Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ tư, 03/04/2024 07:04
TMO - Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về cung cấp và chế biến gia vị sau Ấn Độ và Trung Quốc, tuy nhiên chủ yếu xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng chế biến thấp.
Việt Nam có tiềm năng lớn sản xuất các loại gia vị như quế, hồi, các loại rau gia vị đặc trưng cho ẩm thực châu Á. Bên cạnh các thị trường trọng điểm, thị trường có nhiều cộng đông cư dân châu Á sinh sống cũng là hướng đi mới với tệp khách hàng tiềm năng trong tiêu dùng các sản phẩm đặc sản nhiệt đới và sản phẩm gia vị. Do xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm…Hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết: Nhu cầu về gia vị của các thị trường vẫn ở mức cao và Việt Nam đang có nhiều thuận lợi về xuất khẩu gia vị nhất là khi có các Hiệp định Thương mại tự do. Tuy nhiên, ngành hàng gia vị Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, ngoại trừ hồ tiêu, các mặt hàng gia vị khác như quế, hoa hồi, ớt… chưa có chiến lược phát triển bền vững.
Trong khi đó các doanh nghiệp vẫn thiếu thốn về công nghệ, thiếu vốn để đầu tư chế biến sâu nâng cao giá trị sản phẩm. Các yếu tố bất ổn địa chính trị có thể là nguyên nhân tiếp tục gây ra những bất ổn về giá hơn là yếu tố cung cầu, trong khi sự cạnh tranh từ các nước sản xuất khác như hồ tiêu ở Brazil, quế ở Indonesia và Trung Quốc vẫn dai dẳng. Ngoài ra, diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu cũng là thách thức chính đối với ngành nông nghiệp trêntoàn cầu trong khi các loại chi phí tiếp tục gia tăng sẽ tác động lớn đến nguồn cung…
Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, các mặt hàng, sản phẩm từ quế, hồi và cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm và mở rộng thị trường xuất khẩu do những thay đổi trong nhận thức, quan điểm và thị hiếu của người tiêu dùng đối với lối sống xanh, sạch, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ tăng miễn dịch. Xu hướng tiêu dùng đang hướng tới các sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường và hành vi tiêu dùng đã có sự điều chỉnh theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thị trường và cuối cùng là ứng dụng nền tảng số, công nghệ vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị.
Hiện toàn ngành hàng gia vị Việt Nam có 14 nhà máy có trình độ công nghệ chế biến sâu. Để giúp phát triển ngành hàng và dần hình thành chuỗi giá trị gia vị Việt Nam trong ngành gia vị thế giới, VPSA kiến nghị Nhà nước cần quan tâm xem xét hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến thông qua hình thức cho vay vốn ưu đãi ưu tiên đầu tư khoa học công nghệ, hoặc trợ cấp một phần (30-50%) chi phí đầu tư (như các nước Ấn Độ, Sri Lanka) theo hình thức đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D).
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm bớt các thủ tục hành chính, bổ sung các chính sách khuyến khích đầu tư. Đồng thời, hỗ trợ tăng ngân sách các chương trình xúc tiến thương mại, tiếp thị và quảng bá cho sản phẩm gia vị Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đảm bảo việc thực thi các quy định về an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm để đảm bảo uy tín của ngành gia vị Việt Nam trên thị trường quốc tế. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành gia vị thúc đẩy đổi mới và sáng tạo trong quy trình sản xuất, sản phẩm và quản lý.
Trước thực tế, người tiêu dùng trên thế giới ngày càng quan tâm đến các vấn đề sức khỏe và nhu cầu tìm đến các loại gia vị tăng, trong khi Việt Nam đa dạng về các loại gia vị, một số loại được đánh giá cao về chất lượng. Do đó, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường kinh doanh thuận lợi: giảm bớt các thủ tục hành chính, bổ sung các chính sách khuyến khích đầu tư. Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành gia vị thúc đẩy đổi mới và sáng tạo trong quy trình sản xuất, sản phẩm và quản lý.
Nhà nước cần quan tâm xem xét hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến thông qua hình thức cho vay vốn ưu đãi ưu tiên đầu tư khoa học công nghệ, hoặc trợ cấp một phần (30-50%) chi phí đầu tư (như các nước Ấn Độ, Sri Lanka) theo hình thức đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) để dần hình thành chuỗi giá trị gia vị Việt Nam trong ngành gia vị thế giới.
Thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu cho ngành hàng gia vị.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu, quế, hồi, ớt, đậu khấu, gừng, nghệ… đạt 1,257 tỷ USD. Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị dự kiến trong 5 năm tới, tổng kim ngạch xuất khẩu gia vị của Việt Nam sẽ đạt 2,2 tỷ USD. Châu Âu là một trong những khu vực nhập khẩu gia vị và hương liệu hàng đầu, chiếm khoảng 1/4 tổng lượng nhập khẩu của thế giới, với hơn 95% hàng nhập khẩu từ bên ngoài châu Âu đến từ các nước đang phát triển.
Trong đó riêng nhập khẩu từ các nước đang phát triển đạt 1,8 tỷ Euro và chiếm 60% lượng nhập khẩu của châu Âu giai đoạn 2019-2021, tăng 9%/năm. Ngoài ra, giá nhập khẩu trung bình ở châu Âu cũng cao hơn so với hầu hết các khu vực khác. Điều này khiến châu Âu trở thành thị trường mục tiêu cho các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển.Tuy nhiên, xuất khẩu vào thị trường này cần lưu ý một số yêu cầu như kiểm soát chặt chẽ về chất độc hại, chất gây dị ứng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nhiệt, kiểm dịch thực vật, chứng nhận an toàn thực phẩm, chuỗi cung ứng minh bạch...
Tại thị trường Hoa Kỳ, nhu cầu về gia vị của thị trường này đang ngày càng tăng cao do nhu cầu tăng sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng hậu Covid-19. Để tăng thị phần gia vị Việt Nam tại thị trường này cũng như đưa Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn trong chuỗi cung ứng gia vị toàn cầu, các chuyên gia cho rằng bên cạnh các sản phẩm thô, cần đa dạng hóa sản phẩm gia vị phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm...
Riêng với ẩm thực, có thể tăng độ nhận diện của các loại gia vị bằng cách kết hợp cùng nước mắm bên cạnh các món ăn như phở, nem vốn đã phổ biến và được ưa thích tại thị trường hàng trăm triệu dân này. cây gia vị không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn là nguồn gen quý, bản địa, giúp xóa đói giảm nghèo, góp phầm bảo tồn đa dạng sinh học dưới tán rừng... Đây là những yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp có thể đưa vào để quảng bá sản phẩm gia vị Việt Nam trước xu hướng tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường, giảm phát thải của thị trường Hoa Kỳ.
Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách (Bộ Công Thương) cho rằng, thúc đẩy xuất khẩu gia vị cần gắn với đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Tiếp đó là đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại phục vụ xuất khẩu gia vị thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Đồng thời, cần nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm gia vị xuất khẩu; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm gia vị xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam. Cuối cùng là tăng tỷ trọng các sản phẩm gia vị xuất khẩu có giá trị gia tăng, có hàm lượng khoa học - công nghệ, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Phương Thúy
Bình luận