Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 22:11
Thứ bảy, 21/09/2024 11:09
TMO - Ngoài việc giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, tăng lợi nhuận, khi thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải, nông dân tỉnh Đồng Tháp có thêm thu nhập từ việc bán báo cáo giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết: Đồng Tháp là 1 trong 5 tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn thí điểm Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Đề án hướng tới mục tiêu, đối với diện tích lúa tham gia đề án, lượng lúa giống gieo sạ giảm còn dưới 70 kg/ha. Lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 30%; 100% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng hoặc cày vùi và sử dụng vi sinh phân hủy rơm rạ để bổ sung dinh dưỡng trả lại cho đất. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%; trong đó, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 50%…
Tham gia đề án này, tỉnh Đồng Tháp đăng ký diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh đến năm 2025 là 70.000ha và đến năm 2030 là 163.000ha, được thực hiện tại 8 huyện, thành phố: huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò và thành phố Hồng Ngự.
Mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh được triển khai trong vụ Thu Đông năm 2024, tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười với diện tích 43,1ha (giống lúa OM18), có 20 hộ dân tham gia, áp dụng quy trình canh tác bền vững (sạ cụm, sạ hàng kết hợp vùi phân; giảm giống 70kg/ha; quản lý nước "ướt khô xen kẽ"…).
Thu hoạch lúa tại mô hình thí điểm triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL. Ảnh: ĐT.
Nông dân tham gia mô hình phải ghi chép nhật ký sản xuất, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, tuân thủ quy trình hướng dẫn và đặc biệt là không được đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Bên cạnh đó, nông dân tham gia mô hình thí điểm đề án cũng có những quyền lợi là được tập huấn kỹ thuật canh tác 3 lần mỗi vụ; hằng tuần, có cán bộ kỹ thuật cùng nông dân thăm đồng, kịp thời đưa ra những biện pháp xử lý sâu bệnh hại; hỗ trợ 50% chi phí vật tư như lúa giống, phân bón, chế phẩm phân hủy rơm rạ… Bà con nông dân còn được hỗ trợ chi phí đánh giá phát thải khí nhà kính.
So sánh cùng ruộng đối chứng, các diện tích lúa tham gia mô hình giảm được nhiều chi phí đầu vào như: giảm 80kg/ha giống, giảm 50kg/ha phân bón (đạm nguyên chất, lân nguyên chất), giảm 5 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, năng suất bình quân đạt 6,13 tấn/ha... Theo thống kê, mô hình giúp bà con giảm chi phí 1.605.000 đồng/ha, giảm 399 đồng/kg giá thành sản xuất, lợi nhuận cao hơn 4.281.657 đồng/ha so với ruộng đối chứng. Đặc biệt là giảm được 4,92 tấn CO2tđ/ha.
Từ mô hình mẫu, ngành nông nghiệp Đồng Tháp sẽ đúc kết kinh nghiệm thực tiễn sản xuất, nhân rộng diện tích thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp; từng bước lan tỏa nhịp sản xuất mới đến với người canh tác lúa. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp thông tin, tỉnh sẽ triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tập trung tại một số địa phương có vùng chuyên canh lúa lớn như các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Cao Lãnh, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười và thành phố Hồng Ngự. Tỉnh Đồng Tháp đặt ra mục tiêu đến hết năm 2024, sẽ có khoảng 20.000 ha lúa tham gia đề án.
Ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp cho biết, trước mắt, Đề án được kỳ vọng sẽ giúp giảm lượng lúa giống gieo sạ còn từ 80 - 100 kg/ha; lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và lượng nước tưới đều giảm 20%. Đối với 100% diện tích tham gia Đề án đều áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững, có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ lúa. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch giảm còn dưới 10%; trên 70% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và tái sử dụng, chế biến; giảm từ 10% trở lên lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống; tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa hơn 40%.
Về lâu dài, việc thực hiện Đề án hướng đến mục tiêu vào năm 2030, đối với diện tích lúa tham gia Đề án, lượng lúa giống gieo sạ giảm còn dưới 70 kg/ha; lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 30%; 100% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng hoặc cày vùi và sử dụng vi sinh phân hủy rơm rạ để bổ sung dinh dưỡng trả lại cho đất; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 50%…/.
Hạnh Nguyên
Bình luận