Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 15:12
Thứ tư, 14/08/2024 14:08
TMO - Tại tỉnh Kiên Giang, mô hình tôm-lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao so với độc canh cây lúa trên cùng diện tích. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để tiếp tục nâng cao hiệu quả mô hình này, hướng tới mục tiêu sản xuất bền vững cần đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.
Mô hình sản xuất tôm - lúa hiện nay đã trở thành loại hình nuôi trồng kết hợp có thế mạnh của tỉnh Kiên Giang, tập trung ở các huyện An Minh, An Biên, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận. Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang cho biết, kinh tế tập thể của tỉnh phát triển mạnh và có hình thức đa dạng, gồm tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà nòng cốt là hợp tác xã.
Hiện nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 3 liên hiệp hợp tác xã với 35 hợp tác xã thành viên, 447 hợp tác xã. Kinh tế tập thể giúp liên kết những hộ sản xuất nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi tương trợ, chia sẻ nguồn lực, lợi ích, kinh nghiệm, liên kết cộng đồng và từng bước mở rộng hợp tác với các thành phần kinh tế khác. Hiện toàn tỉnh có hơn 63.000ha sản xuất tôm - lúa thuộc các hợp tác xã, chiếm gần 60% diện tích sản xuất tôm - lúa toàn tỉnh.
Mô hình sản xuất tôm - lúa hiện nay đã trở thành loại hình nuôi trồng kết hợp có thế mạnh của tỉnh Kiên Giang.
Theo nhận định của các hợp tác xã, tổ hợp tác thì mô hình sản xuất tôm - lúa hiệu quả hơn rất nhiều so với sản xuất độc canh cây lúa hoặc nuôi tôm theo cách truyền thống. Vừa đem lại hai nguồn lợi kinh tế, vừa góp phần cải tạo đất, môi trường sinh thái tự nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp. Sản phẩm tôm và lúa thu hoạch từ mô hình kết hợp này cũng là sản phẩm sạch, chất lượng cao, do đó được doanh nghiệp đặt hàng thu mua chế biến xuất khẩu. Có nhiều hộ thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã trung bình một ha thu hoạch tôm 400 - 500 kg và 5 - 6 tấn lúa, sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng
Mô hình canh tác tôm – lúa theo hướng liên kết, hợp tác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang không ngừng phát huy hiệu quả và góp phần quan trọng làm giảm nghèo, tăng thu nhập cho thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã. Bên cạnh đó, khi liên kết các tổ hợp tác, hợp tác xã phải thoả các điều kiện của doanh nghiệp để có sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cung ứng cho thị trường như: Hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, sử dụng hợp lý tài nguyên nước theo từng thời điểm và mùa trong năm.... Từ đó, giúp nâng cao giá trị hàng hóa cho con tôm và hạt lúa, ước lợi nhuận cao hơn từ 20 - 30% so với sản xuất độc canh cây lúa.
Tại huyện Vĩnh Thuận, các HTX tôm - lúa của huyện hiện nay đang dần chuyển sang trồng lúa hữu cơ trên nền đất nuôi tôm, chủ yếu là giống lúa ST. Nhờ được một số doanh nghiệp liên kết cung ứng phân bón, giống nên giảm chi phí sản xuất, đến khi thu hoạch được thu mua theo hợp đồng nên không lo đầu ra.
Tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện An Biên, sau nhiều năm chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, việc canh tác lúa 2 vụ/năm gần như không còn mang lại hiệu quả, người dân đã chuyển đổi sang mô hình tôm lúa. Tại HTX Nam Quý (huyện An Biên) với diện tích sản xuất gần 20ha vào năm 2020, đến nay HTX đã có tổng diện tích hơn 75 ha, đồng thời trở thành điểm tựa thoát nghèo, làm giàu của hàng trăm thành viên, nông dân trong và ngoài HTX.
Việc canh tác mô hình tôm - lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, các thành viên HTX Nam Quý đã có sự chuyển biến lớn về tư duy, tiếp cận với các thành tựu khoa học tiên tiến, từ đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập. Lợi nhuận bình quân của mô hình tôm-lúa hiện đạt gần 160 triệu đồng/năm, gấp 4 lần so với canh tác lúa truyền thống trước đây.
