Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 05/04/2025 04:04
Thứ sáu, 04/04/2025 06:04
TMO - Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã nêu rõ nhiệm vụ cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam. Để ngành du lịch có nhiều đột phá mới, huyện Ứng Hoà (TP. Hà Nội) đã nhanh chóng bắt nhịp, ứng dụng công nghệ số mang lại những kết quả tích cực.
Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội đã có báo cáo về kết quả công tác quản lý và phát triển sự nghiệp du lịch tháng 03 và quý I năm 2025, nhiệm vụ trọng tâm tháng 04 và quý II năm 2025. Theo đó, quý I/2025, thủ đô Hà Nội ước đón 7,30 triệu lượt khách, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 1,85 triệu lượt khách, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2024; khách du lịch nội địa ước đạt 5,45 triệu lượt khách, tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 29.930 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Bước sang tháng 4 và các quý tiếp theo, ngành du lịch TP.Hà Nội nói chung sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ, chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Đồng thời đẩy mạnh các tour du lịch tham quan các làng nghề di sản, các vùng du lịch ở ngoại ô thành phố như huyện Ứng Hoà. Với bề dày văn hóa, lịch sử, giàu tiềm năng du lịch và được mệnh danh là "Miền di sản ngoại ô", thời gian qua, huyện Ứng Hoà đã nỗ lực xây dựng, quảng bá hình ảnh, chú trọng chuyển đổi số để phát triển du lịch.
Huyện Ứng Hòa là nơi có phong tục tập quán đậm đà bản sắc truyền thống, có nhiều danh thắng nổi tiếng. Trên địa bàn huyện có 433 di tích, trong đó có 66 di tích cấp quốc gia và 106 di tích cấp thành phố, tiêu biểu như đình Hoàng Xá, đền Đức Thánh Cả, Khu di tích Xứ ủy Bắc Kỳ, Tượng đài chiến thắng khu Cháy và Bảo tàng quê hương phong trào Chiếc gậy Trường Sơn... Hệ thống di tích của huyện không chỉ có giá trị về mặt văn hóa - lịch sử mà còn có giá trị về mặt điêu khắc, nghệ thuật truyền thống.
Bên cạnh đó, Ứng Hoà còn nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống. Thời gian gần đây làng hương Quảng Phú Cầu thường xuyên đón các bạn trẻ ở Hà Nội và những vị khách du lịch quốc tế đến tham quan, khám phá như một địa điểm du lịch mới nổi. Theo chia sẻ của người dân tại xã quảng Phú Cầu, từ khi huyện triển khai chương trình kết nối tour tuyến du lịch "Miền di sản ngoại ô" và đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá du lịch, sản phẩm hương của địa phương có bước phát triển đáng kể.
Khách du lịch đến với làng nghề Quảng Phú Cầu ngày càng đông hơn, họ không chỉ tham quan, chụp ảnh, mà còn trực tiếp trải nghiệm quy trình làm hương truyền thống. Nhờ vậy, sản phẩm hương được nhiều người biết đến... Ứng Hòa đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong quảng bá du lịch, tạo ra các tour du lịch, số hóa thông tin về di sản, làng nghề trên nền tảng trực tuyến.
Các trang web, fanpage du lịch chính thức của huyện không chỉ giới thiệu điểm đến, mà còn tích hợp hình ảnh, video, bản đồ số..., giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin, lên kế hoạch tham quan. Sản phẩm đặc trưng của địa phương được giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ. Những bước đi này giúp du lịch Ứng Hòa tiếp cận với lượng lớn du khách, tạo động lực để người dân địa phương thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh.
Một trong những thành công bước đầu của Ứng Hòa trong chuyển đổi số gắn với phát triển du lịch là việc xây dựng, vận hành trên các nền tảng số, mạng xã hội giới thiệu “Về miền di sản”. Với nội dung phong phú, hấp dẫn, trang thông tin này thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh vùng đất giàu truyền thống của huyện đến với công chúng. Tại đây, những câu chuyện về làng nghề, nghệ nhân, sản phẩm đặc trưng, như: Áo dài Trạch Xá, hương Quảng Phú Cầu... được tái hiện sinh động, giúp người xem như đang hòa mình vào không gian văn hóa của miền quê Ứng Hòa. Không chỉ đơn thuần là kênh giới thiệu du lịch, “Về miền di sản” còn là nơi kết nối du khách với người dân địa phương.
Làng hương Quảng Phú Cầu trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước. (Ảnh: TS).
Những người yêu thích văn hóa truyền thống có thể tìm hiểu, đặt hàng sản phẩm làng nghề, liên hệ các tour trải nghiệm, đặt hàng... Bước đầu, việc số hóa và quảng bá trên nền tảng số mang lại hiệu quả tích cực. Đây chính là tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục phát triển du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp hơn... Những năm gần đây, việc quảng bá hình ảnh “Miền di sản ngoại ô” gắn với phát triển du lịch và chuyển đổi số là một trong những định hướng quan trọng của Ứng Hòa.
Huyện không chỉ khai thác tiềm năng về văn hóa, lịch sử, làng nghề, mà còn ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả quảng bá... Đại diện phòng Văn hóa, khoa học và Thông tin huyện cho biết, Ứng Hòa có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với những di sản văn hóa đặc sắc, làng nghề truyền thống lâu đời, như: Tăm hương Quảng Phú Cầu, may áo dài Trạch Xá... cùng hệ thống đình, chùa, di tích lịch sử giá trị cao.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào phương thức quảng bá truyền thống thì chưa đủ sức hút. Do đó, huyện đã đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng các nền tảng quảng bá du lịch trực tuyến, giúp du khách tiếp cận thông tin thuận tiện hơn...Lãnh đạo UBND huyện Ứng Hòa nhấn mạnh, thời gian qua, huyện đã hoàn thiện hệ sinh thái du lịch số, tập trung vào công nghệ, nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là các hộ kinh doanh làng nghề để họ có thể trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển đổi số, tự quảng bá và phát triển sản phẩm...
Dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng những năm qua, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, quảng bá du lịch trên các nền tảng xã hội, du lịch Ứng Hòa vẫn khẳng định sức hấp dẫn của mình thông qua số lượng khách đến với huyện. Năm 2025, Ứng Hoà đặt mục tiêu năm đón khoảng 300 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 18 nghìn lượt khách; phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 600 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 45 nghìn lượt khách.
Hải Anh
Bình luận