Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 23/05/2025 19:05
Thứ năm, 22/05/2025 11:05
TMO - Những trạm biến áp 110 kV giữ vai trò quan trọng trong phân phối điện năng khắp tỉnh Hải Dương được đẩy mạnh tự động hoá. Đến nay, các trạm đã được tự động hoá hoàn toàn, không cần sự có mặt của công nhân ngành điện.
Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành điện, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương (PC Hải Dương) triển khai mô hình trạm biến áp không người trực nhằm nâng cao hiệu quả vận hành, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và liên tục.
Qua thực tế vận hành, trạm biến áp (TBA) không người trực đã cho thấy nhiều lợi ích thiết thựcnhư: Thực hiện thao tác đóng/cắt điện, chuyển đổi phương thức vận hành của trạm thông qua hệ thống SCADA từ xa, giúp giảm thời gian xử lý sự cố và nguy cơ mất điện trên diện rộng; Rút ngắn thời gian bảo trì dựa trên dữ liệu tình trạng thực tế của thiết bị giúp tăng hiệu quả sử dụng và kéo dài tuổi thọ hệ thống...
Trạm biến áp không người trực giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, nhờ khả năng phát hiện và xử lý sự cố nhanh chóng, giảm thiểu thời gian gián đoạn cung cấp điện. Từ đó tiết kiệm chi phí vận hành, giảm chi phí nhân công, bảo trì và quản lý, đồng thời nâng cao hiệu suất hoạt động của hệ thống điện.
Theo PC Hải Dương, 100% số trạm biến áp 100 kV là tài sản của đơn vị đã chuyển sang mô hình trạm không người trực. Toàn bộ thiết bị như dao, máy cắt, thiết bị đo dòng điện, hệ thống công nghệ thông tin cùng rơ le kỹ thuật số đã khớp nối đồng bộ trong vận hành.
Điện lực Hải Dương nâng cao hiệu quả vận hành các trạm biến áp không người trực.
Các trạm được trang bị đồng bộ các hệ thống kiểm soát và giám sát tự động, bao gồm hệ thống SCADA để quản lý và giám sát hoạt động của trạm biến áp. Hàng giờ các dữ liệu như nhiệt độ máy biến áp, dòng điện, điện áp… đều được chuyển đến Trung tâm Điều khiển xa để phân tích đánh giá, vận hành tối ưu thiết bị, tránh quá tải cho trạm biến áp trong vận hành.
Các trạm sử dụng các chương trình CMIS, PSS, NEMO, GIS-PMIS, ECP, phần mềm quản lý dữ liệu đo xa, phần mềm quản lý máy biến áp, các ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý kỹ thuật. Đồng thời sử dụng hệ thống điều khiển các thiết bị, hệ thống bảo mật an ninh. Ngoài ra, đơn vị sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại trong kiểm tra, phát hiện và xử lý các khiếm khuyết trên lưới điện 110 kV như máy ảnh nhiệt, máy đo phóng điện cục bộ PD, Flycam, máy ảnh zoom xa…
Trong năm 2025, PC Hải Dương có kế hoạch đầu tư hơn 774 tỷ đồng thực hiện 38 dự án xây dựng lưới điện. Trong đó, có 4 dự án lưới điện 110 kV, 21 dự án chống quá tải và hạ thế, 13 dự án đường dây trung thế. Ngoài ra, đơn vị sẽ thực hiện 5 dự án lắp đặt tụ bù tại các trạm biến áp 110 kV để nguồn cấp điện ổn định hơn, giảm tổn thất điện năng.
Để thực hiện thành công kế hoạch này, Điện lực Hải Dương tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư trong các khâu. Tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản trị tiến độ dự án và công tác lập, duyệt dự toán công trình. Liên tục cập nhật tình hình quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương để có phương án điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống điện kịp thời.../.
Tuấn Hưng
Bình luận