Hotline: 0941068156
Thứ tư, 29/01/2025 05:01
Thứ bảy, 18/05/2024 16:05
TMO - Tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 2,0% tổng diện tích trồng trọt với quy mô 2.500 ha.
Nông nghiệp hữu cơ là một trong những hướng đi của nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng. Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã chủ động lồng ghép các chính sách, chương trình để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đến hết năm 2023 toàn tỉnh đã có trên 1.896,96 ha cây trồng các loại được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; 3 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản được chứng nhận VietGAP; 8 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP; 14 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản có giấy chứng nhận HACCP; 11 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản có giấy chứng nhận GMP, ISO; 4 cơ sở chế biến giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO và 22 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn có xác nhận...
Từ những kết quả đã đạt được, địa phương này tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ và coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh cần kiên trì triển khai thực hiện, ưu tiên nguồn lực và tập trung chỉ đạo để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất. Thời gian tới, Hà Tĩnh phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần ổn định đời sống cho người dân trên địa bàn.
Đồng thời, nâng cao năng lực, khả năng tổ chức sản xuất, sức cạnh tranh trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn và tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp. Phát triển sản xuất và chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ cho các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của tỉnh nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản phẩm hàng hóa, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến hữu cơ tiên tiến, hiện đại để kiểm soát tốt các nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Tỉnh Hà Tĩnh đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ với các cây trồng chủ lực như lúa, cây ăn quả. Ảnh: TL.
Tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ của toàn tỉnh đạt khoảng 2,0 - 2,5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 2,0% tổng diện tích trồng trọt với các cây trồng chủ lực lúa, rau các loại, cây ăn quả,... quy mô 2.500 ha. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ khoảng 2% trên tổng sản phẩm chăn nuôi với các sản phẩm có tiềm năng lợi thế: mật ong, nhung hươu, thịt các loại (lợn, bò, dê, gia cầm…)
Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ: nuôi tôm hữu cơ đạt khoảng 2-3% tổng diện tích nuôi tôm với sản phẩm chủ yếu là tôm sú. Nâng cao hiệu quả sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 1,0 ha đất trồng trọt hữu cơ cao gấp 1,7 - 2 lần so với phi hữu cơ.
Để thực hiện được mục tiêu trên, trong giai đoạn 2024-2030 tỉnh sẽ lựa chọn vùng, đối tượng để chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa Trên cơ sở đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội và các quy hoạch của địa phương, đồng thời căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, các địa phương tiến hành điều tra, khảo sát, lựa chọn vùng để đưa vào chuyển đổi, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ưu tiên lựa chọn các vùng sản xuất đã có sản phẩm chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt, lựa chọn các loại cây trồng có lợi thế, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường để sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.
Trong đó, vùng sản xuất lúa hữu cơ, diện tích canh tác khoảng 1.350 ha. Tập trung tại các địa phương: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh,…..Vùng sản xuất rau, quả hữu cơ, diện tích canh tác khoảng 100 ha. Tập trung tại các địa phương: Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh,….. Vùng sản xuất cây ăn quả hữu cơ, diện tích canh tác khoảng 800 ha. Tập trung tại các địa phương: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc,… Vùng sản xuất chè hữu cơ diện tích khoảng 250 ha. Tập trung tại Sơn Kim 2, Sơn Tây huyện Hương Sơn; Hương Trà huyện Hương Khê; Kỳ Trung, Kỳ Thượng, Kỳ Tây huyện Kỳ Anh.
Chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, hữu cơ, đạt tiêu chuẩn, an toàn tập trung tại các địa phương: Cẩm Xuyên, Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà, Kỳ Anh,…..; trong đó phát triển các cơ sở chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, hữu cơ với quy mô nông hộ, trang trại nhỏ gắn theo chuỗi liên kết (từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm) với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Chăn nuôi bò theo hướng hữu cơ, hữu cơ, đạt tiêu chuẩn: gắn với các vùng trồng trọt hữu cơ (trồng cỏ, trồng lúa, trồng ngô,…) tạo vùng nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi. Tập trung tại các địa phương: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh,…..
Tỉnh Hà Tĩnh cũng đẩy mạnh chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, hữu cơ, đạt tiêu chuẩn, an toàn tại các địa phương trên địa bàn. Ảnh: TH.
Chăn nuôi gia cầm theo hướng hữu cơ, hữu cơ: tập trung phát triển tại các vùng đồi như Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Hương Sơn, Can Lộc, … gắn với vùng sản xuất trồng trọt (ngô, lúa) hữu cơ, tạo mô hình chăn nuôi tuần hoàn, hữu cơ; tạo chuỗi chăn nuôi gà thịt hữu cơ, trứng gà hữu cơ. Chăn nuôi hươu, dê theo hướng hữu cơ, hữu cơ: tập trung phát triển tại Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Kỳ Anh… những vùng có lợi thế về phát triển các loại vật nuôi, nguồn thức ăn phong phú. Chăn nuôi ong mật theo hướng hữu cơ, hữu cơ: tập trung phát triển tại Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, … những vùng có lợi thế về nguồn thức ăn cho ong, diện tích vườn, rừng rộng lớn; định hướng chăn nuôi ong tạo sản phẩm mật ong hữu cơ, gắn với du lịch sinh thái vùng Vườn quốc gia Vũ Quang...
Ngoài ra, tỉnh sẽ rà rà soát, củng cố các cơ sở để đáp ứng tiêu chuẩn chế biến sản phẩm hữu cơ; ưu tiên, lựa chọn các sản phẩm có lợi thế hiện có để chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ: chế biến gạo hữu cơ, tinh bột gạo hữu cơ dinh dưỡng, sản phẩm nhung hươu hữu cơ, các sản phẩm chế biến từ thịt lợn hữu cơ… trên cơ sở xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người dân, có sự tham gia quản lý của nhà nước; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến gạo gắn với vùng sản xuất lúa trọng điểm, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở chế biến nhung hươu, cơ sở sản xuất tinh bột gạo hữu cơ dinh dưỡng, kết nối các cơ sở chế biến giò chả OCOP của tỉnh sử dụng nguyên liệu thịt lợn hữu cơ để chế biến sản phẩm.
Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại và giao lưu khách hàng bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối thị trường nông sản hữu cơ của Tỉnh với chuỗi cung ứng nông sản hữu cơ trong và ngoài nước. Đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm hữu cơ chủ lực, quan trọng và đặc sản của tỉnh. Nâng cao năng lực hệ thống thông tin, dự báo thị trường, cung cấp kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân để điều chỉnh sản xuất phù hợp; tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối, tiêu thụ; kết nối giữa thị trường trong nước với quốc tế.
Đồng thời, thu hút, khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ theo chuỗi liên kết tại các vùng sản xuất tập trung; các sản phẩm đặc sản bản địa khai thác từ tự nhiên. Mời gọi các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản phẩm có chứng nhận để hỗ trợ liên kết tiêu thụ đối với những sản phẩm từ các mô hình.
Lê An
Bình luận