Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 22:01
Thứ tư, 06/04/2022 16:04
TMO - Với độ bền cao và giá cả cạnh tranh hơn nhiều so với hoa Hà Lan, hoa của Việt Nam ngày càng được chuộng tại thị trường thế giới. Tuy nhiên, để gia tăng thị phần xuất khẩu hoa, các doanh nghiệp cần tuân thủ những quy định tại các thị trường trên.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, xuất khẩu hoa của Việt Nam đạt 61,8 triệu USD, tăng 27% so với 2020. Trong đó, hoa hồng có mức tăng trưởng mạnh nhất trên 100%. Tiếp đến là hoa ly, cúc, lan hồ điệp tăng trưởng 16% đến 52%.
Hoa cúc, lan, hoa hồng có độ bền cao và giá cả cạnh tranh hơn nhiều so với hoa Hà Lan. Vì vậy, hoa của Việt Nam ngày càng được chuộng ở thị trường thế giới. Ngoài thị trường chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Đài Loan, gần đây Singapore, Malaysia, Hồng Kồng cũng đẩy mạnh nhập hoa từ Việt Nam.
Riêng đối với thị trường Nhật Bản, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nhật Bản cho biết, Việt Nam là thị trường cung cấp mặt hàng hoa lớn thứ 6 cho Nhật Bản trong tháng 01/2022, đạt 352,1 triệu Yên (tương đương 2,8 triệu USD), tăng 19,3% so với tháng 01/2021. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 7,7% tổng trị giá nhập khẩu.
Hoa cắt cành Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Australia
Mặc dù sở hữu tiềm năng và dư địa để khai thác thị trường xuất khẩu còn rất lớn, nhưng việc gia tăng thị phần xuất khẩu đang phải đối diện với cả những khó khăn. Tại Việt Nam, mỗi năm sản xuất khoảng 1 tỷ cành hoa cúc nhưng 90% tiêu thụ nội địa. Để xuất khẩu được sang Nhật Bản, hoa Việt Nam cần vượt qua khoảng 1.000 chỉ tiêu về chất lượng.
Australia là một trong những thị trường truyền thống quan trọng đối với sản phẩm hoa xuất khẩu của Việt Nam hơn 20 năm qua. Sản lượng xuất khẩu mỗi năm đạt gần 30 triệu cành hoa/lá trang trí, mang lại doanh thu 5,2 triệu USD/năm. Một trong những điều kiện kiểm dịch thực vật của Australia là hoa trước khi nhập khẩu phải được xử lý triệt mầm bằng thuốc có hoạt chất glyphosate.
Hoạt chất metsulfuron methyl được thay thế cho glyphosate để xử lý mầm hoa cúc cắt cành trước khi xuất khẩu sang Australia kể từ ngày 1/3/2022. Tuy nhiên, sau khi bắt đầu xuất khẩu trở lại hoa cúc cắt cành sang Australia, hai bên sẽ tiếp tục theo dõi an toàn và hiệu quả của mersulfuron methyl trên lô hàng thực tế xuất khẩu trong 6 tháng tiếp theo để đánh giá hiệu lực thực tế của hoạt chất này.
Ngoài ra, để gia tăng thị phần, các chuyên gia còn nhấn mạnh đến vấn đề hoa xuất khẩu bản quyền giống. Về vấn đề này, Hiệp hội hoa Đà Lạt cho biết, đây cũng là khó khăn lớn nhất của ngành hoa hiện nay. Giống hoa không có bản quyền hầu hết là giống cũ được nhân bản trái phép với chất lượng thấp. Việc lấy giống sao chép hoặc nhập tiểu ngạch để trồng hoa xuất khẩu nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng uy tín thương mại và sức cạnh tranh của hoa Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng với định hướng mở rộng các thị trường đã có ở châu Á, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong thời gian tới sẽ hợp tác với các đối tác khác để thúc đẩy việc xuất khẩu hoa cắt cành và lá trang trí của Việt Nam sang các thị trường khác, góp phần phát triển bền vững ngành hoa của Việt Nam.
Ngành hoa hiện mang tính thời trang rất cao, đòi hỏi người sản xuất phải cập nhật liên tục xu hướng và các giống hoa mới. Bên cạnh đó, yếu tố môi trường và sức khỏe con người ngày càng được đề cao nên hoa không chỉ đẹp, bắt mắt mà phải an toàn, sạch. Trong khi đó, hoa tươi của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng nhưng chất lượng chưa đồng đều.
Do đó, để thuận lợi trong quá trình xuất khẩu, các chuyên gia trong ngành cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, trồng hoa công nghệ cao cũng như nghiên cứu chọn tạo khâu giống.
Hồng Hạnh
Bình luận