Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ bảy, 11/05/2024 07:05
TMO - Từ những thanh tre bình thường, qua bàn tay điêu luyện của những người thợ giàu kinh nghiệm vót đũa tại xã Hoà Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, những thanh tre đã trở thành những đôi đũa tre đẹp mắt, mang thu nhập cho người dân, góp phần gìn giữ nét văn hóa độc đáo của một nghề truyền thống.
Nghề vót đũa tre đã gắn bó từ lâu đời với người dân tại huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Theo chia sẻ của những người dân tại ấp Xẻo Cui, xã Hoà Thuận, từ thời ông cha đã lấy nghề vót đũa bán để kiếm tiền mua gạo. Như một lẽ tự nhiên, đến hiện tại người dân cũng học nghề từ cha rồi giữ nghề đến giờ.
Xóm đũa tại ấp Xẻo Cui tồn tại suốt hơn 50 năm, trải qua nhiều thăng trầm, có lúc “điêu đứng” vì đũa nhựa, đũa sắt hay các loại đũa công nghiệp ồ ạt ra đời đã khiến đũa tre nhiều lúc bị lãng quên. Tuy nhiên, sau quá trình sử dụng những loại đũa nhựa, đũa sắt ấy, người tiêu dùng nhận thấy khuyết điểm của những loại đũa này như trơn, khó gắp, gặp nóng dễ bị chảy… nên đã quay lại dùng đũa tre quen thuộc, từ đó nghề làm đũa truyền thống tại ấp Xẻo Cui nói riêng và nhiều làng nghề vót đũa trên cả nước nói chung đã tiếp tục hoạt động nhộn nhịp.
Người dân tại ấp Xẻo Cui tập trung vót đũa. Ảnh: BL.
Không biết chính xác nghề vót đũa tre có từ bao giờ, chỉ biết rằng đến hiện tại người dân vẫn còn giữ nghề. Mỗi ngày mỗi người thợ lành nghề có thể vót khoảng 50 đôi đũa, với giá bán từ 100.000-250.000 đồng/100 đôi, tùy theo đũa thường hay đũa đặt. Trừ chi phí mua tre nguyên liệu, ngày công, người dân có lãi khoảng 100.000 đồng/ngày.
Để có được đôi đũa tốt, đẹp, đảm bảo chất lượng, người thợ phải lựa chọn những cây tre thật già từ 2-3 năm tuổi. Trải qua nhiều công đoạn từ khâu đốn tre, cắt, chẻ, vót, làm bóng mới có được đôi đũa hoàn chỉnh. Nhờ có chất lượng tốt, an toàn cho sức khoẻ, nhiều người mua rồi lại giới thiệu cho người khác nên đũa tre Xẻo Cui ngày càng được đông đảo khách hàng biết tới. Ngoài người địa phương, một số nhà hàng, quán ăn trong tỉnh, nhiều người ở Hậu Giang, TP. Cần Thơ, Trà Vinh… cũng thường đặt đũa ở đây.
Với mục tiêu đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng, đến nay, người dân xóm đũa Xẻo Cui vẫn quyết định giữ nguyên màu của đũa tre truyền thống được làm thủ công, không sử dụng bất cứ một loại hóa chất hay phẩm màu nào. Đũa tre Xẻo Cui từng được chọn để trưng bày, triển lãm tại các hội chợ, sự kiện ở huyện, tỉnh nhằm giới thiệu đến người dùng sản phẩm đặc trưng truyền thống của địa phương.
Đũa tre thành phẩm được người dân buộc gọn, đem đi phơi nắng tránh nấm mốc. Ảnh: NT.
Đũa từ tre được người dùng ưa chuộng vì sạch, thân thiện môi trường, bởi đồ nhựa khi đun nấu, nhiệt nóng sẽ tác dụng với các chất trong nhựa, gây hại. Tuy nhiên, đũa tre cũng rất dễ nấm mốc nếu không biết cách xử lý, bảo quản đúng cách. Để có đũa tre đẹp, ngay từ khâu chọn nguyên liệu cũng cần kỹ càng. Tre được chọn làm đũa phải là tre già từ 3 năm tuổi. Nếu tre non, đũa sẽ mỏng, mềm, rất dễ thâm kim lên mốc, mối mọt, xài không bền.
Từ tre nguyên liệu, qua bàn tay giàu kinh nghiệm của người thợ sẽ vót ra sản phẩm hoàn chỉnh đều đẹp, thế nhưng, khi qua tay người tiêu dùng, người dùng cần biết cách xử lý để đũa sử dụng bền lâu, đúng giá trị. Ngoài ra khi mang về sử dụng, khách hàng cần lưu ý nên dùng nước muối pha loãng hoặc nước trà để ngâm, sau đó rửa sạch bằng nước rồi đem phơi cho thật khô là có thể sử dụng. Làm cách này sẽ giúp đũa giữ được độ bóng, màu đẹp tự nhiên, hạn chế thâm kim, mốc xấu, nếu chưa dùng có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để giữ đũa lâu hơn.
Nghề vót đũa tre không chỉ giúp đảm bảo cuộc sống của các hộ dân làm nghề, mà còn giúp tạo ra thu nhập kinh tế cho những người trồng tre. Phần lớn các hộ làm nghề vót đũa khi nông nhàn, nhưng cũng có những gia đình thì nghề làm đũa tre đã gắn bó với nhiều thế hệ trong gia đình. Đây cũng là một trong những cách để nghề làm đũa tre được giữ gìn đến tận ngày nay.
Quỳnh Thương
Bình luận