Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 23:11
Thứ hai, 08/05/2023 08:05
TMO - Hướng tới mục tiêu “Khánh Hòa là địa phương đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức không của Việt Nam vào năm 2050” các Sở, ngành địa phương của tỉnh Khánh Hòa cần khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính bằng không giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đối với từng ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa, phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, chất thải… đang làm tăng nhiệt độ toàn cầu, gây biến đổi khí hậu, gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan, như: Lũ lụt, hạn hán, bão…
Cụ thể, biến đổi nhiệt độ trong 40 năm (từ năm 1980 đến 2020) tại tỉnh Khánh Hòa cho thấy, nhiệt độ trung bình năm có xu hướng tăng. Cụ thể, tốc độ tăng nhiệt độ trung bình năm tại các trạm như sau: 0,028°C/năm tại trạm Nha Trang; 0,032°C/năm tại trạm Cam Ranh; 0,017°C/năm tại trạm Trường Sa. Biến đổi của lượng mưa tăng nhẹ với tốc độ tăng 0,475%/năm ở Nha Trang; tăng 0,691%/năm ở Cam Ranh và tăng khoảng 0,664%/năm ở Trường Sa. Như vậy, trong 40 năm qua, nhiệt độ trung bình tại Khánh Hòa tăng khoảng 1,1 đến 1,3°C; lượng mưa tăng khoảng 19 đến 28%.
Do tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh Khánh Hòa đã liên tục chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai cực đoan (bão, áp thấp nhiệt đới, dông, lốc, sét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn). Theo số liệu thống kê thiệt hại do bão, mưa lũ, sạt lở đất, hạn hán xảy ra trong 5 năm gần đây (2017 - 2021) đã làm 80 người chết; hơn 95.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hơn 950.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều công trình hạ tầng y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi... bị hư hỏng, với tổng thiệt hại khoảng 18.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, năm 2022, Khánh Hòa trải qua 6 đợt nắng nóng diện rộng; 7 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới; 6 đợt mưa lớn diện rộng; 2 đợt lũ lớn xảy ra vào cuối tháng 10 và đầu tháng 12. Đặc biệt, trong đợt mưa lớn và kết hợp lốc xoáy vào cuối tháng 3, đầu tháng 4-2022, đã có khoảng 12.000 ha lúa vụ Đông Xuân đang thu hoạch bị thiệt hại từ 5 – 10% năng suất; 62 tàu thuyền bị chìm; một số công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng. Ngoài ra, do đợt áp thấp nhiệt đới vào các tháng cuối năm 2022 đã làm sập và hư hỏng 3 nhà (Nha Trang); sạt lở đèo Cổ Mã và nhiều đoạn kè sông, bờ sông, bờ suối; gây ngập, hư hỏng khoảng 800 ha lúa…
Phục hồi, phát triển rừng ngập mặn là một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh triển khai.
Những năm gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành thực hiện nhiều chương trình, dự án, kế hoạch về bảo vệ môi trường nhằm góp phần hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, như: Hạn chế cấp phép đầu tư đối với các dự án tiêu tốn năng lượng, phát thải khí nhà kính; kiểm soát chất thải rắn, chất thải nguy hại, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo cơ chế sạch; khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch (năng lượng điện gió, mặt trời, thủy điện); phục hồi rừng ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học; xây kè, hồ chứa nước, mốc báo lũ, xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt...
Trong Chương trình hành động của Tỉnh ủy Khánh Hòa thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu: “Đến năm 2045, tỉnh Khánh Hòa là một trong những địa phương đi đầu của cả nước về bảo vệ môi trường và thực hiện phát thải khí nhà kính về mức không”. Để thực hiện được điều đó, cần sự nỗ lực rất lớn của các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trong lĩnh vực năng lượng sẽ cung cấp cho các ngành công nghiệp năng lượng xanh và giá thành rẻ, với sáng kiến chính bao gồm: Phát triển điện khí với tiềm năng chế biến năng lượng lạnh tại Khu Kinh tế Vân Phong; tăng năng lượng mặt trời trên mái nhà với việc hỗ trợ ắc-quy và áp dụng trạm năng lượng mặt trời nổi, quy hoạch phát triển tại khu vực thị xã Ninh Hòa; phát triển mạng lưới điện 110kV ở nông thôn và nông nghiệp công nghệ cao áp dụng nông nghiệp kết hợp phát điện mặt trời. Đối với quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn nông nghiệp nông thôn, chất thải y tế, chất thải công nghiệp, cần phải lựa chọn công nghệ tiên tiến đã được áp dụng trên thế giới, được phân tích và sàng lọc, áp dụng công nghệ xử lý trung gian nhằm giảm thiểu chất thải chôn lấp.
Các sở, ngành, địa phương cần tổ chức tuyên truyền những quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, cộng đồng về trách nhiệm, lợi ích của giảm phát thải khí nhà kính; thúc đẩy thay đổi hành vi tiêu dùng, sản xuất xanh; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng đối với chất thải có thể tái chế, tái sử dụng; huy động sự tham gia của cộng đồng trong giám sát phát thải và thực hiện giảm phát thải khí nhà kính; thực hiện cam kết trồng rừng và sử dụng đất…
Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu và đưa phát thải khí nhà kính bằng “0”, địa phương này sẽ bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có ở vùng đồi núi, trong đó ưu tiên các điểm nóng về mất rừng và suy thoái rừng; bảo vệ rừng phòng hộ và rừng đặc dụng ven biển; nâng cao chất lượng và trữ lượng các-bon rừng tự nhiên nghèo; nâng cao năng suất và trữ lượng các-bon của rừng trồng gỗ lớn; nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng các-bon và bảo tồn đất; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; hàng năm trồng mới gần 530ha rừng; khoanh nuôi tái sinh rừng hơn 783ha/năm; chăm sóc rừng trồng hơn 1.197ha/năm; đảm bảo độ che phủ rừng hơn 46,5%.
Khánh Hòa hướng tới mục tiêu phát triển các KCN sinh thái, bền vững giảm phát thải (Ảnh minh họa).
Khánh Hòa đang hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển đô thị tăng trưởng xanh, giảm phát thải, sử dụng tiết kiệm năng lượng để thiết thực thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại hội nghị COP 26 vừa qua. Xây dựng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, chú trọng các giải pháp tổng thể từ quy hoạch đô thị, lựa chọn địa điểm cho đến các giải pháp công trình và phi công trình, giải quyết vấn đề ngập úng, thoát nước, sạt trượt trong đô thị và các tác động khác do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng và thời tiết cực đoan có thể xảy ra. Xây dựng đô thị thông minh, bao gồm quy hoạch, quản lý đô thị thông minh, tiện ích đô thị thông minh với cơ sở dữ liệu đô thị thông minh, mà quan trọng nhất là năng lực tầm nhìn và dự báo.
Hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đặc biệt là trong hoạt động sản xuất công nghiệp, thời gian tới Khánh Hoà sẽ ưu tiên thu hút đầu tư các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như Công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút các dự án hạ tầng khu công nghiệp và cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ.
UBND tỉnh Khánh Hòa xác định, tùy thuộc vào điều kiện phát triển của tỉnh, việc thu hút đầu tư các dự án mới phải đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, tạo nguồn thu địa phương với trình độ công nghệ của dự án, sử dụng nguồn lực nội địa; kiên quyết không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ ô nhiễm môi trường…
Thái Thịnh
Bình luận