Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Chủ nhật, 28/01/2024 06:01
TMO - UBND các quận, huyện, thị xã nơi có dự án khai thác khoáng sản chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và UBND thành phố Hà Nội nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, gây thất thoát tài nguyên…
Theo đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thành phố, bảo đảm việc khai thác các mỏ khoáng sản đúng quy định và kịp thời cung cấp nguồn vật liệu phục vụ thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã nơi có mỏ, dự án khai thác khoáng sản quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác khoáng sản theo cơ chế đặc thù, bảo đảm tuân thủ nội dung theo bản xác nhận đăng ký khối lượng khai thác của UBND thành phố, cung cấp khoáng sản đúng, đủ theo gói thầu đã đăng ký thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép khoáng sản khai thác tại các mỏ được áp dụng cơ chế đặc thù cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát về hoạt động khai thác của các đơn vị được phép khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố theo quy định, trong đó tập trung kiểm tra, giám sát về phạm vi, diện tích khu vực mỏ, công suất, trữ lượng, phương pháp khai thác; kiểm tra, giám sát việc thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế tại các mỏ được áp dụng cơ chế đặc thù để cung cấp dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo quy định. Kịp thời phát hiện, có biện pháp xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định báo cáo UBND thành phố trước ngày 20-2-2024.
UBND TP Hà Nội yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép khoáng sản.
Công an thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng, Công an quận, huyện, thị xã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan, chính quyền các cấp tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản không rõ nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt tại các mỏ được áp dụng cơ chế đặc thù để cung cấp dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Công an Hà Nội với Công an 8 tỉnh giáp ranh.
Công an thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong đăng ký tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển khoáng sản; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển khoáng sản; kiểm tra về yêu cầu đối với bến, bãi tập kết khoáng sản, việc lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng khoáng sản mua - bán tại bến bãi; yêu cầu về phương tiện vận chuyển khoáng sản đường bộ, đường sông.
UBND các quận, huyện, thị xã nơi có dự án khai thác khoáng sản chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và UBND thành phố nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách liên quan đến địa phương, đơn vị mình quản lý. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi tập kết khoáng sản lấn chiếm hành lang đường bộ, đường thủy, các phương tiện vận chuyển khoáng sản trên sông không đáp ứng các yêu cầu về điều kiện hoạt động theo quy định; thực hiện kiểm tra công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện đường bộ, đường thủy đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, an toàn đê điều và an toàn trong hoạt động khai thác mỏ theo quy định của pháp luật.
UBND các quận, huyện, thị xã nơi có dự án khai thác khoáng sản chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và UBND Thành phố nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách liên quan đến địa phương, đơn vị mình quản lý. Tại từng địa phương, phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và của người dân; kịp thời phản ánh, thông tin về tình hình khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm.
UBND thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan, địa phương đảm bảo nguồn vật liệu cho dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô.
Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112 km, tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Điểm đầu dự án tại điểm nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Dự án khởi động năm 2022, mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, hiện nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường dự kiến phục vụ Dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh dự kiến gồm: Đất đắp K98, K95, đắp bao (khoảng 9,656 triệu m3); cát đắp K95, cát xử lý nền đất yếu (khoảng 7,5 triệu m3).
Trong đó, tính riêng nhu cầu vật liệu phục vụ Dự án thành phần 2.1 (xây dựng đường song hành) và Dự án thành phần 3 (xây dựng cao tốc theo phương thức đối tác công - tư) trên địa phận thành phố Hà Nội cũng chiếm khối lượng tương đối lớn. Cụ thể, đất đắp K98, đắp bao là 1,872 triệu m3 (trong đó Dự án thành phần 2.1 là 1,381 triệu m3, Dự án thành phần 3 là 0,491 triệu m3); cát đắp nền K95, cát xử lý đất yếu là 5,532 triệu m3 (trong đó, Dự án thành phần 2.1 là 2,564 triệu m3, Dự án thành phần 3 là 2,968 triệu m3).
Đối với nguồn vật liệu cát đắp, hiện nay, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã chấp thuận 10 nguồn vật liệu cát đắp được cung cấp bởi các nguồn thương mại từ các mỏ có Giấy phép khai thác đang hoạt động trên địa bàn các tỉnh lân cận (tỉnh Phú Thọ 7 mỏ; tỉnh Hà Nam 1 mỏ; tỉnh Thái Bình 1 mỏ; tỉnh Bắc Giang 1 mỏ) với tổng trữ lượng khoảng 12,881 triệu m3, công suất khoảng 0,715 triệu m3/năm. Đối với nguồn vật liệu đất đắp, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã chấp thuận 2 nguồn vật liệu đất đắp được cung cấp bởi các nguồn thương mại từ các mỏ có giấy phép khai thác đang hoạt động trên địa bàn các tỉnh lân cận. Cụ thể, tỉnh Vĩnh Phúc, 1 mỏ, tỉnh Hòa Bình 1 mỏ với tổng trữ lượng khoảng 3,904 triệu m3, công suất khoảng 0,4 triệu m3/năm.
Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, để đảm bảo sự đa dạng về nguồn cung vật liệu phục vụ Dự án đường Vành đai 4, Ban đã có văn bản số 2548/BQLCTGT-THDA2 đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét có văn bản gửi UBND các tỉnh có mỏ vật liệu. Sau khi có sự tham mưu, UBND Thành phố đã có Văn bản số 3026/UBND-TNMT đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình tạo điều kiện cho tổ chức có đủ điều kiện được phép khai thác đất đắp tại mỏ đất xóm Cao, xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình để cung cấp nguồn vật liệu xây dựng cho Dự án đường Vành đai 4...
Bích Ngọc
Bình luận