Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ ba, 02/07/2024 08:07
TMO - Hiện nay hầu hết các địa phương trên cả nước đều trong cao điểm nắng nóng, do đó nhu cầu sử dụng điều hoà để làm mát cũng gia tăng mạnh. Để sử dụng điều hoà hiệu quả, tiết kiệm điện, chi phí, hãy tham khảo một số gợi ý dưới đây.
Chọn điều hòa có công suất phù hợp với diện tích phòng
Lựa chọn điều hòa có công suất phù hợp với diện tích phòng giúp đảm bảo khả năng làm mát lại tiết kiệm điện. Bởi nếu điều hòa có công suất quá lớn so với diện tích phòng sẽ dẫn đến tình trạng hao phí điện năng, còn điều hòa có công suất quá nhỏ thì khả năng làm lạnh kém, máy buộc phải vận hành mạnh mới đáp ứng được nhu cầu dễ dẫn đến hư hỏng máy.
Người dùng cần chọn mức BTU phù hợp với diện tích phòng. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất nếu phòng < 15 m2 nên chọn công suất 9000 BTU, 15-20 m2 là 12000 BTU, 20-30 m2 là 18000 BTU và 30-40 m2 là 25000 BTU.
Lắp điều hòa ở vị trí hợp lý
Vị trí đặt dàn nóng ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động và điện năng tiêu thụ của điều hòa. Tốt nhất, dàn nóng của điều hòa nên được lắp ở nơi có mái che và bóng râm. Ngoài ra, cục nóng cũng cần được lắp cách tường ít nhất 30cm vì nếu cục nóng trực tiếp gắn lên tường hoặc đặt gần thì nhiệt tỏa ra từ cục nóng sẽ làm nóng ngược lại bức tường trong phòng. Cũng không nên lắp dàn lạnh ở nơi dễ thoát khí lạnh như cửa ra vào, cửa sổ.
Bên cạnh đó việc lắp đặt máy lạnh cũng cần lưu ý, không nên lắp cao hơn 1,7 mét vì không khí lạnh trải qua quá trình trao đổi nhiệt vẫn chưa chìm xuống và tỏa ra xung quanh đã bị hút trở lại, dẫn đến trao đổi nhiệt và làm mát trong phòng không đủ.
Thiết lập nhiệt độ phù hợp
Nên đặt nhiệt độ phòng không quá chênh lệch với ngoài trời (tối đa 7 độ C) giúp tiết kiệm điện đồng thời tránh cho người dùng bị sốc nhiệt. Ở Việt Nam, mức nhiệt độ phù hợp được khuyên cài đặt là 23-27 độ C. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, mỗi khi bạn giảm 5 độ C thì điều hòa sẽ tiêu tốn thêm khoảng 40% điện năng.
Ảnh minh họa.
Không bật, tắt điều hòa liên tục
Nhiều người cho rằng bật điều hòa đến khi phòng mát thì tắt đi bật quạt, tới lúc nóng bật lại điều hòa sẽ giúp tiết kiệm điện. Nhưng cách này làm ảnh hưởng đến chất lượng điều hòa và làm gia tăng chi phí tiền điện. Nguyên nhân là quá trình khởi động khiến điều hòa tốn nhiều điện năng để các bộ phật đi vào hoạt động như yêu cầu.
Các chuyên gia khuyên rằng bạn nên tắt điều hòa trước khi ra ngoài 30 phút. Sau khi tắt bằng điều khiển từ xa, bạn nên ngắt luôn áp-tô-mát. Nếu không, thiết bị vẫn hoạt động và tiêu hao một lượng điện đáng kể.
Chống thoát nhiệt qua khe hở
Khi bật điều hòa, nếu căn phòng có khe hở thì sẽ không thể mát nhanh và dễ bị thất thoát không khí lạnh ra ngoài. Bạn có thể tự kiểm tra bằng cách ra bên ngoài đặt tay vào cửa sổ, các kẽ hở của cửa ra vào. Nếu tay thấy mát thì chắc chắn không khí trong nhà lọt ra ngoài. Vì thế, bạn nên bịt kín các kẽ hở bằng keo hoặc nhờ thợ vào kiểm tra, xử lý.
Kiểm tra ống dẫn thường xuyên
Bạn nên kiểm tra ống dẫn thường xuyên vì đôi khi bụi bẩn bám trong các ống dẫn hay ống dẫn bị rò rỉ có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hệ thống làm mát của máy, làm tốn rất nhiều điện năng.
Sử dụng điều hòa kết hợp với quạt điện
Kết hợp vừa bật điều hòa và quạt điện khiến chúng ta có cảm giác tốn gấp 2 lần điện. Song đây lại là một trong những biện pháp đơn giản mà hiệu quả tới không ngờ trong việc vừa làm mát căn phòng vừa giúp bạn tiết kiệm phần nào công suất điện. Khi được kết hợp, quạt điện sẽ giúp nâng cao khả năng lưu thông không khí lạnh ra khắp phòng, giúp vừa làm mát nhanh, lại giúp chúng ta dễ chịu hơn hẳn, dù không cần để nhiệt độ thấp.
Vệ sinh máy điều hòa định kỳ
Nếu máy điều hòa không được vệ sinh trong nhiều năm sẽ tích tụ bụi bặm, vi khuẩn có hại, gây nhiễm trùng đường hô hấp ở các mức độ khác nhau. Quan trọng, điều hòa tích bụi bẩn làm giảm khả năng làm mát, hao tốn điện năng. Vì vậy, nên làm sạch điều hòa mỗi tháng một lần vào mùa hè. Ngoài việc vệ sinh mặt nạ và lưới lọc, phải sử dụng dung dịch khử trùng điều hòa chuyên nghiệp để làm sạch bụi bẩn trong điều hoà.
Lê Quỳnh
Bình luận