Hotline: 0941068156
Thứ năm, 29/05/2025 04:05
Thứ ba, 27/05/2025 13:05
TMO - Những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Thời gian qua, UBND TP. Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ người dân chuyển đổi số trong nông nghiệp như mua máy móc, thiết bị, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái... nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, bảo vệ môi trường trị giá hàng chục tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2024 thực hiện tại thị xã Sơn Tây và các huyện: Thanh Oai, Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Quốc Oai được hỗ trợ về máy móc, thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp. Năm 2025, dự kiến thực hiện tại các huyện: Thạch Thất, Sơn Tây, Thanh Oai, Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn, Quốc Oai. 49 cơ sở sẽ nhận được hỗ trợ của UBND thành phố Hà Nội. Dự kiến kinh phí hỗ trợ là 6,551 tỷ đồng.
Trong 2 năm 2024-2025, UBND TP. Hà Nội bố trí khoảng 11 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái (Drone/UAV) cho các tổ chức, cá nhân. Thiết bị bay không người lái sẽ thay thế người nông dân thực hiện phun thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng.
Cụ thể, trong năm 2024, Hà Nội thực hiện tại các huyện: Mỹ Đức, Thạch Thất, Thanh Oai, Phúc Thọ, Mê Linh, Chương Mỹ, Thường Tín, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Quốc Oai. Diện tích hỗ trợ 24.972 ha, với tổng kinh phí 6,243 tỷ đồng. Năm 2025, thực hiện tại các huyện: Mỹ Đức, Thạch Thất, Sơn Tây, Mê Linh, Chương Mỹ, Thường Tín, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Quốc Oai, Phú Xuyên. Dự kiến diện tích thực hiện là 18.959 ha. Tổng kinh phí hỗ trợ là 4,74 tỷ đồng.
Thông qua việc sử dụng các cảm biến tiên tiến và máy chụp ảnh kỹ thuật số đặt trên thiết bị bay không người lái nông dân có thể thu thập hình ảnh phong phú hơn về các cánh đồng rộng lớn của mình. Thông tin thu được từ các thiết bị như vậy rất hữu ích trong việc chọn lựa cách thức tưới và chăm bón, nâng cao hiệu quả diện tích gieo trồng.
Cụm thiết bị công nghệ hỗ trợ quản lý minh bạch rau trồng theo tiêu chuẩn VieGAP tại huyện Chương Mỹ (Ảnh: AN).
Với những hỗ trợ trên, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã ứng dụng công nghệ số vào sản xuất với quy mô lớn, tạo ra nhiều nông sản có chất lượng cao. Tại HTX Nông nghiệp Quảng Bị (huyện Chương Mỹ), để tiết kiệm chi phí, nhân công lao động, hợp tác xã (HT) đẩy mạnh cơ giới hóa trong làm đất, ứng dụng máy bay không người lái trong gieo sạ mang lại rất nhiều lợi ích. Cây lúa không chỉ sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, mà còn giảm chi phí và cho giá trị cao gấp 2-3 lần so với phương thức sản xuất truyền thống.
Hợp tác xã Rau sạch Chử Tâm (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) chuyên sản xuất các loại rau củ quả, với mục đích đưa nông sản sạch từ trang trại đến bàn ăn, HTX đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất như: Tưới phun, nhỏ giọt, gieo trồng trong nhà kính, nhà lưới và ứng dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, thu hoạch đến sơ chế, đóng gói. Ngoài ra, hợp tác xã còn ứng dụng công nghệ màng phủ nông nghiệp, phương pháp IPM (quản lý dịch hại tổng hợp). Hiện tại, mỗi ngày Hợp tác xã cung ứng cho thị trường từ 2 đến 3 tạ rau sạch, doanh thu đạt 50-70 triệu đồng/tháng.
Tại HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín, với quy mô hơn 2,1ha, HTX đã đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng 6 nhà màng, nhà lưới, tổng diện tích khoảng 10.000m2 để trồng rau mầm. Quy trình sản xuất được áp dụng theo quy tắc “5 không”: Không phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không thuốc trừ cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không cây trồng chuyển đổi gen. Trung bình mỗi năm, HTX cung ứng cho thị trường hơn 200 tấn rau mầm các loại, doanh thu đạt khoảng 4 tỷ đồng.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Môi trường), thành phố có hơn 400 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng chuyển đổi số, trong đó có 262 mô hình ở lĩnh vực trồng trọt. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số hiện nay chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Các mô hình hiệu quả tập trung tại các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.533 cơ sở là các HTX, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản; đã cấp 14.050 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản, thủy sản, thực phẩm thành phố Hà Nội” (check.hanoi.gov.vn)… để giúp người dân quảng bá sản phẩm và đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp đưa nông lâm thủy sản lên các nền tảng thương mại điện tử. Năm 2024, số lượng nông sản giao dịch trên các sàn thương mại điện tử tăng 30% so với năm trước. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố đã triển khai, ứng dụng marketing số để quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu thông qua mạng xã hội, website, ứng dụng di động, qua đó tăng cường nhận diện, thu hút khách hàng từ nhiều thị trường trong và ngoài nước.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục tham mưu thành phố, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội các chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp, kịp thời; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo, các mô hình khuyến nông về vai trò và lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ nông sản trong bối cảnh hiện nay.
Đồng thời triển khai chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp thông minh, trong đó, chú trọng giải pháp về công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, giám sát, truy xuất minh bạch, kết nối thị trường nông sản và sản phẩm OCOP; hỗ trợ công nghệ canh tác thông minh để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Công tác khuyến nông tập trung vào đào tạo kỹ năng thay đổi mô hình kinh doanh số cho các HTX, doanh nghiệp./.
Thùy Linh
Bình luận