Các địa phương cần xây dựng các mô hình tổ hợp tác, HTX sản xuất theo mô hình tôm – lúa để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Thời gian tới, để hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác, HTX sản xuất mô hình tôm –lúa bền vững, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang cho rằng: Cần đẩy mạnh hối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân, đặc biệt là hội viên nông dân tham gia, xây dựng các mô hình tổ hợp tác, HTX sản xuất theo mô hình tôm – lúa những vùng quy hoạch theo định hướng của ngành chức năng để đảm bảo thực hiện có hiệu quả cao.
Thông qua mô hình tổ hợp tác, HTX đã hình thành, mời gọi các công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc tư vấn định hướng cho tổ hợp tác, HTX thực hiện các dịch vụ sau thu hoạch, chế biến các sản phẩm đặc trưng để nâng cao giá trị. Xây dựng mô hình điểm để nhân rộng; tranh thủ cơ chế hỗ trợ chính sách và nhiều hoạt động hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX tháo gỡ khó khăn như: trụ sở, kho, bãi; vốn góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan làm ảnh hưởng và thay đổi đến cơ cấu sản xuất. Để thích ứng với tình hình mới, đồng thời chủ động sản xuất thuận tự nhiên thì mô hình tôm-lúa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định là hướng đi bền vững…
Theo Viện Lúa ĐBSCL, tôm - lúa là mô hình canh tác nông nghiệp thông minh, có mối quan hệ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa vật nuôi (tôm) và cây trồng (lúa) trong hệ sinh thái đồng ruộng. Chất thải hữu cơ và một số khoáng vi lượng tồn dư của vật nuôi sẽ là nguồn dinh dưỡng cho cây lúa hấp thu sinh trưởng; còn rơm rạ từ cây lúa sẽ là nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho con tôm. Mô hình còn giảm thiểu chi phí làm đất, phân thuốc; đồng thời tạo ra sản phẩm sạch, an toàn.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều lợi ích thì mô hình này vẫn còn bộc lộ một số bất cập: Là mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến nên công trình chưa đảm bảo, bị rò rỉ, bị nhiễm phèn và không giữ được nước. Kỹ thuật về nuôi tôm-lúa của bà con còn hạn chế, chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm nên năng suất bấp bênh và thiếu ổn định. Môi trường ngày càng ô nhiễm, độ mặn biến động lớn, thời tiết biến đổi gây biến động môi trường lớn.
Hiện nay các vùng sản xuất tôm lúa nằm xen trong các khu nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, hệ thống thủy lợi phục vụ mô hình tôm lúa chưa đồng bộ, vấn đề quản lý nguồn nước, dịch bệnh chưa chặt chẽ, còn thiếu sự liên kết, hợp tác trong người dân ở từng khu vực và giữa các bên có liên quan, để phát triển mô hình tôm lúa.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển bền vững hoạt động sản xuất mô hình này: Tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống, xét nghiệm và cho kết quả nhanh bệnh dịch trên tôm. Đầu tư nghiên cứu lai tạo ra các giống lúa có khả năng chịu mặn, chịu phèn tốt, kháng bệnh, năng suất và chất lượng tốt.
Để mô hình luân canh tôm lúa tiếp tục phát triển mạnh và bền vững, trong thời gian tới cần quy hoạch hợp lý các vùng luân canh, để có các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp và chính sách tín dụng hỗ trợ sản xuất, khuyến khích sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác. Nâng cấp các công trình nuôi trồng thủy sản, đặc biệt đối với hình thức nuôi luân canh tôm lúa, cần gia cố bờ bao, mương bao để đảm bảo ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong thời gian tới.
Tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, chỉ nên nuôi 1 vụ tôm, 1 vụ lúa/năm. Mật độ nuôi chỉ nên duy trì dưới 8 con/m2, diện tích mương nuôi tôm chiếm không quá 30% tổng diện tích. Tăng cường tập huấn kỹ thuật, nhất là quản lý môi trường nước và phòng trị bệnh trên tôm nuôi. Tổ chức các điểm trình diễn mô hình tôm- lúa cho nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm, nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Người dân cần liên kết và hợp tác trong sản xuất, để cải tạo đất, thả tôm giống, gieo cấy lúa theo lịch thời vụ.../.
Đức Nam
Bình luận