Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ sáu, 11/11/2022 03:11
TMO - Theo đánh giá của các chuyên gia, sau 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam là nước thành viên tranh thủ được khá tốt lợi thế để gia tăng thị phần xuất khẩu vào các thị trường của khu vực châu Mỹ.
Hiệp định CPTPP chính thức được phê chuẩn vào ngày 30/12/2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam từ 14/1/2019. Khu vực thị trường châu Mỹ có 4 quốc gia tham gia CPTPP là Canada, Mexico, Peru và Chile. Trong số đó, ngoại trừ với Chile-quốc gia đã có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương với Việt Nam vào năm 2014; 3 quốc gia còn lại đây là lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ FTA. Vì vậy, với những lợi thế về ưu đãi thuế quan trong CPTPP sẽ đem lại dư địa và tiềm năng lớn để doanh nghiệp Việt có thể khai thác xuất khẩu.
Sau 3 năm thực thi, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ có mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, tại thị trường Canada năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Canada khoảng 5,3 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 75 % so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực. Hay với Mexico, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Mexico khoảng 4,6 tỷ USD và tăng trưởng tới hơn 100 % so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực.
Dệt may là một trong những nhóm hàng được hưởng ưu đãi thuế quan lớn thông qua Hiệp định CPTPP. Ảnh: PN
Theo thống kê, Việt Nam là thành viên CPTPP đã phê chuẩn duy nhất gia tăng thị phần ở Canada, Mexico. Đối với các nước khác, thị phần đều giảm, hoặc đi ngang. Chẳng hạn như Nhật Bản hay nước khác, trước đó là những nước quen thuộc với thị trường châu Mỹ, thị phần đi ngang, còn Việt Nam thị phần lại tăng lên. Tại Canada, thị phần của Việt Nam năm 2017 là 0,9 %, đến năm 2019, năm đầu tiên thực thi CPTPP, thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Canada đã tăng lên là 1,2% và đến năm 2021 là 1,6 %, là nước có tốc độ tăng cao nhất về mặt thị phần. Tương tự như vậy, ở Mexico, năm 2018, thị phần của Việt Nam là 0,9 %, đến năm 2021 thị phần là 1,7 %.
Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, Vụ Thị trường châu Mỹ cho biết nhóm điện thoại và linh kiện chiếm khoảng 20%, nhóm điện tử và máy vi tính chiếm khoảng 16%; máy móc, phụ tùng chiếm khoảng 9%, Dệt may và da giày là hai nhóm hàng mà thông qua Hiệp định CPTPP các doanh nghiệp có lợi thế về thuế quan tới 10 - 20% so với các cái đối thủ cạnh tranh trực tiếp khác.
Đặc biệt, sau hơn 3 năm thực thi, CPTPP được đánh giá là hiệp định có tác động rất rõ nét với ngành thủy sản Việt Nam, khi xuất khẩu thủy sản sang khối này đã chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của thủy sản của Việt Nam trong những năm qua. Cụ thể, trước khi có Hiệp định CPTPP, Canada chiếm 2,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đến thời điểm này, Canada đã chiếm 3,7%. Tỷ trọng của Mexico đã tăng từ 1% lên 1,3 % và tỷ trọng của Australia trong khối CPTPP cũng tăng từ 2,7% lên 3,2%.
Lợi thế từ Hiệp định CPTPP thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang khối này đã chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên chuyên gia cho rằng, thời gian tới doanh nghiệp phải sẵn sàng trước những cái thách thức mới khi đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường thuộc khu vực này. Thời gian vừa qua, hàng hóa của Việt Nam thuận lợi xuất khẩu khi không phải cạnh tranh, bởi vì các nước đối thủ cạnh tranh có những sản phẩm hàng hóa tương tự như chúng ta ở khu vực ASEAN, châu Á thì họ chưa có hiệp định với các nước như là Canada hay Mexico. Vì thế, những sản phẩm hàng hóa mà chúng ta có lợi thế được hưởng ưu thế tuyệt đối với ưu đãi thuế quan CPTPP.
Thời gian gần đây, một số nền kinh tế đã bày tỏ sự quan tâm tới việc gia nhập Hiệp định CPTPP. Sau Vương quốc Anh, đến lượt Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) Ecuador và Costa Rica... cũng xin gia nhập CPTPP. Nếu những nền kinh tế này được chấp nhận tham gia CPTPP, thì bản đồ cạnh tranh trong CPTPP sẽ thay đổi rất lớn.
Trước những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp trong thực thi CPTPP, Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ khi Hiệp định có hiệu lực vào năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động để triển khai thực thi hiệp định, trong đó chú trọng vào những thách thức đối với các doanh nghiệp khi khai thác CPTPP. Trước hết là xây dựng pháp luật và thể chế. Cùng với đó là về công tác thông tin, tuyên truyền và nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để cải thiện cái môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời, nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về cam kết, quy định trong Hiệp định. Đặc biệt, quy định về quy tắc xuất xứ sẽ được cung cấp cho doanh nghiệp một cách chuyên sâu hơn đối với từng ngành hàng, lĩnh vực, thị trường cụ thể để cho từng nhóm đối tượng cụ thể.
Bộ cũng sẽ đẩy mạnh việc cung cấp cho doanh nghiệp thông tin cụ thể về thị trường các nước, khu vực CPTPP. Đặc biệt, thị trường mới như thị trường châu Mỹ thì sẽ cung cấp cho doanh nghiệp các thông tin cập nhật về tình hình thị trường, về những biến động và những cái thay đổi trong chính sách thương mại, chính sách quản lý xuất nhập khẩu của các nước sở tại. Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành để tìm ra giải pháp xem xét, tìm hiểu các tuyến vận tải mới trực tiếp, tăng khả năng kết nối cho doanh nghiệp tại khu vực này.
Hạnh Nguyễn
Bình luận