Hotline: 0941068156
Thứ tư, 13/11/2024 04:11
Thứ sáu, 25/10/2024 12:10
TMO - Để xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa nói chung và di tích nói riêng trên nền tảng công nghệ số, nhiệm vụ cấp thiết lúc này cần triển khai thực hiện quá trình số hóa. Do đó, TP. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tiến hành số hoá 100% điểm Di tích lịch sử trên địa bàn Thủ đô.
Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lịch sử-văn hóa, di tích kiến trúc, nghệ thuật và danh lam thắng cảnh lớn nhất cả nước. Thủ đô Hà Nội có những trầm tích vô cùng phong phú, đa dạng, với khoảng 6.000 di tích lịch sử, văn hóa; 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt.
Thời gian qua Hà Nội đang hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế Thủ đô, trong đó có bảo tồn điểm di tích văn hóa, lịch sử. Đáng chú ý, nhằm bảo vệ các điểm di tích, đồng thời hội nhập với xu thế công nghệ toàn cầu, TP.Hà Nội đã và đang số hoá toàn bộ các điểm di tích trên địa bàn.
Cụ thể, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 294/KH-UBND về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố đến năm 2025 và các năm tiếp theo. Kế hoạch nhằm tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh và bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, các công trình có giá trị tiêu biểu của Thủ đô.
Thành phố yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và các đơn vị liên quan tập trung vào các nhiệm vụ triển khai việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt, cụm di tích quốc gia, di tích cấp thành phố đã được xếp hạng tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, có mối quan hệ mật thiết về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương thực hiện tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa, di tích có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh và các di tích quốc gia, di tích cấp thành phố có giá trị tiêu biểu theo lộ trình đã được phê duyệt.
Tổng số di tích cần đầu tư tu bổ, tôn tạo giai đoạn 2021-2025 là 579 dự án với tổng kinh phí 14.029 tỷ đồng. Đối với xây dựng và triển khai các chương trình bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, các sở, ngành, địa phương phối hợp thực hiện công tác rà soát, kiểm kê di tích trên toàn thành phố.
Đồng thời đưa ra khỏi danh mục các di tích không đủ điều kiện, bổ sung các di tích có giá trị theo quy định. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực bảo tàng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu, bảo đảm 100% các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố được số hóa và ứng dụng trên nền tảng số….
Khách tham quan quét mã QR trải nghiệm tham quan Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy trên không gian số. (Ảnh: ND).
Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa; trưng bày, giới thiệu tại các bảo tàng trong nước và một số bảo tàng, trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông… Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp các quận, huyện, thị xã và các cơ quan liên quan tổ chức đánh giá, quyết định.
Tiếp tục lựa chọn, bổ sung các di sản, di tích ưu tiên đầu tư tu bổ, tôn tạo thuộc phạm vi thực hiện của kế hoạch và chịu trách nhiệm xác định mức độ xuống cấp, tính chất cấp thiết của các di tích được đề xuất để cấp thẩm quyền quyết định lựa chọn đầu tư tu bổ, tôn tạo. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di sản, di tích do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Đồng thời, chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí đúng mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng có hiệu quả, không để thất thoát và chịu trách nhiệm về việc không thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch tại cơ sở, kịp thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp để thất thoát kinh phí.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong công tác quản lý Nhà nước về di sản. Thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Thủ đô trong và ngoài nước; đặc biệt là các địa phương có di sản đặc trưng, tiêu biểu mang dấu ấn lịch sử, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô.
Việc triển khai số hóa các di tích trên địa bàn bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất thông tin, góp phần thuận lợi hơn trong việc lưu giữ cũng như quảng bá các giá trị văn hóa của của Thủ đô Hà Nội. Hoạt động này cần được đẩy mạnh hơn nữa để không những góp phần lưu trữ các tư liệu, hình ảnh quý, xây dựng hệ thống dữ liệu chung của các di tích, lịch sử, văn hoá trên địa bàn mà còn giúp người dân trong và ngoài nước thêm hiểu, thêm yêu văn hóa truyền thống của Thủ đô.
Có thể nói, số hoá toàn bộ điểm di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ mang đến cho người dân, du khách thập phương trong và ngoài nước có một cách nhìn mới mẻ hơn về Thủ đô văn hiến bằng công nghệ hiện đại, phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay. Đồng thời, phục vụ công tác quản lý, quản trị của các cấp nhà nước nhằm bảo tồn các di tích, phát huy giá trị về quảng bá, phát triển du lịch trên địa bàn Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Lê Vy
Bình luận