Hotline: 0941068156
Thứ hai, 05/05/2025 16:05
Thứ hai, 05/05/2025 06:05
TMO - Thời gian qua, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đang từng bước đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả canh tác và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc áp dụng giống mới, hệ thống tưới tự động và quy trình sản xuất hiện đại đang tạo chuyển biến tích cực cho ngành nông nghiệp địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Chư Sê, nhờ làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có về đất đai rộng lớn, màu mỡ cũng như phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, kinh tế-xã hội Chư Sê có bước chuyển mình mạnh mẽ từ nền kinh tế tự cung, tự cấp sang kinh tế thị trường.
Ngày nay, người dân đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, diện tích gieo trồng ứng dụng công nghệ cao đạt 5,43%. Huyện đã hình thành và phát triển vùng nguyên liệu mía tại xã Hbông với diện tích 1.057 ha. Toàn huyện có 28 trang trại nông nghiệp sản xuất các cây dược liệu, rau, nấm và các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; 15 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP; 6 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được UBND tỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư.
Trong các địa phương ở Chư Sê, xã Bar Măih là một trong những địa phương làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Theo đó, xã đã chú trọng định hướng người dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày, có giá trị kinh tế cao như cà phê, sầu riêng, hồ tiêu… Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo các tiêu chuẩn, có mã số vùng trồng, tem truy xuất nguồn gốc… để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.
Để chăm sóc vườn cây hiệu quả, người dân đã thường xuyên tham quan, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng, cà phê, hồ tiêu của các hộ trong xã, huyện; đồng thời, tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, vỏ trấu… kết hợp với chế phẩm sinh học để ủ phân bón cho cây.
Bên cạnh đó, người dân đã từng bước ứng dụng công nghệ tưới nước tiên tiến nhằm đảm bảo cung cấp lượng nước phù hợp cho cây trồng trong từng giai đoạn. Từ đó giúp kinh tế ổn định, nguồn thu từ hoa màu, cây nông nghiệp được ổn định hơn.
Công nghệ tưới nước tiết kiệm tự động đang được người dân Chư Sê tích cực áp dụng. (Ảnh: TL).
Đến nay, toàn huyện có trên 2.100 ha cây trồng được ứng dụng công nghệ cao, chiếm 5,43% tổng diện tích gieo trồng. Giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác cùng nhóm sản phẩm có ứng dụng công nghệ cao đến thời điểm hiện tại tăng 12% so với năm 2020. Đại diện phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Chư Sê-cho biết, huyện tiếp tục lựa chọn một số giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, thị trường tiêu thụ ổn định để đầu tư phát triển.
Đồng thời, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với hợp tác xã, người dân để phát triển sản xuất gắn với sơ chế, bảo quản, chế biến, tiêu thụ cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân phát triển, mở rộng diện tích đất canh tác nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả kinh tế; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sản phẩm…
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2025, bình quân mỗi năm, huyện lồng ghép bố trí khoảng 10 tỷ đồng để hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong đó, huyện tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng các loại giống lai, giống mới đưa vào sản xuất đại trà.
Từ đó góp phần tăng năng suất, sản lượng thu hoạch; khuyến khích mở rộng áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhất là ở khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch.
Thời gian tới, huyện tiếp tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đặc biệt, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, đàn gia súc, gia cầm theo hướng xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt.
Tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao thân thiện với môi trường và hệ thống quản lý chất lượng hiện đại trong bảo quản, chế biến nông sản.
Việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Chư Sê (Gia Lai) đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Các sản phẩm nông nghiệp đã trở thành hàng hóa lớn, có bước tăng trưởng mạnh và tạo dựng được uy tín trên thị trường.
Thanh Nga
Bình luận