Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 21/02/2025 22:02
Chủ nhật, 16/02/2025 06:02
TMO - Trong năm 2025 dự báo ngành tôm sẽ đối mặt với nhiều thách thức, do đó các địa phương cần có những giải pháp căn cơ, chiến lược phù hợp để ứng phó, nhằm đảm bảo chất lượng, mở rộng thị trường xuất khẩu tôm.
Theo Cục Thủy sản, năm 2024 sản xuất nuôi tôm nước lợ năm 2024 đạt vượt kế hoạch đề ra với diện tích nuôi đạt 749,8 nghìn ha, (tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023); sản lượng nuôi tôm nước lợ năm 2024 đạt 1.290,5 nghìn tấn (tăng 15,3 % so với cùng kỳ năm 2023 - 1.119,6 nghìn tấn); trong đó, sản lượng tôm sú đạt 338,8 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 951,7 nghìn tấn. Việt Nam xuất khẩu tôm sang hơn 100 thị trường. Trong đó thị trường Mỹ (lớn nhất chiếm 19%), tiếp đến là Trung Quốc, Canada, Anh, Australia...
Là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm lớn, Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết tỉnh có gần 140.000ha nuôi trồng thủy sản và là một trong 3 địa phương có diện tích, sản lượng nuôi tôm top đầu cả nước. Sản lượng tôm hàng năm của Bạc Liêu đóng góp 20-21% tổng sản lượng tôm nuôi toàn quốc, hiện nay Bạc Liêu đã và đang xây dựng thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, đặc biệt mục tiêu năm 2025 đạt xuất khẩu tôm 1,3 tỷ USD.
Trong năm 2024, ngành tôm Bạc Liêu đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc góp phần cho toàn ngành nông nghiệp, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 432.172 tấn, sản lượng thủy sản xuất khẩu đạt 121.950 tấn. Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và có mà những chỉ đạo giúp ngành tôm của Việt Nam nói chung và của Bạc Liêu nói riêng phát triển hiệu quả, bền vững, giải quyết được các vấn đề tồn tại về môi trường, dịch bệnh đối với sự phát triển bền vững của ngành tôm và giúp Bạc Liêu thành công xây dựng thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước; đặc biệt là, đạt chỉ tiêu xuất khẩu tôm của tỉnh trong 2025 đạt 1,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, Cục Thủy sản cũng cho biết, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực do chi phí thức ăn nuôi tôm đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất, năm 2025, theo dự báo của các chuyên gia, ngành tôm có thể tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Để nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm và tạo ra sự bứt phá ngành tôm phát triển bền vững các địa phương, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, cần chú ý đến việc xây dựng chất lượng nguồn giống đạt chất lượng cao để chủ động trong sản xuất và giảm chi phí trong quá trình nuôi và hạn chế dịch bệnh.
Cùng đó, có cơ chế chính sách, giải quyết những vấn đề về mặt kỹ thuật nuôi còn tồn động. Chẳng hạn như phương thức nuôi chủ yếu là ao đất, ao bạt còn 2 hay 3 giai đoạn là khó đòi hỏi trong giai đoạn tới hướng đến sản xuất xanh, ít phát thải và ứng dụng công nghệ số, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý trong nuôi trồng thủy.
Cùng với việc đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển vùng nuôi, logistics, cần phải tổ chức lại tổ chức sản xuất, các khâu thu hoạch, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại phải song hành với nhau. Chỉ có giải quyết các vấn đề này một cách đồng bộ, chặt chẽ mới tạo ra cạnh tranh tốt hơn thị trường tôm trên thế giới, đưa ngành tôm bứt phá đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD”.
Xuất khẩu tôm năm 2025 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức. (Ảnh minh hoạ).
Về nhiệm vụ giải pháp năm 2025, Cục Thủy sản xác định diện tích nuôi tôm là 750 nghìn ha (tôm sú 630 nghìn ha, tôm thẻ 120 nghìn ha); sản lượng tôm các loại 1,3 – 1,4 triệu tấn; trong đó, tôm sú 350 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 1.050 nghìn tấn; nhu cầu tôm giống khoảng 140-150 tỷ con. Để đảm bảo kế hoạch cả năm 2025, Cục Thủy sản cho rằng: các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản thực hiện đầy đủ các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản; theo dõi diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường kịp thời tham mưu chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt các mục tiêu kế hoạch 2025.
Cùng đó, phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; áp dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp và hiệu quả với từng phương thức nuôi, ưu tiên công nghệ tuần hoàn nước/ít thay nước, thu gom và tái sử dụng chất thải trong nuôi tôm, đáp ứng yêu cầu của thị trường về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật và có trách nhiệm xã hội.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam, xuất khẩu tôm 2024 đạt 3,9 tỷ USD, tăng 14% so với 2023. Nhu cầu thị trường tăng, sức mua phục hồi, tồn kho từ Mỹ, EU giảm. Giá tôm xuất khẩu có xu hướng tăng trong nửa cuối năm. Việt Nam xuất khẩu tôm sang 107 thị trường. Trong đó thị trường Mỹ, Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc0 tăng 11%-39%, thị trường Hàn Quốc giảm 3% thị trường nhỏ Canada, Anh, Australia tăng từ 4% - 33%.
Cục Thủy sản cho rằng để tháo gỡ những khó khăn, thách thức trong ngành nuôi tôm cũng như xuất khẩu tôm, cần nâng cao chất lượng con giống và kiểm soát dịch bệnh để giảm rủi ro trong sản xuất. Việc nghiên cứu, phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất tôm giống sạch bệnh, chất lượng cao sẽ giúp cải thiện năng suất.
Cục Thú y cho biết sẽ đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống, đặc biệt là kiểm soát bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, đốm trắng. Trong khi đó, VASEP-Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản nhấn mạnh rằng mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố then chốt. Cần tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đồng thời, các doanh nghiệp cần nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm để đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, truy xuất nguồn gốc.
Dù đối mặt với nhiều thách thức, ngành tôm Việt Nam vẫn có những thuận lợi để phát triển mạnh trong năm 2025. Nhu cầu tiêu thụ tôm toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi sau giai đoạn suy giảm, tạo cơ hội gia tăng xuất khẩu. Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh các chính sách phát triển ngành thủy sản, hỗ trợ doanh nghiệp và người nuôi tôm…/.
Thu Thuỷ
Bình luận