Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ tư, 23/08/2023 14:08
TMO - Trước nguy cơ đổ sập của hòn Trống Mái – biểu tượng du lịch của TP Hạ Long, Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh thống nhất phương án: Tàu chạy qua khu vực hòn Trống Mái không được quá tốc độ 10km/giờ và phải giữ khoảng cách với địa danh này tối thiểu 70m.
Theo đó, Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh giao Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu, thuyền trưởng về việc hạn chế tốc độ khi đi qua hòn Trống Mái ở vịnh Hạ Long. Tàu thuyền qua đây phải đảm bảo tốc độ không quá 10 km/h, giữ khoảng cách ít nhất 70 m. Đơn vị chức năng đang cho thiết kế phao lắp đặt xung quanh hòn Trống Mái làm cột mốc cho tàu thuyền dễ nhận biết.
Hòn Trống Mái trên Vịnh Hạ Long đang có nguy cơ đổ sập.
Hòn Trống Mái là một trong những biểu tượng của du lịch Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung, cấu tạo chủ yếu bởi đá vôi Carbon - Permi hệ tầng Bắc Sơn. Hiện đảo đá này chịu nhiều tác động bởi yếu tố tự nhiên, tiềm ẩn nguy cơ trượt, đổ lở.
Theo khảo sát của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Hòn Trống Mái gồm 2 đảo đá nhỏ có hình thù như một đôi gà trống, mái cao khoảng 13,9m, chân đảo hẹp hơn phần thân. Trải qua quá trình hoạt động địa chất, kiến tạo và sự tác động của nước biển, hòn Trống Mái có cấu tạo đơn nghiêng với nhiều hệ thống khe nứt, trong đó có 40 khối có nguy cơ đổ, lở. Đáng chú ý các vị trí như: mỏ hòn gà mái; mào hòn gà trống và một số khối khác cần phải có giải pháp khắc phục sớm.
Ngoài ra, tàu thuyền du lịch, ca nô cũng có thể gây ra tác động xấu đến hòn Trống Mái dù du khách không được lên đảo. Một số ca nô cỡ lớn có sức tải 4-8 người khi di chuyển với tốc độ 30 km/h có thể tạo ra cột nước 40 - 60 cm. Các tàu cao tốc lớn hơn di chuyển ở khoảng cách xa hơn 100 m với tốc độ tương đương có thể tạo nên những cột sóng cao hơn 80 cm, tác động lên hòn Trống Mái. Thời gian tác động thường kéo dài một hoặc hai phút, chưa kể việc một số ca nô tham quan thường lượn nhiều vòng quanh đảo. Về lâu dài, những đợt sóng này cũng góp phần đẩy nhanh việc ăn mòn bề mặt hòn Trống Mái. Bên cạnh đó, còn có nguy cơ va chạm do số lượng tàu thuyền đi qua đây khá lớn.
Hòn Trống Mái sẽ được quây phao và hạn chế tốc độ tàu thuyền.
Ngoài giải pháp hạn chế tốc độ tàu qua lại và giữ khoảng cách giữa tàu với Hòn Trống Mái, các chuyên gia của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đề xuất sử dụng phương pháp neo và xây tường bê tông nhằm gia tăng sức chịu tải của bề mặt khối đá để giữ ổn định trước khi tiến hành các giải các giải pháp phun bê tông phù hợp nhằm hạn chế khả năng ăn mòn, mở rộng khe nứt.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, việc giảm thiểu các nguy cơ sạt lở đối với hòn Trống Mái phải hết sức thận trọng, chỉ nên tác động nhỏ nhất có thể, không làm thay đổi cảnh quan nhưng vẫn phải đảm bảo độ ổn định theo thời gian của Hòn Trống Mái.
Sở KH&CN Quảng Ninh cũng vừa có văn bản tham mưu UBND tỉnh Quảng Ninh cần có giải pháp phân luồng, thời gian và tốc độ lưu thông của phương tiện qua lại cho phù hợp, nhằm giảm thiểu tác động xâm thực, ăn mòn, gây ảnh hưởng đến an toàn, sự ổn định của Hòn Trống Mái.
Hòn Trống Mái cách cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu khoảng 5 km, cách cảng tàu khách quốc tế Hạ Long khoảng 7 km, gồm hai đảo nhỏ cao khoảng 12 m đối diện nhau, có hình thù như một cặp gà trống - mái. Hòn Trống Mái là biểu tượng của du lịch vịnh Hạ Long và được chọn là biểu tượng của du lịch Việt Nam năm 2000. Trước lo ngại về việc núi đá vịnh Hạ Long mất đi vẻ đẹp, hình thù độc đáo, ngày 24.3.2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Quyết định số 730/QĐ-UBND về thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái ở vịnh Hạ Long".
Vịnh Hạ Long đã mất đi hòn Thiên Nga năm 2016 khi "phần đầu thiên nga" bị đổ; hòn 649 ở tiểu khu 3 của vịnh cũng đổ sụp vào năm 2013. Nguyên nhân được cơ quan chức năng Quảng Ninh xác định là do hiện tượng địa chất tự nhiên dẫn tới núi đá bị phong hóa, gây sạt lở.
Tại Kiên Giang, hòn Phụ Tử (cha con) được công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia năm 1989, cũng đổ ngã vào năm 2006, chỉ còn lại hòn Tử (con). Nguyên nhân sau đó được xác định là do địa chất dưới chân hòn Phụ Tử yếu, lại bị tác động từ triều cường, sóng lớn khiến nhiều kết cấu đá trên hòn dễ nứt ra, bong tróc… dẫn đến gãy đổ phần trên của hòn Phụ.
Thu Hương
Bình luận