Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ hai, 15/04/2024 09:04
TMO - Cứ vào tháng 3 âm lịch hàng năm, hàng triệu người con đất Việt lại cùng hướng về non thiêng Nghĩa Lĩnh chờ đón nhịp trống đồng khai hội Đền Hùng, về với đất Tổ Phú Thọ nơi phát tích cội nguồn dân tộc với lòng tôn kính, tri ân công đức tổ tiên gây dựng nền móng giang sơn gấm vóc.
Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - tâm điểm của thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với những hoạt động lễ - hội diễn ra trang nghiêm, thành kính tại các ngôi đền trên núi Hùng và các di tích thờ Hùng Vương ở trong tỉnh Phú Thọ, thu hút hàng triệu đồng bào cả nước, kiều bào tham gia dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm.
Đền Hùng nằm trên địa phận thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Theo dòng chảy của thời gian nhiều di tích tại đây đã được tu sửa và xây dựng bổ sung. Ngày 6/12/2012 trở thành dấu mốc quan trọng khi UNESCO chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây không chỉ là niềm vinh dự của riêng người dân vùng đất Tổ mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.
Đông đảo du khách thập phương về Khu di tích lịch sử Đền Hùng trước ngày Giỗ Tổ. Ảnh: NK.
Khu Di tích lịch sử Đền Hùng có tổng diện tích hơn 840 ha với 4 đền, 1 chùa và 1 lăng. Nơi đây sở hữu địa thế cao và hùng vĩ, nằm trong lòng một cảnh đẹp tự nhiên, đất trời hòa quyện tạo thành một không gian uy nghiêm, linh thiêng. Đền Hùng được xây dựng trên đồi cao với lối kiến trúc độc đáo. Những hàng cây cổ thụ vươn cao tạo nên không gian tĩnh lặng, mang lại cảm giác thanh tịnh và yên bình cho mọi người khi đến thăm. Với sự kết hợp tinh tế giữa kiến trúc độc đáo, những câu chuyện huyền thoại và giá trị tinh thần sâu sắc, Đền Hùng đã trở thành nơi thờ cúng linh thiêng và lưu giữ ký ức về nguồn gốc và sự hình thành của dân tộc Việt.
Quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng gồm đền Hạ và chùa Thiên Quang, đền Trung, đền Thượng và Lăng Vua Hùng, đền Giếng, đền Tổ Mẫu Âu Cơ, đền Quốc Tổ Lạc Long Quân. Cùng với đó là các công trình phụ trợ nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của đồng bào cả nước về Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm vào ngày mồng 10 tháng 3 (âm lịch), với câu ca đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân đất Việt: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba".
Xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, lan tỏa mạnh mẽ vượt qua biên giới quốc gia, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang trở thành điểm tựa tâm linh, giá trị văn hóa truyền thống, sợi dây kết nối bền chặt để “cả nước hướng về Đền Hùng và từ Đền Hùng nhìn ra cả nước”, con Lạc cháu Hồng chung vai góp sức gìn giữ, phát triển giang sơn giàu đẹp thỏa ước nguyện tiền nhân. Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt. Đây là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hóa độc đáo và tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm được tỉnh Phú Thọ chuẩn bị kỹ lưỡng, mang tính cộng đồng sâu sắc.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2024 diễn ra từ ngày 9 đến 18/4 (tức ngày 1 đến 10 tháng 3 Âm lịch), tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (thành phố Việt Trì) và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Phú Thọ. Lễ hội được tỉnh Phú Thọ chuẩn bị kỹ lưỡng đảm bảo phần lễ trang nghiêm, trọng thể, thành kính, mang tính cộng đồng sâu sắc. Những lễ hội truyền thống, các sự kiện văn hóa-thể thao sôi động... là cơ hội để những người con đất Tổ, du khách thập phương ôn lại tiến trình lịch sử, tôn vinh các di sản văn hóa của dân tộc.
Lễ hội Đền Hùng không chỉ là một dịp để tưởng nhớ và tôn vinh Tổ Hùng Vương, mà còn là cơ hội để người dân thể hiện lòng thành kính và tiếp nối văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong lễ hội, có sự góp mặt của nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như hát xoan, đánh trống đồng và các trò chơi dân gian đặc sắc. Đây là cơ hội để người dân gắn kết và thể hiện lòng tự hào về nguồn cội văn hóa của đất nước.
Ngoài vùng đất Tổ, để tưởng nhớ công ơn các vua Hùng, các địa phương trong cả nước đều có điểm thờ Hùng Vương như tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang… Vào ngày mùng 10/3 âm lịch hàng năm, các tỉnh, thành phố đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm theo hướng dẫn chung của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch một cách trang trọng, thành kính, thể hiện sự tri ân, công đức tổ tiên của thế hệ con cháu với công lao dựng nước của các Vua Hùng.
Các di tích và địa điểm thờ tự Vua Hùng ở khắp nơi luôn được người Việt bảo tồn, gìn giữ và xây dựng chính là sự khẳng định giá trị tâm linh bền vững trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Đó chính là hành trang tinh thần vô giá của cả dân tộc trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước cũng như quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Bích Hạnh
Bình luận