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Với lợi thế về tổng diện tích mặt nước lên tới 30.800 ha, trong đó có khoảng 24.200 ha nuôi trồng thủy sản, Hà Nội đang có kế hoạch phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, có quy mô và giá trị hàng hóa cao.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, năm 2024 diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố ước đạt 24,7 nghìn ha. Tổng sản lượng thủy sản năm 2024 ước đạt 132.344 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước (năm 2023 là 127.625 tấn). Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 130.669 tấn, tăng 3,75% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thủy sản khai thác 1.675 tấn, giảm 0,59% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng giống đạt 1.443 triệu cá bột các loại, tăng 0,84% so với cùng kỳ năm trước trước.
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn thành phố đã tập trung phát triển thủy sản theo hướng bền vững, có năng suất, chất lượng cao, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thá. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 9.700 ha sử dụng chế phẩm sinh học, máy quạt nước vào nuôi trồng thủy sản và các mô hình ứng dụng công nghệ biofloc tại 2 huyện: Ba Vì, Ứng Hòa với xu hướng ngày càng nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ sinh học để hạn chế thay nước, giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, Hà Nội đã hình thành được một số vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung công nghệ cao, nuôi thâm canh mang lại giá trị cao tại các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì…năng suất tăng 6-8 lần so với nuôi thông thường, chất lượng cá thịt ngon hơn, giá cao hơn.
Một số huyện đã xây dựng dự án phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ cao tại huyện Phú Xuyên (xã Tri Trung, diện tích quy hoạch 122,7 ha, giai đoạn 2021-2030); huyện Ứng Hòa xây dựng đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Ứng Hòa theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả bền vững giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030.
Hà Nội đã hình thành được một số vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung công nghệ cao
Ông Nguyễn Văn Nam, tại xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, gia đình ông có hơn 11ha nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP. Với lợi thế khu nuôi thủy sản của gia đình ông ở sát sông Hồng nên thuận lợi cho việc thay nước làm vệ sinh môi trường ao nuôi giúp cá lớn nhanh không bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, gia đình ông còn tận dụng việc nạo vét bùn trong ao lên để trồng nhãn. Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản cho năng suất cao gấp 2 lần so với nuôi thông thường, nên thu nhập của gia đình ông đạt hàng tỷ đồng mỗi năm
Còn tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì ông Đoàn Văn đã đẩy mạnh vào nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ. 10 - 15 tấn cá là sản lượng ông Đoàn thu được trên diện tích 3,5ha khi nuôi trồng theo phương pháp truyền thống. Kể từ khi áp dụng phương thức nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng vật tư, trang thiết bị kỹ thuật cao như máy quạt nước làm giàu ô xy, hệ thống cho ăn tự động, chế phẩm vi sinh làm sạch môi trường ao nuôi…, năng suất thu về từ 25 - 30 tấn/năm; doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng.
Thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2022 - 2025, thành phố định hướng đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, theo hướng hữu cơ. Trước mắt sẽ tập trung phát triển tại 6 huyện: Mỹ Đức, Ba Vì, Quốc Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ và Phúc Thọ. Nghị quyết số 08/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội ban hành tháng 7/2023 đã đề cập đến nhiều nội dung, mức chi hỗ trợ cụ thể đối với các dự án nuôi trồng thuỷ sản công nghệ cao và xử lý môi trường ao nuôi. Do đó, đề nghị các huyện, thị xã phổ biến và triển khai các bước nhằm hỗ trợ các chủ thể tiếp cận nguồn lực phát triển nuôi trồng thuỷ sản.
Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch phát triển thủy sản từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tổ chức lại sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm thủy sản; xây dựng các vùng nuôi công nghiệp, công nghệ cao sản xuất thủy sản hàng hóa lớn; phấn đấu đến năm 2030, diện tích chăn nuôi thủy sản đạt 25.000 ha, trong đó vùng chăn nuôi thủy sản tập trung là 10.000 ha, với năng suất khoảng 15 tấn/ha/năm.
Theo đó, Hà Nội khuyến khích phát triển các chương trình, mô hình nuôi trồng thủy sản có áp dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến trong sản xuất nhất là trong khâu quản lý môi trường, quản lý dịch bệnh bằng chế phẩm sinh học nhằm làm giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững; các mô hình hỗ trợ cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản nhất là trong khâu chăm sóc, quản lý và sản xuất thức ăn tự chế biến.
Để phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, thời gian tới, ngành cần ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào hoạt động nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, giảm thiểu chất thải. Đây cũng là phương pháp để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, kết hợp với các địa phương đẩy mạnh chuyển giao công nghệ phát triển nông nghiệp tuần hoàn, gồm: Xây dựng chương trình khuyến nông chuyển giao ứng dụng hệ thống sản xuất liên kết, tuần hoàn giữa các lĩnh vực nông, lâm, ngư như: trồng trọt, thủy sản luân canh, chăn nuôi, thủy sản kết hợp.
Thùy Chi
Bình luận